Trẻ em Hong Kong miệt mài luyện thi vào... mầm non

Bố mẹ các bé dưới 3 tuổi ở Hong Kong đang đổ xô đưa con tham gia các lò luyện kỹ năng trả lời phỏng vấn để thi vào mầm non do tình trạng cạnh tranh quyết liệt tại các trường điểm.

Theo tờ Telegraph của Anh, các bé ở độ tuổi bắt đầu vào mẫu giáo ở Hong Kong (2 tuổi rưỡi) đang buộc phải tham gia các khóa huấn luyện kỹ năng trả lời phỏng vấn cho các cuộc thi đầu vào ở các trường điểm, được đánh giá là có chất lượng tốt nhất.

Trẻ em Hong Kong miệt mài luyện thi vào... mầm non - 1

Một bé trai bật khóc trong khi đang tham gia một khóa huấn luyện đặc biệt cho các cuộc thi vào mầm non.

Khoảng một năm rưỡi trước khi trẻ vào mẫu giáo, các bậc phụ huynh Hong Kong đổ xô đăng ký cho con tham gia vào các khóa luyện kỹ năng trả lời phỏng vấn. Các bé từ 2 tuổi rưỡi ở Hong Kong đã bắt đầu có cuộc phỏng vấn đầu tiên trong đời. Do đó, các bé phải tham gia các lớp huấn luyện phỏng vấn từ lúc mới chỉ tròn 1 tuổi, thậm chí, 8 tháng tuổi.

Khóa huấn luyện kỹ năng phỏng vấn hướng dẫn trẻ cách chào và giới thiệu bản thân, giúp trẻ nắm bắt các quy tắc kỷ luật, hành xử lịch sự, lễ phép thông qua các hoạt động ca hát, nhảy múa, các trò chơi  như xây nhà với những viên gạch đồ chơi, vẽ tranh, phân biệt các loại hoa quả.

Các bé cũng sẽ được tham gia nhiều cuộc phỏng vấn giả để kiểm tra trình độ và khỏi bỡ ngỡ trước khi bước vào cuộc phỏng vấn thật sự.

Chị Emma, mẹ của bé Yoyo Chan, 1 tuổi cho biết: “Những buổi học như thế này và buổi phỏng vấn sắp tới là không dễ dàng, tuy nhiên tôi muốn con bé được chuẩn bị tốt nhất. Phần lớn các vị phụ huynh đều muốn con cái mình có một điểm khởi đầu thuận lợi".

Bà mẹ trẻ nhấn mạnh thêm rằng cô sẽ làm tất cả những gì có thể để con gái được nhận vào học.

"Hiện nay, việc nuôi dạy một đứa trẻ rất tốn kém", Rose Cheung, một bà mẹ trẻ Hong Kong vừa ghi danh cho cậu con trai vào một khóa luyện phỏng vấn chia sẻ.

Chị Cheung cho biết, các bậc phụ huynh phải đối mặt với áp lực rất lớn để xin cho con vào các trường trọng điểm vì người người, nhà nhà cạnh tranh lẫn nhau.

"Tôi cảm thấy rất áp lực và mệt mỏi", chị Cheung thừa nhận.

Trẻ em Hong Kong miệt mài luyện thi vào... mầm non - 2
Bên trong một lò luyện phỏng vấn cho trẻ em Hong Kong trước khi bước vào mẫu giáo

Việc thi vào trường mầm non trọng điểm gây căng thẳng và tạo ra áp lực rất lớn rất lớn cho các bé cũng như các ông bố bà mẹ ở Hong Kong. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh đều tin rằng, nếu "xí" được một chỗ tại trường mầm non trọng điểm, con em của họ sẽ có khả năng vào học tại các trường tiểu học và trung học uy tín. Việc vào học tại các trường trọng điểm được xem là sự khởi đầu tốt nhất để đảm bảo cho tương lai của các bé.
Điều này dẫn đến sự cạnh trạng rất khốc liệt để vào các trường mầm non trọng điểm khi mỗi trường nhận hàng nghìn đơn xin nhập học nhưng chỉ có chỉ tiêu tuyển khoảng vài chục bé. Do đó, những trường này thường xét tuyển rất ngặt nghèo để chọn lựa học sinh.
 

Đặc biệt, năm nay, việc tuyển sinh vào các lớp mầm non ở Hong Kong dự kiến sẽ khó khăn hơn gấp nhiều lần so với các năm khác do năm 2012-2013 là năm Rồng, năm được người Hong Kong coi là tốt lành nên tỷ lệ sinh tăng vọt. 

Một cô giáo tham gia dạy trẻ em kỹ năng phỏng vấn để thi vào mẫu giáo chia sẻ: "Những câu hỏi phỏng vấn ngày một khó hơn. Nhiều nơi thậm chí còn hỏi trẻ những câu phức tạp như “Đôi mắt con dùng để làm gì?” hoặc “Đây là loại trứng gì?”.

Ngoài ra, theo cô giáo này, người phỏng vấn cũng có thể kiểm tra cách xử sự của trẻ bằng cách cho trẻ kẹo vào cuối buổi phỏng vấn. Đứa trẻ nên nhận một cái kẹo và nói cảm ơn. Lấy nhiều kẹo quá được cho là biểu hiện của sự tham lam, trong khi từ chối nhận kẹo là bất lịch sự”.

Trong khi đó, ông Teresa Fahy, người đứng đầu Hiệp hội Các tài năng trẻ, đơn vị tổ chức các lớp luyện kỹ năng trả lời phỏng vấn cho trẻ em cho biết: "Giá trị lớn nhất của khóa học này là giúp trẻ tự tin, không sợ hãi khi bước vào các cuộc phỏng vấn. Ít nhất, các bé không được sợ hãi".

"(Nhờ khóa huấn luyện), các bé sẽ không cảm thấy, cuộc phỏng vấn giống như hình phạt tra tấn. Thay vì bị hoảng sợ, các bé phải nghĩ rằng, đây là một trải nghiệm vui vẻ. Phỏng vấn cũng giống như chơi trò chơi", ông Fahy nhấn mạnh thêm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN