Treo thưởng giết nhà làm phim chống Hồi giáo

Ngày 23/9, Bộ trưởng Đường sắt Pakistan hứa sẽ thưởng 100.000 USD cho ai giết được người làm ra đoạn phim có nội dung phỉ báng đạo Hồi, trong khi những cuộc biểu tình rầm rộ vẫn diễn ra ở nhiều nước Ảrập.

“Hôm nay, tôi thông báo rằng tôi sẽ thưởng 100.000 USD cho bất kỳ ai giết được kẻ phỉ báng, nói những điều nhảm nhí về Nhà tiên tri”, Bộ trưởng Đường sắt Ghulam Ahmad Bilour nói tại một cuộc họp báo. “Tôi mời những người anh em Taliban và al-Qaeda cùng với tôi thực hiện sứ mệnh này”.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của Thủ tướng Pakistan nói rằng, chính phủ nước này không liên quan tuyên bố của Bộ trưởng Bilour.

Treo thưởng giết nhà làm phim chống Hồi giáo - 1

Bộ trưởng Đường sắt Ghulam Ahmad Bilour. Ảnh: AP

Làn sóng giận dữ chưa tan

Hôm qua, hàng nghìn nhà hoạt động Hồi giáo tiếp tục biểu tình phản đối đoạn phim. Hơn 5.000 người đứng trước cửa tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Islamabad và khoảng 1.500 người tuần hành trước Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Lahore.

Phần lớn những cuộc biểu tình ở nhiều nước Hồi giáo những ngày qua diễn ra trong hoà bình, nhưng 21 người ở Pakistan thiệt mạng trong các đợt người phẫn nộ đổ ra đường phản đối đoạn video dài 13 phút của một nhà làm phim nghiệp dư người Mỹ, được đưa lên trang YouTube.

Nhà làm phim 55 tuổi ở bang California, ông Basseley Nakoula, cùng người thân đã ẩn náu. Ông Nakoula vẫn chưa trở về nhà ở vùng ngoại ô Cerritos của thành phố Los Angeles, từ khi tự nguyện rời nhà và gặp riêng chính quyền liên bang.

Treo thưởng giết nhà làm phim chống Hồi giáo - 2

Người dân Pakistan đốt cờ Mỹ trong cuộc biểu tình chống phỉ báng Hồi giáo hôm 23/9. Ảnh: Abrar Tanoli

Tại thủ đô Dhaka của Bangladesh hôm 23/9, hàng nghìn người theo Hồi giáo xung đột với cảnh sát dùng dùi cui và hơi cay để giải quyết đám biểu tình tự phát.

Ở Kano, thành phố lớn nhất của Nigeria ở miền bắc, người Hồi giáo dòng Shi’ite đốt cờ Mỹ, nhưng cuộc biểu tình của họ diễn ra trong hoà bình.

Những cuộc biểu tình hôm 23/9 không rầm rộ như hôm trước, nhưng cho thấy sự phẫn nộ vẫn sục sôi trên khắp thế giới đối với đoạn phim và những sản phẩm phỉ báng đạo Hồi từ phương Tây, trong đó có biếm hoạ đăng trên một tạp chí của Pháp.

Trong hoàn cảnh đó, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle kêu gọi các nước Hồi giáo bảo vệ các đại sứ quán của nước ngoài.

“Các chính phủ Hồi giáo có thêm trách nhiệm vô điều kiện là bảo vệ các phái đoàn nước ngoài. Nếu điều đó không được thực hiện, chúng tôi sẽ lên án mạnh mẽ, và nếu vẫn không có gì cải thiện thì sẽ có hậu quả”, ông Westerwelle nói với báo Đức Welt am Sonntag hôm 23/9.

Đại sứ quán Đức ở Sudan bị tấn công hôm 14/9, và tại cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ ở thủ đô Khartoum xảy ra những vụ đụng độ đẫm máu giữa cảnh sát và người biểu tình phản đối đoạn phim.

Cần cơ chế chống phỉ báng

Một nhóm vũ trang Hồi giáo bị một số quan chức Mỹ kết tội đã tấn công lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi của Libya hôm 11/9.

Phủ nhận cáo buộc thực hiện cuộc tấn công khiến Đại sứ Mỹ Christopher Stevens và ba người Mỹ khác thiệt mạng, nhóm Ansar al-Sharia rời thành phố sau khi căn cứ của họ hứng chịu cơn giận dữ cùng với các nhóm vũ trang đang kiểm soát một số vùng của Libya.

“Dấu hiệu khá rõ ràng từ người dân Libya rằng họ không đánh đổi nền chuyên chế của một nhà độc tài lấy nền chuyên chế của bọn du thủ du thực. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy người Libya không hài lòng với tiếng nói của một số kẻ cực đoan và ủng hộ bạo lực”, phát ngôn viên của Nhà Trắng Josh Earnest nói.

Tại Ai Cập, nhà lãnh đạo của đảng Hồi giáo chính thống Salafist Nour, nói rằng đoạn phim và những bức biếm hoạ là một phần của những hành động chống Hồi giáo xuất hiện từ khi có phong trào cách mạng mùa xuân Ảrập.

“Một thực tế mới ở Trung Đông nổi lên kể từ sau sự sụp đổ của chế độ chuyên quyền Hosni Mubarak và những chế độ khác là các cuộc bầu cử dân chủ đã lập nên những chính phủ Hồi giáo mới”, ông Emad Abdel Ghaffour, lãnh đạo đảng Salafist Nour, nói.

Theo ông Ghaffour, một số nhóm lợi ích muốn đẩy lòng thù hận lên cao để cho rằng các chính phủ mới và cử tri Hồi giáo là không dân chủ.

Salafist Nour là đảng lớn thứ hai ở nghị viện và có ảnh hưởng lớn trong nền chính trị mới ở Ai Cập. Ông Ghaffour nói rằng, Tổng thống Mohamed Mursi nên yêu cầu “cơ chế hoặc một nghị quyết để trừng trị sự coi thường, phỉ báng Hồi giáo và Nhà tiên tri” tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tuần tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Tùng (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN