Ước mơ của người phụ nữ 3 con sống “vô danh” 37 năm giữa Hà Nội

Người mẹ 3 con sau 36 năm mới có giấy khai sinh ước vay được 10 triệu đồng để mở gánh bún riêu mấy mẹ con rau cháo nuôi nhau sống qua ngày.

36 năm là người “vô hình”

Chị Lê Thị Thu Huyền (ở phố Nguyên Khiết, phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) sinh ra trong điều kiện thiệt thòi, mẹ bỏ đi từ khi lọt lòng. Đến khi chị Huyền trưởng thành lấy chồng sinh được 3 người con nhưng vẫn chưa có giấy khai sinh nên không thể đăng ký kết hôn và nhận con hợp pháp.

Gạt nước mắt, chị Huyền tâm sự, ngày 26/4/1984, chị sinh ra tại nhà hộ sinh Hàng Bún. Vào thời điểm này, bố chị là ông Lê Huy Sơn (SN 1961) đang chấp hành án phạt tù. Ngay sau khi sinh ra, mẹ chị Huyền đem con đến “trả lại” cho ông bà nội cùng người bác ruột ở phố Nguyên Khiết rồi bỏ đi biệt tích.

Trong quá trình sinh sống cùng ông bà và bác ruột, chị Huyền được gửi học nhờ tại Trường tiểu học Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đến năm 9 tuổi thì không được đi học nữa. Từ thời điểm sinh ra cho đến ngày 19/10/2020 (36 năm) chị Huyền không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào (không giấy khai sinh, không hộ khẩu, không chứng minh nhân dân).

“Tôi sinh ra không biết mặt bố, chẳng biết mặt mẹ. Hơn chục năm sau bố tôi chấp hành án về tôi mới được gặp ông. Khi ấy, tôi cũng hỏi bố về mẹ nhưng trong ký ức của bố không nhớ gì về mẹ tôi cả, bố tôi cũng nhiều lần đi tìm và tìm mọi cách làm giấy khai sinh cho tôi nhưng đều bế tắc”, chị Huyền nói.

Đến năm 18 tuổi, nhận thấy cuộc sống không giấy tờ tùy thân gặp quá nhiều khó khăn nên chị Huyền lại tiếp tục tìm hiểu các thủ tục để làm các giấy tờ liên quan, tuy nhiên không thể thực hiện do không có đầy đủ giấy tờ theo quy định.

“Năm 2016 tôi đã thực hiện xét nghiệm ADN huyết thống với bố là ông Lê Huy Sơn và tìm kiếm lại các thông tin lưu trữ tại nhà hộ sinh Hàng Bún. Tuy nhiên thời gian đã lâu, phía nhà hộ sinh không còn lưu bất kỳ thông tin nào về việc sinh nở của mẹ tôi. UBND phường yêu cầu phải chứng minh được nguồn gốc người mẹ, nhưng thật sự tôi không biết mẹ là ai", chị Huyền kể.

Sau 36 năm chị Huyền cũng làm được giấy khai sinh.

Sau 36 năm chị Huyền cũng làm được giấy khai sinh.

Theo chị Huyền, sau đó, chị cũng đi lấy chồng ở phường Văn Miếu (Đống Đa, Hà Nội) nhưng vì chị không có giấy tờ tùy thân nên không thể đăng ký kết hôn và xin việc nên chị chỉ làm dọn dẹp thuê và bán nước vỉa hè. Vợ chồng chị sinh được 3 người con nhưng không được thừa nhận theo pháp luật, 2 con đầu khai sinh theo họ bố dù là con ruột nhưng trên giấy khai sinh phải nhận làm con nuôi, còn phần của mẹ trong giấy khai sinh của con thì bỏ trống.

“Đến cháu thứ 3 khi chồng tôi lâm bệnh nặng, gia đình đi thử ADN 2 bố con nên chính quyền đã làm giấy khai sinh cho cháu theo họ bố và có đề tên mẹ là tôi vào giấy khai sinh”, chị Huyền nói.

Làm xong giấy khai sinh cho con gái út không lâu, chồng chị Huyền không may qua đời trong cơn bạo bệnh, bỏ lại cho chị 3 con, cuộc sống vốn đã khó khăn nay còn khó khăn hơn. Hiện tại 2 đứa con lớn của chị Huyền khoảng 18 tuổi đã nghỉ học đi bán hàng thuê, đứa út (hơn 5 tuổi) chuẩn bị vào lớp 1 đang ở cùng với mẹ.

Ước mơ của người phụ nữ 3 con sống “vô danh” 37 năm giữa Hà Nội - 2

Hai con lớn ở với ông bà nội, chị Huyền cùng con gái út về nhà ông ngoại ở.

“Chồng mất tôi phải ôm con gái út về căn nhà chật hẹp của bố ở phố Nguyên Khiết để tá túc, còn 2 cháu lớn ở với ông bà nội. Cuối năm 2021, tôi được báo chí biết đến hoàn cảnh và đưa tin, chính quyền các cấp vào cuộc nên ngày 20/10/2021, sau 36 năm chờ đợi tôi đã nhận được giấy khai sinh và 1 tháng sau đó tôi nhận được căn cước công dân”, chị Huyền chia sẻ.

Ước tìm được một công việc ổn định

Chị Huyền cũng cho hay, kể từ khi nhận được giấy khai sinh và căn cước công dân thì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên chị chưa xin được việc. Xin vào làm ở siêu thị chị không có bằng cấp, vào quán ăn thì xa lại vướng con nhỏ.

Hằng ngày, chị Huyền được chị họ tạo điều kiện cho mượn xe máy và nhận đơn để đi ship hàng.

Hằng ngày, chị Huyền được chị họ tạo điều kiện cho mượn xe máy và nhận đơn để đi ship hàng.

“Hằng ngày, chị họ tạo điều kiện nhận đơn và cho tôi mượn xe máy để đi ship hàng, hôm nào nhiều được 3 đến 4 đơn, hôm thì 1 đơn, có hôm chẳng nhận được đơn nào. Mỗi khi đi ship hàng tôi mang con sang gửi em gái”, chị Huyền nói.

Người mẹ 3 con cũng cho biết, tháng nào đơn nhiều đơn chị cũng kiếm được hơn 1 triệu đồng, tháng nào ít đơn thì được 600 nghìn đồng. Số tiền ít ỏi này 2 mẹ con chị cũng tiện sống qua ngày.

Trong căn nhà rộng chừng 30m2 nơi 3 bố con chị Huyền ở không có bếp nấu ăn. Bố chị Huyền đang làm bảo vệ nên ăn ở chỗ làm, còn con gái chị Huyền thi thoảng em gái nấu ăn mang sang cho, không thì 2 mẹ con lại úp mì tôm ăn qua ngày.

"Giờ tôi cũng chỉ muốn tìm được 1 công việc ổn định để lo cho con gái vì cháu sắp vào lớp 1”, chị Huyền tâm sự.

Chị Huyền bảo rằng, bản thân chị chỉ có mong ước mượn được 10 triệu đồng mua đồ dùng về mở 1 gánh bún riêu bán ở chợ Châu Long gần nhà để có đồng ra đồng vào 2 mẹ con rau cháo nuôi nhau. Tuy nhiên, với hoàn cảnh của chị như hiện nay vay mượn ai cũng khó.

Ông Quách Văn Nam - cán bộ tư pháp phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, công dân Lê Thị Thu Huyền đã được cấp giấy khai sinh vào tháng 10/2021.

Theo vị này, đây là kết quả sau quá trình rà soát với sự chỉ đạo của các cấp, các ngành. Chị Huyền có hoàn cảnh rất đặc biệt, có thể nói là hi hữu, bản thân chị Huyền sinh ra trong gia đình cũng đặc biệt, từ năm 2011 đến năm 2020 chị Huyền lấy chồng sống ở phường Văn Miếu. Đến khi chồng mất, chị Huyền mang con nhỏ về địa phương sinh sống.

“Chị ấy có 3 người con, 2 cháu lớn đã trưởng thành, còn giờ chị ấy đang nuôi 1 cháu nhỏ”, cán bộ tư pháp phường Phúc Tân nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Ba anh em hơn 20 tuổi chưa có giấy khai sinh

UBND phường sẽ mời gia đình cùng Công an phường, Phòng Tư pháp TP Thủ Đức đến để xác định nhân thân, sau đó sẽ thực hiện cấp giấy khai sinh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quỳnh An ([Tên nguồn])
Những phận đời kém may mắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN