Nhân viên cảng vụ chuyên cứu người nhảy sông Sài Gòn

Sự kiện: Thời sự

Mỗi lần cứu một người nhảy sông, nghe họ tâm sự về câu chuyện của mình, anh lại thấy thương quý họ hơn...

Anh Huỳnh Minh Đức (SN 1983) hiện là nhân viên ở Đội Điều tiết đại diện số 7 khu vực Thanh Đa, Cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM (thuộc Sở GTVT TP.HCM). Anh là một trong số hơn 100 tấm gương thầm lặng cao cả được UBND TP.HCM công nhận trong lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của TP lần thứ hai diễn ra vào tháng 11 vừa qua. Dù vậy, anh luôn khiêm tốn bảo rằng đó là giải thưởng của tập thể, của đồng đội chứ không phải của riêng anh.

Ám ảnh từ những đôi mắt...

Năm 2012, anh Huỳnh Minh Đức từ bỏ công việc cũ ở một hãng tàu, chính thức trở thành nhân viên của Đội Điều tiết cầu Sài Gòn 3.

Suốt bốn năm làm việc tại đây, anh cùng các đồng nghiệp của mình đã không ít lần cứu người nhảy sông Sài Gòn tự tử. Mỗi người mà họ cứu được mang đến một câu chuyện đau lòng.

“Lúc đầu tôi cũng không để ý đến việc ai nhảy cầu, chuyện người ta mình quan tâm làm gì. Về sau trong những đêm tôi trực ở trạm, có rất nhiều người đến hỏi rằng có thấy ai nhảy cầu tự tử hay có thấy xác con cái, người thân của họ hay không. Thương nhất là họ cứ tìm kiếm trong tuyệt vọng đến đêm khuya, không biết chính xác con mình như thế nào, xác trôi về đâu. Có mấy cô chú già nhìn thương lắm...” - anh Đức nói.

Ánh mắt tuyệt vọng của những con người đó cứ quấn lấy anh suốt những ngày sau, không dứt ra được. Rồi việc cứu người đến với anh như là duyên nợ.

Người đầu tiên mà anh cứu là một phụ nữ đã gần 60 tuổi. “Đó là năm 2014, khi thấy cô vừa nhảy xuống thì tôi cùng anh em trong đội chạy canô ra, quăng phao xuống hét to, bảo cô nắm lấy để kéo lên. Cô không chịu, chúng tôi phải giằng co một lúc lâu mới đưa cô lên bờ an toàn” - anh kể lại.

Nhân viên cảng vụ chuyên cứu người nhảy sông Sài Gòn - 1

Anh Huỳnh Minh Đức (giữa) cùng đồng nghiệp. Ảnh: TĐ

“Sau khi tiến hành sơ cấp cứu, giúp cô bình tĩnh lại thì cô mới tâm sự rằng vừa mới biết mình mắc bệnh nan y, không thể cứu được nên mới quyết định tự tử…” - anh Đức kể tiếp.

Từ đó, anh dần quen với những lần cùng đồng nghiệp chạy canô ra giữa sông Sài Gòn để cứu người. Đó là một sinh viên ĐH vì mắc chứng trầm cảm, một phụ nữ vì buồn chuyện gia đình, một bác bảo vệ khi phát hiện mình mắc bệnh nan y, lại sợ làm khổ con cháu...

“Đằng sau mỗi quyết định tự tử của họ đều ẩn chứa một câu chuyện buồn mà người ngoài chẳng bao giờ hiểu được. Mỗi lần nghe họ tâm sự, tôi rất nặng lòng trước những bế tắc mà họ đang gặp phải...” - anh Đức nói.

“Ai cũng đáng được sống cả!”

“Nhiều người sau khi được đưa lên bờ trách móc là sao lại cứu họ làm gì khi họ đã quyết lìa đời. Mình quăng phao ra cứu nhưng họ lại từ chối, buộc lòng anh em phải nhảy xuống kéo lên canô, dùng dằng rất lâu mới đưa lên được. Thực tình là anh em cũng bối rối lắm nhưng cứ cứu người trước đã rồi khuyên nhủ họ thêm. Tôi nghĩ ai cũng đáng sống và đáng được cứu cả” - anh Đức nói.

Anh Đức nói rằng sở dĩ anh có thể làm được công việc này là đều nhờ vào sự hỗ trợ của đồng nghiệp. Tất cả người ở đội ai cũng hăng hái tham gia, sẵn sàng ngâm mình dưới dòng nước lạnh để cứu người.

Mỗi lần phát hiện có người nhảy sông, tất cả anh em trong đội đều nhanh chóng bàn cách cứu rồi nổ máy chạy ngay tức tốc. Có lần canô gặp sự cố, hết người này đến người khác liên tục giật máy nhưng vẫn không nổ. Ai cũng bối rối và hồi hộp...

“Anh em thay nhau sửa mãi không được. Mình nghĩ chắc lần này không xong rồi nhưng may sao phút cuối nó lại nổ máy ngon lành. Anh em phóng nhanh ra để cứu họ lên với hy vọng vẫn còn kịp. Cũng may lần đó tụi mình vẫn cứu được người đàn ông đang ngoi ngóp dưới nước lên, chứ không cũng dằn vặt hơn” - anh Huỳnh Minh Đức nhớ lại.

Những người cứu xong được đưa đi cấp cứu hầu hết không quay trở lại chốn cũ để tìm ân nhân, không muốn đối diện lại chuyện buồn. Có người sau đó gọi điện thoại lại cảm ơn anh Đức và đồng đội đã cứu mình. Sau khi được các anh khuyên nhủ, họ biết trân quý cuộc sống và bình tĩnh gỡ dần những bế tắc.

Những vụ cứu người mà anh Huỳnh Minh Đức cùng đồng đội của mình thực hiện trong năm 2016:

• Lúc 23 giờ ngày 18-1: Cứu một nam thanh niên (23 tuổi) nhảy cầu tự tử vì chuyện cá nhân.

• Lúc 21 giờ 25 ngày 8-2: Cứu một nam thanh niên (20 tuổi) nhảy cầu do mắc bệnh trầm cảm.

Nhân viên cảng vụ chuyên cứu người nhảy sông Sài Gòn - 2

Anh Huỳnh Minh Đức (phải) cùng đồng nghiệp đang vớt một xác chết trôi sông vào chiều 22-9. Ảnh: TĐ

• Lúc 11 giờ ngày 1-4: Vớt xác một nam thanh niên giao cho lực lượng chức năng xử lý.

• Lúc 23 giờ 15 ngày 15-4: Cứu một nam thanh niên nhảy cầu do buồn chuyện gia đình.

• Ngày 13-6: Cứu một phụ nữ (ngụ quận 11) nhảy cầu do biết mình mắc bệnh nan y.

_____________________________

Trong đêm tối, việc phát hiện có người nhảy cầu đã khó khăn, việc di chuyển phương tiện ra ứng cứu sao cho nhanh nhất, an toàn nhất cũng lắm vất vả. Ấy thế, gặp bất cứ trường hợp nào, mọi người cũng không bao giờ chần chừ dù chỉ một giây. Mỗi lần phát hiện có người nhảy sông, tất cả anh em trong đội đều phải nhanh chóng tổ chức triển khai công tác cứu người rồi nổ máy chạy ngay tức tốc.

Trong công việc, Đức luôn là người có tinh thần trách nhiệm, là người xông xáo trong việc cứu người khi phát hiện có trường hợp nhảy sông. Anh em trong đội quý Đức ở tính cách chân thành và hết mình với nhiệm vụ như vậy.

Anh TRẦN HIẾU THẢO, 
tổ trưởng Đội Điều tiết đại diện số 7, Cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THANH TUYỀN (Pháp luật TP.HCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN