Vì sao không cấm xe giường nằm tuyến Hà Nội - Sapa?
Lý giải cho chuyện này, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Đường đèo dốc quanh co ở Sapa (Lào Cai) thuộc đường cấp 4 miền núi nên xe giường nằm vẫn có thể chạy tốt ở khu vực này.
Tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban tuyên giáo Thành ủy HN tổ chức chiều 30/9, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết quan điểm về những ý kiến tranh cãi xung quanh việc có nên cấm hay không xe giường nằm chạy đường núi.
Tranh cãi này xuất phát từ tai nạn thảm khốc tại Lào Cai hôm 1/9, chiếc xe khách của hãng Sao Việt mất lái sau khi tránh chiếc xe ô tô 4 chỗ rồi lao thẳng xuống vực dài chừng 200m. Vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trên địa bàn xã Toòng Sành (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), làm 14 người tử vong.
Không cấm xe lên Sapa
Ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo Cục Đăng kiểm, Tổng cục đường bộ Việt Nam ra các quy định cụ thể đối với xe giường nằm.
Theo số liệu của Sở GTVT Hà Nội, trên toàn quốc hiện này có hơn 4.000 xe giường nằm, trong đó có 60% là xe hoán cải, 40% là xe nhập khẩu. Tuy nhiên, những xe hoán cải này đều được Cục đăng kiểm, Bộ GTVT quy định tất cả các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc ở Lào Cai
Ông Linh thông tin, ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra thì Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm đề ra các tiêu chuẩn kỹ thuật ngặt nghèo hơn đối với xe giường nằm, trong đó có việc quy định các khoang chở hàng, quy định chiều cao của xe, quy định số lượng xe và trọng tâm của xe như thế nào…
“Sau khi vụ tai nạn thảm khốc xảy ra, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã chỉ đạo phải quy định đường nào thì xe giường nằm được phép hoạt động”, ông Linh cho biết.
Dự kiến, đường cấp 5, cấp 6 miền núi sẽ không cho xe giường nằm hoạt động. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng sẽ không được sử dụng xe giường nằm với lý do xe hợp đồng không thuộc đường.
“Bởi đối với xe hợp đồng thì nay hợp đồng đi đường này, mai đi đường kia nên lái xe thường không thuộc đường, mà đã không thuộc đường thì khi lái xe giường nằm rất nguy hiểm”, ông Linh nói.
Tuy nhiên, những xe giường nằm chạy tuyến Hà Nội – Sapa (Lào Cai) sẽ không thuộc diện bị cấm.
Lý giải cho chuyện này, ông Linh cho biết: “Đường đèo dốc quanh co ở Sapa (Lào Cai) thuộc đường cấp 4 miền núi nên xe giường nằm vẫn có thể chạy tốt ở khu vực này.
Thêm vào đó, nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn thảm khốc vừa qua ở đoạn đường này được xác định là do yếu tố con người. Do vậy, sẽ không có chuyện cấm xe giường nằm từ Hà Nội – Sapa (Lào Cai)”.
Cấm xe giường nằm ở đường cấp 5, 6 miền núi
Rất nhiều chuyên gia ủng hộ chủ trương trên của Bộ Giao thông vận tải trong đó có ông Mai Văn Thanh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.
Ông Thanh thông tin, Tổng Cục đường bộ đã có quy định, đường cấp 5, 6 miền núi là đường có tiêu chuẩn rộng tối thiểu 6 - 6,5 m, có một làn cho xe cơ giới rộng 3,5 m, tốc độ thiết kế đường 20 - 30 km/giờ.
“Theo tôi nên cấm xe giường nằm hoạt động ở các đoạn đường này do tiêu chuẩn kỹ thuật của nó rất thấp. Khu vực đó thuộc vùng sâu, vùng xa, đường thuộc cấp thấp nhất nên ít xe chạy và xe giường nằm càng không nên lưu thông qua đó”, ông Thanh nêu quan điểm.
Đồng quan điểm với ông Mai Văn Thanh, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội nói: “Tôi hoàn toàn đồng tình với chủ trương trên vì xe giường nằm còn nhiều nhược điểm và đường cấp 5, cấp 6 lại là loại đường xấu, khi đi vào đó rất xóc, xe dễ bị lắc”.
Phân tích các nhược điểm của xe giường nằm, ông Liên cho biết, thứ nhất, kết cấu của nó khá cồng kềnh, không tốt, khi xảy ra va chạm dễ dẫn tới nóc bay một nơi, xác bay một nơi tương tự như khi chúng ta đội nón qua cầu và bị gió thổi bay mất nón. Như vậy, nếu xảy ra va chạm, người ở tầng trên của xe sẽ bị văng ra như người nhảy dù, khó có cơ hội sống sót, quá nguy hiểm.
Ngoài ra, xe giường nằm trọng tâm bị lệch bởi trọng tâm nằm ở lưng chừng chứ không nằm ở sàn như các loại xe khác. Do vậy, độ lắc của xe lớn hơn nhất là khi đi vào các khúc cua, dốc.
Cuối cùng, đường xấu trong khi xe dài, khi lưu thông rất nguy hiểm.
“Theo tôi, lẽ ra còn phải hạn chế số lượng xe giường nằm, nhưng hiện tại số lượng xe giường nằm ở Việt Nam khá lớn, nếu cấm sẽ ảnh hưởng tới sản xuất. Vì thế giải pháp mà Bộ Giao thông vận tải đưa ra là phù hợp với tình hình thực tế xã hội hiện nay”, ông Liên nhấn mạnh.