Cuộc sống mới của người mẹ già có 10 người con điên

Sức khỏe đã giảm đi nhiều do tuổi già nhưng ở tuổi 80, người mẹ già nhận được nhiều tin vui từ những người con từng mắc bệnh “điên” của mình.

Ngôi nhà của bà Nở đã cũ kỹ. Phần mái tôn và những mảng tường bong tróc được các nhà hảo tâm hỗ trợ cải tạo

Ngôi nhà của bà Nở đã cũ kỹ. Phần mái tôn và những mảng tường bong tróc được các nhà hảo tâm hỗ trợ cải tạo

Tin vui liên tiếp đến với mẹ già lúc cuối đời

Cách đây 5 năm, tôi có dịp ghé thăm ngôi nhà “ma ám” ở TP Hải Phòng. Nói là “ma ám” bởi vì trong ngôi nhà ấy, từng có trên 10 người mắc bệnh tâm thần. Ngôi nhà là nơi sinh sống của gia đình bà Nguyễn Thị Nở và các con.

Thời điểm năm 2018 khi tôi đến, nhà chỉ có bà Nở và cô con gái út tên Phạm Thị Bích (SN 1983) sinh sống. Chị Bích còn trẻ nhưng có bệnh “điên” trong người, cứ ở nhà một thời gian, khi nào lên cơn lại phải vào Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Vĩnh Bảo (hay còn gọi là Trại tâm thần Vĩnh Bảo) điều trị.

9 người con trước của bà Nở, người bỏ đi biệt xứ, người đã chết, người thì vẫn ở trong trại tâm thần… Ở tuổi 80, những tưởng người mẹ ấy sẽ sống lay lắt nốt quãng đời còn lại thì bà Nở liên tiếp đón những niềm vui nhỏ để gắng gượng.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2024, có dịp đi công tác Hải Phòng, tôi đến thăm nhà bà Nở trên phố Đà Nẵng (quận Ngô Quyền). Ngôi nhà vẫn vậy, đã cũ kĩ theo thời gian. Bên trong nhà la liệt đồ đạc, chất đống lên nhau, quần áo, chăn màn, chai lọ liểng xiểng…

Bên trong ngôi nhà lỉnh kỉnh đồ đạc, quần áo, chăn màn… chất đống khắp nhà

Bên trong ngôi nhà lỉnh kỉnh đồ đạc, quần áo, chăn màn… chất đống khắp nhà

Thứ quý giá nhất trong ngôi nhà có lẽ là chiếc ti vi màu, màn hình led được một nhà hảo tâm nào đó tài trợ, không phải là chiếc ti vi “nồi đồng cối đá” như 5 năm trước khi tôi đến.

Nằm ở tấm đệm trải giữa nhà, bà Nở nay trông yếu ớt hơn. Bà bảo, đợt này yếu, hay ốm, cứ 2-3 ngày lại phải đi tiêm một mũi do bệnh đau đầu kinh niên. Chị Bích thì như được “đóng đinh” ở chiếc giường nơi góc nhà. Nhiều năm trước tôi đến thấy chị ở đó, nay vẫn thế.

Bà Nở năm nay đã 80 tuổi nên sức khỏe đã giảm sút, thường xuyên đau ốm

Bà Nở năm nay đã 80 tuổi nên sức khỏe đã giảm sút, thường xuyên đau ốm

Chị Bích chia sẻ, mấy năm nay bệnh “điên” của chị không tái phát nên may mắn chị không phải vào trại tâm thần chữa trị. Riêng chỉ có bệnh về khớp, mỗi khi trái gió trở trời chân tay chị đau nhức thì phải đi cắt thuốc.

Chị Bích – con gái út của bà Nở mấy năm nay không phát bệnh “điên”

Chị Bích – con gái út của bà Nở mấy năm nay không phát bệnh “điên”

Khi tôi đang trò chuyện trong nhà, bất ngờ có một người phụ nữ từ ngoài đi vào. Hỏi ra thì mới biết, đây là con gái cả của bà Nở, chị Phạm Thị Thái (SN 1965), người đã mất tích nhiều năm trước.

Chị Thái ít nói và gần như cũng không giao tiếp được nhiều. Thấy vậy, chị Bích nhanh nhảu kể, chị ấy mới từ bên Trung Quốc về được khoảng 4 năm nay.

Theo lời chị Bích, mấy chục năm trước, khi phát bệnh “điên”, chị Thái đi lang thang khắp nơi rồi lưu lạc sang tận Trung Quốc. Sau đó, chị lấy chồng bên đó, một người chồng cũng đã lớn tuổi. Sống với nhau khá lâu nhưng 2 người không có con.

“Mấy năm trước, chồng chết, chị ấy không còn nơi nương tựa nên lại hóa điên. Người ta đưa chị ấy vào trại tâm thần bên đó khoảng 4 năm, rồi cho về”, chị Bích chia sẻ.

Hiện giờ, chị Thái chỉ quanh quẩn ở nhà, lúc nào chán thì chị ra ngoài đi ăn xin, nhặt nhạnh chai lọ, giấy vụn…

Bà Nở cũng chẳng hiểu con gái về nước bằng cách nào, bà chỉ biết đó là nhờ xã hội, nhà các cơ quan, đoàn thể đưa về. “Con gái về nhà được là vui lắm”, giọng bà yếu ớt.

Chị Thái – con gái cả của bà Nở trở về nhà sau nhiều năm lưu lạc bên Trung Quốc

Chị Thái – con gái cả của bà Nở trở về nhà sau nhiều năm lưu lạc bên Trung Quốc

Không chỉ con gái cả, bà Nở còn tiết lộ, anh con trai thứ 9 của bà là anh Phạm Văn Hậu (SN 1980) sau khi chữa lành bệnh “điên”, vào làm ăn trong nam cũng đã có cuộc sống khá giả hơn. Thỉnh thoảng, anh Hậu có về thăm nhà.

Như vậy, con gái cả về nhà, con gái út không còn phát bệnh, con trai có được cuộc sống như người bình thường… đó là những tin vui liên tiếp đến với người mẹ già 80 tuổi.

Theo đại diện lãnh đạo phường Cầu Tre (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) - nơi gia đình bà Nở đang sinh sống, gia đình bà thuộc diện cận nghèo của phường đã nhiều năm.

Vị này cho biết thêm, bà Nở có một số người con mắc bệnh tâm thần đang điều trị trong trại tâm thần; một số người thì lấy chồng xa hoặc bỏ đi đã nhiều năm không biết tung tích.

Hiện nay, nhà bà Nở đang có 3 người sinh sống, đó là bà Nở, con gái cả mới từ Trung Quốc về tên Thái và con gái út tên Bích.

Bà Nở đã già yếu gần như chỉ nằm ở nhà. Người con gái cả thì làm tự do. Cả gia đình đang sống dựa vào tiền trợ cấp dành cho người khuyết tật (não) của chị Bích, mỗi tháng được 750.000 đồng.

May mắn là chị Bích chỉ ở thể nhẹ và đã được chữa trị nhiều đợt nên hiện đã như người bình thường, không ảnh hưởng đến xã hội. Thỉnh thoảng, chị vẫn đạp xe đi chợ mua đồ về nấu cơm.

Bên cạnh đó, hằng tháng, tổ dân phố và hội phụ nữ cũng sẽ vận động, quyên góp ủng hộ gia đình bà Nở các nhu yếu phẩm như gạo, mắm, muối… Những dịp lễ, Tết thì chính quyền địa phương đến thăm hỏi, tặng quà và hỗ trợ tiền.

Quá khứ đầy đau thương của người mẹ già

Tính tổng số người đã và đang mắc bệnh “điên” sống trong ngôi nhà trên đường Đà Nẵng (TP Hải Phòng) của gia đình bà Nở chính xác là 11 người, đó là bà Nở và 10 người con của bà.

Nhắc về căn bệnh “điên” trong gia đình bà Nở, nhiều người sợ hãi cứ đồn đoán là nhà “ma ám”, đất dữ… Thế nhưng, theo giới chuyên môn, bệnh “điên” của gia đình bà Nở có thể do di truyền.

Chị Bích – con gái út bà Nở cho hay, ông ngoại chị tức bố bà Nở từng mắc bệnh này và chính bà Nở cũng từng phải vào viện tâm thần điều trị.

Hiện tại, 3 mẹ con 3 Nở sinh sống trong ngôi nhà “ma ám”, rau cháo qua ngày

Hiện tại, 3 mẹ con 3 Nở sinh sống trong ngôi nhà “ma ám”, rau cháo qua ngày

Lội ngược về quá khứ của bà Nở, đó giống như một chuỗi bị kịch. Bà Nở kể, năm 19 tuổi, bà lấy chồng, về sinh sống ở TP Hải Phòng. Hằng ngày, bà đi chợ bán rau, chồng làm bốc vác xi măng ở bến cảng. Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn nhưng hạnh phúc khi các con cứ lần lượt ra đời.

Lúc đầu, 2 ông bà sống trong căn hộ tập thể cũ kỹ ở khu nhà máy nhưng khi các con lớn dần lên, chỗ ở chật chội chẳng đủ cho 12 con người sinh hoạt, ông bà ra ngoài tìm mua nhà. Ngôi nhà hiện tại, 2 vợ chồng ông bà mua của một thủy thủ lái tàu người Đà Nẵng với giá hơn 3 cây vàng lúc bấy giờ.

Những tưởng có chỗ ở mới, gia đình sẽ sinh sống vui vẻ thì tai họa cứ liên tiếp ập xuống đầu bà Nở.

Đầu tiên, con gái cả tên Phạm Thị Thái (SN 1965) hồi đang học cấp 3 thì phát bệnh, cười cười, nói nói lảm nhảm cả ngày. Rồi bỗng một ngày chị mất tích, cả nhà đi tìm khắp nơi nhưng không thấy. May mắn, hiện chị đã về nhà.

Chị cả xảy chuyện chưa lâu thì con trai thứ 2 là Phạm Văn Hoàng (SN 1966) đang học cấp ba cũng phát bệnh. Thế là từ đó, anh Hoàng chuyển khẩu hẳn vào Trại tâm thần Vĩnh Bảo (nay là Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Vĩnh Bảo).

Bẵng đi một dạo, đến cuối những năm 80 thì con gái thứ 5 là Phạm Thị Dung (SN 1971) và thứ 6 là Phạm Thị Kim Cúc (SN 1973) cũng đang yên đang lành thì lần lượt phát bệnh rồi cũng đi biệt tăm. Người thì đồn bị bắt cóc, kẻ thì đoán bị đuối nước trôi sông...

Khoảng đầu những năm 90, con gái thứ 3 là Phạm Thị Tuyết Lan (SN 1968) đang bình thường cũng phát bệnh “điên”. Chị phải vào trại tâm thần chữa bệnh. Hai năm sau, bệnh tình thuyên giảm, chị xây dựng gia đình với một người đàn ông ở Hải Phòng. Không lâu sau đó, chồng chị mất nên bệnh tình chị tái phát và ngày càng nặng. Vậy là chị Lan lại theo bước anh trai thứ 2, vào hẳn Trại tâm thần Vĩnh Bảo.

Con gái thứ 4 là Phạm Thị Tâm (SN 1970) thấy các anh chị em mình cứ lần lượt bị điên, sợ tiếng xấu đồn xa nên cũng vội vã đi lấy chồng. Thế nhưng, không may là cả 2 người chồng đầu của chị đều nghiện ngập mà chết. Chị đi bước nữa với người chồng thứ 3 ở Bắc Giang nhưng cũng lấy phải người chồng cờ bạc, rượu chè. Bị chồng ruồng bỏ, chị ngẩn ngơ, lúc tỉnh lúc mơ.

Năm 2002, khi ông Phong (chồng bà Nở) đột nhiên qua đời. Đau đớn thay, người con gái thứ 7 là Phạm Thị Hoa (SN 1976) khi chứng kiến bố mất cũng đã gào thét đến điên dại. Chị suốt ngày chửi bới, đêm ngày không ngủ, đi lang thang. Vậy là bà Nở thêm một lần phải đưa con vào Trại tâm thần Vĩnh Bảo.

Chồng chết, 7 đứa con người điên, người mất tích khiến bà Nở tuyệt vọng. Bà đã tìm đến cái chết bằng thuốc chuột nhưng được hàng xóm phát hiện kịp thời mang đi cấp cứu. Có lẽ đây là quãng thời gian tối tăm nhất trong cuộc đời của bà Nở.

Những tưởng trời thương, để lại 3 đứa con cho bà Nở nương tựa tuổi về già, thế nhưng, chuỗi bi kịch của bà chưa dừng lại ở đấy.

Con trai thứ 8 là anh Phạm Văn Đức (SN 1978) trong một lần ra ngoài đi làm thêm kiếm tiền nuôi mẹ và em thì bị một nhóm du côn đánh đến chấn thương sọ não. Khi tỉnh dậy, anh không còn như người bình thường nữa mà trở nên ngây dại. Cực chẳng đã, bà Nở lại tiếp tục phải đưa con vào Trại tâm thần Vĩnh Bảo.

Vào đây, anh Đức uống nước tẩy rửa nhà vệ sinh suýt chết, may mắn được các bác sĩ đưa đi rửa ruột kịp thời. Tuy nhiên, sau đó, anh lại treo cổ tự tử.

Sau khi anh Đức qua đời, đến lượt người con trai thứ 9 là anh Phạm Văn Hậu (SN 1980) phát bệnh. Trong một lần lên cơn, anh đập phá đồ đạc và phóng hỏa đốt nhà. May mắn, hàng xóm phát hiện nên dập lửa kịp thời. Trại tâm thần Vĩnh Bảo lại một lần nhận thêm một người con của bà Nở.

Vào đây chữa trị một thời gian, bệnh tình anh Hậu thuyên giảm nên được về nhà. Cuộc sống khó khăn, anh Hậu xin mẹ vào nam làm việc.

Cô con gái út Phạm Thị Bích (SN 1983) chẳng biết đi đâu nên ở lại Hải Phòng với mẹ. Từng là một người con gái xinh đẹp, có người yêu nhưng bệnh “điên” đã lấy đi của chị tất cả. Bây giờ, cuộc sống của chị chỉ bó gọn hoặc ở nhà hoặc là vào trại tâm thần.

Nguồn: [Link nguồn]

Khi con dâu báo tin đã mang thai, căn nhà nhỏ của bà tràn ngập hạnh phúc. Thế nhưng, chỉ vài tháng sau đó, gia đình bà lại một lần nữa hứng chịu nỗi đau vô tận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang – Như Hoàn ([Tên nguồn])
Những phận đời kém may mắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN