Từ vụ ô tô bị đâm thủng lốp: Đỗ xe, để xe trên vỉa hè thế nào cho đúng luật?

Sự kiện: Tin nóng

Từ sự việc hàng loạt ô tô đỗ trên vỉa hè hồ Linh Đàm bị chọc thủng lốp, nhiều ý kiến thắc mắc đối tượng chọc thủng lốp bị xử lý thế nào? Việc đỗ xe ô tô trên vỉa hè có đúng quy định?

Nhiều ô tô đỗ trên vỉa hè dọc hồ Linh Đàm (Hà Nội) bị chọc thủng lốp.

Nhiều ô tô đỗ trên vỉa hè dọc hồ Linh Đàm (Hà Nội) bị chọc thủng lốp.

Cố ý làm hư hỏng tài sản có tổ chức sẽ bị phạt tới 7 năm tù

Mới đây, trên mạng xã hội Facebook chia sẻ thông tin kèm hình ảnh hàng loạt ô tô đỗ trên vỉa hè phố Nguyễn Phan Chánh, đối diện chung cư HH Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) bị chọc thủng lốp gây xôn xao. Lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt hôm qua (10/4) cho biết, công an đã vào cuộc điều tra, làm rõ sự việc trên.

Thông tin hàng loạt ô tô đỗ trên vỉa hè phố Nguyễn Phan Chánh bị chọc thủng lốp thu hút nhiều ý kiến trái chiều. Đa số các ý kiến chỉ trích, lên án hành vi chọc thủng lốp ô tô, hủy hoại tài sản của người khác. Tuy nhiên, không ít các ý kiến đặt câu hỏi về việc các chủ xe đỗ trên vỉa hè đã đúng quy định.

Từ sự việc trên nhiều độc giả thắc mắc, đối tượng chọc thủng lốp bị xử lý thế nào? Đỗ xe trên vỉa hè trong trường hợp nào thì bị xử phạt? Trường hợp nào được đỗ xe trên vỉa hè?

Trao đổi với PV về các thắc mắc trên, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) cho biết, việc chọc thủng lốp xe ô tô đỗ trên vỉa hè ở khu vực ven hồ Linh Đàm có dấu hiệu hủy hoại tài sản. Tuy nhiên, việc xử lý đối tượng gây ra sự việc sẽ phải căn cứ vào kết quả điều tra xác minh của cơ quan điều tra, kết quả giám định thiệt hại (từ việc lốp bị hư hỏng).

“Đối tượng có hành vi hủy hoại tài sản người khác ở mức nhẹ sẽ bị xử lý hành chính, nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự”, luật sư Kiên nói.

Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý cho biết, tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” (điều 178, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm với người hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

“Trường hợp tài sản hư hỏng dưới 2.000.000 đồng nhưng đối tượng phạm tội thuộc một số trường hợp như “đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản”; “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”; “tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ”… thì cũng bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Với hành vi phạm tội được xác định “có tổ chức” hoặc giám định thiệt hại tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng… thì đối tượng phạm tội sẽ đối mặt với khung hình phạt từ 3-7 năm tù.

Tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” có hình phạt cao nhất là 20 năm tù giam nếu đối tượng phạm tội bị xác định gây thiệt hại tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên”, luật sư Kiên nói.

Luật sư Kiên Văn Kiên cho biết thêm, trong trường hợp hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản chưa cấu thành tội phạm hình sự thì đối tượng vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP (Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình).

“Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP, đối tượng có hành vi “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức” sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng”, luật sư Kiên nói.

Đỗ ô tô trên vỉa hè trường hợp nào bị xử phạt?

Về việc đỗ xe trên vỉa hè, luật sư Lê Văn Kiên cho biết Luật Giao thông đường bộ quy định người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường.

Trong khi đó, tại điều 19, Luật Giao thông đường bộ (quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường phố) quy định “không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định”.

“Như vậy, có thể hiểu, hè phố là phần đường dành cho người đi bộ. Các tài xế sẽ bị xử phạt nếu điều khiển xe ô tô đi lên vỉa hè (trừ trường hợp điều khiển xe qua hè phố để vào nhà) hoặc đỗ xe, để xe trên hè phố không có biển cho phép đỗ xe”, luật sư Kiên nói.

Ô tô sẽ được đỗ trên hè phố có đặt biển số I.408a (biển chỉ dẫn nơi đỗ xe một phần trên hè phố).

Ô tô sẽ được đỗ trên hè phố có đặt biển số I.408a (biển chỉ dẫn nơi đỗ xe một phần trên hè phố).

Luật sư Kiên cho biết, ô tô sẽ được phép đỗ trên vỉa hè nếu khu vực đó được cấp phép làm điểm đỗ hoặc có cắm biển cho phép đỗ xe mang kí hiệu I.408a theo Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ năm 2019 (QCVN 41:2019/BGTVT).

“Biển I.408a là biển chỉ dẫn nơi được phép đỗ xe một phần trên hè phố rộng. Xe phải đỗ sao cho các bánh phía ghế phụ trên hè phố. Chiều dài nơi đỗ xe có thể được xác định giới hạn bằng vạch kẻ trên mặt đường”, luật sư Kiên cho biết.

Về xử lý vi phạm, theo luật sư Lê Văn Kiên, Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định, hành vi điều khiển xe đi trên hè phố (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà), tài xế điều khiển ô tô sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Với hành vi vi phạm “đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật”, tài xế điều khiển ô tô sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Tài xế kể giây phút giáp mặt với người chọc thủng lốp ô tô ở Hà Nội

Nhân chứng kể lại phút chứng kiến người đàn ông bịt kín mặt, chọc thủng lốp xe ô tô ở Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN