Trung úy CSGT kể chuyện cứu người đêm giao thừa
Chạy tới hiện trường, trung úy CSGT thấy người phụ nữ với vẻ mặt thất thần đã leo hai chân lên mép thành cầu Chương Dương, hai tay nắm lấy lan can cầu.
Trung úy Nguyễn Quang Khải có nhiều kỷ niệm đặc biệt mỗi lần làm nhiệm vụ trong đêm giao thừa
Tết là dịp đoàn viên nhưng vì đặc thù công việc các chiến sĩ CSGT vẫn căng mình làm nhiệm vụ trên các tuyến đường đảm bảo trật tự giao thông để người dân vui xuân đón Tết.
7 năm gắn bó với màu áo vàng truyến thống của lực lượng CSGT, trung úy Nguyễn Quang Khải, cán bộ Đội CSGT số 15, Phòng CSGT (PC67 - Công an TP.Hà Nội) chưa năm nào có trọn cái Tết cho gia đình. Tuy nhiên, trung úy Khải luôn giữ sự nhiệt huyết với công việc bởi những lúc xa gia đình, anh có đồng đội sát cánh, được nhân dân quan tâm, động viên.
Nhớ lại những năm đón Tết ngoài đường, Trung úy Khải chia sẻ, trong 7 năm gắn bó với nghề CSGT, anh đã đón 5 giao thừa cùng đồng đội và người dân ngoài đường. Những đêm giao thừa xa gia đình, xa vợ, xa con để làm nhiệm vụ luôn mang lại cảm xúc đặc biệt với trung úy Khải.
“Mình vốn là người giàu cảm xúc nên khi làm nhiệm vụ trong đêm giao thừa, nhìn mọi người cùng gia đình đi chơi hay dắt tay nhau đi xem bắn pháo hoa, mình lại thấy nhớ gia đình, khao khát được sum họp, quây quần bên bố mẹ, vợ con đón năm mới.
Tuy nhiên, với CSGT, làm nhiệm vụ trong đêm giao thừa không chỉ là trách nhiệm mà còn vinh dự. Vì vậy, những lúc như vậy, mình tự nhủ phải mạnh mẽ hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, tạo điều kiện cho người dân đi lại đón Tết an toàn”, trung úy Khải chia sẻ.
Trung úy Khải cũng tâm sự, anh may mắn có một người vợ tâm lý làm “hậu phương” vững chắc. “Mỗi lần làm nhiệm vụ đêm giao thừa, vợ mình luôn là người đầu tiên gọi điện chúc mừng năm mới rồi nối máy để mình chúc Tết bố mẹ và các con.
Chỉ một hai phút trò chuyện ngắn ngủi thôi nhưng đó là nguồn động lực vô cùng lớn giúp mình tiếp tục công việc.
Vợ mình đang công tác ở sân bay Nội Bài, dù công việc khá bận rộn nhưng mọi việc trong gia đình đều được cô ấy chăm lo vẹn toàn. Cô ấy là hậu phương vững chắc để mình yên tâm công tác”, trung úy Khải chia sẻ.
Bên cạnh sự động viên của gia đình, trung úy Khải cũng chia sẻ những kỷ niệm đặc biệt trong quá trình làm nhiệm vụ đêm giao thừa.
Đêm giao thừa Tết năm 2013, khi còn công tác tại Đội CSGT số 5, trung úy Khải được giao nhiệm vụ trực chốt, phân luồng điều tiết giao thông ở đầu cầu Chương Dương (đầu cầu quận Long Biên). Đến gần sát thời điểm giao thừa, bất ngờ có người đi đường chạy tới thông báo, giữa cầu có một phụ nữ định nhảy cầu tự tử. Lập tức, trung úy Khải chạy bộ tới hiện trường.
“Khi tới nơi, tôi thấy một phụ nữ với vẻ mặt thất thần hai chân leo lên mép thành cầu, hai tay nắm lấy lan can cầu. Nhiều người khuyên can nhưng người phụ nữ không có phản ứng.
Tôi áp sát rồi bất ngờ ập vào giữ chặt tay người phụ nữ. Lúc đó, người phụ nữ có vẻ hoảng hốt nói rằng, đang đi tìm con.
Nhận thấy người phụ nữ có tâm lý bất thường, tôi động viên cô ấy bình tĩnh rồi đưa về công an sở tại xác minh, liên hệ với gia đình tới đón. Trò chuyện với người thân của người phụ nữ tôi mới biết, người mình vừa cứu mắc bệnh trầm cảm”, trung úy Khải nhớ lại.
Trước đó một năm, khi còn công tác ở Đội CSGT số 2, trung úy Khải được đơn vị phân công phân làm nhiệm vụ ở dốc Bưởi (giao với đường Lạc Long Quân). Chỉ ít phút sau khi đồng hồ điểm thời khắc chuyển giao năm mới, trung úy Khải được một số người dân sinh sống cạnh dốc Bưởi ra mừng tuổi.
“Đầu tiên là có một bác trai khoảng 50 tuổi ra bắt tay rồi dí vào tay mình một phong lì xì và nói “mừng tuổi chú CSGT làm nhiệm vụ vất vả, chúc chú năm mới công tác tốt”. Sau đó, một số người bán hàng cạnh dốc bưởi cũng tới mừng tuổi anh em mình.
Tình cảm của nhân dân dành cho CSGT giữa lúc làm nhiệm vụ xa nhà khiến mình cảm thấy ấm lòng, hạnh phúc như lúc còn bé được bố mẹ mừng tuổi vậy.
Đến giờ mình vẫn nhớ như in khoảnh khắc xúc động đó. Sự động viện của gia đình, đặc biệt là sự ủng hộ, quan tâm của nhân dân đối với CSGT tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”, trung úy Khải chia sẻ.