"Trần" quân hàm giám đốc công an tỉnh, TP là thiếu tướng có hợp lý?

Sự kiện: Thời sự

Các đại biểu Quốc hội khi thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) chiều 6-11 đã có những ý kiến khác nhau về việc giám đốc công an tỉnh, TP có “trần” quân hàm thiếu tướng.

Tiếp tục chương trình nghị sự, chiều nay 6-11, Quốc hội (QH) thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Liên quan đến quy định "trần" quân hàm thiếu tướng với giám đốc công an tỉnh, TP, đại biểu (ĐB) Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) đánh giá là hợp lý và cần thiết nhằm tạo ra những vị tướng trong thời bình thực sự bản lĩnh, tài năng, có kiến thức kinh nghiệm thực tế từ địa phương.

"Dự thảo quy định bậc hàm cao nhất với Giám đốc Công an TP Hà Nội, TP HCM theo hướng hàm cao nhất của giám đốc công an tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1. Quy định này cần cân nhắc nghiên cứu và nên khảo sát xem thực tế hiện nay đang có bao nhiêu trường hợp cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng đang giữ chức vụ giám đốc công an các tỉnh không thuộc đơn vị hành chính loại 1" - ĐB Thưởng góp ý thêm.

Mặt khác, theo vị ĐB tỉnh Phú Thọ, lấy tiêu chí đơn vị hành chính loại 1 để quy định cấp bậc hàm cao nhất của giám đốc công an tỉnh, TP trực thuộc Trung ương là chưa sát với chức năng của lực lượng công an đang đảm nhiệm bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Bởi vì, xác định tỉnh loại 1, 2, 3 đôi khi chỉ có ý nghĩa tương đối. Theo đó, loại 1 về kinh tế, dân số, diện tích… chưa hẳn là loại 1 về quốc phòng an ninh và ngược lại.

"Thực tế, nhiều tỉnh không được xếp là đơn vị hành chính loại 1 nhưng có vị trí chiến lược an ninh trật tự. Người đứng đầu của lực lượng công an những tỉnh này cần có cấp bậc hàm tương đương như bậc hàm của các tỉnh xếp loại đơn vị hành chính loại 1 để thực hiện nhiệm vụ. Lý do nữa là giám đốc công an tỉnh quản lý nhiều đầu mối, quân số biên chế hàng ngàn người nhưng chỉ có trần quân hàm đại tá như với cấp phòng ở Bộ là không hợp lý" - ĐB Cao Đình Thưởng nêu ý kiến.

"Trần" quân hàm giám đốc công an tỉnh, TP là thiếu tướng có hợp lý? - 1

ĐB Phạm Văn Hoà đặt câu hỏi: "Hàm tướng có cần thiết nhiều thế không?" - Ảnh: quochoi.vn

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cơ bản đồng thuận với quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với lực lượng chiến sĩ chức vụ sĩ quan công an nhân dân. Song, ông cũng lưu ý số lượng phong hàm theo quy định là nhiều.

"Trên thế giới, có một số quốc gia Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an chỉ là dân sự, mà họ có những chỉ đạo cao nhất trong ngành. Ở nước ta lực lượng vũ trang phải có ngạch, phải có cấp hàm là điều không bàn cãi. Nhưng, phải tính sao cho hợp lý trong điều kiện nước ta ở thời bình được thế giới ca ngợi là quốc gia ổn định về an ninh chính trị và an toàn xã hội. Hàm tướng có cần thiết số lượng nhiều như thế hay không? Cấp tướng phải có quân số nhất định để chỉ huy chứ không thể mang hàm tướng mà quân số chẳng là bao nhiêu?" - ĐB Phạm Văn Hòa bày tỏ.

Ông Phạm Văn Hoà cũng cho rằng cần cân nhắc việc quy định số lượng thiếu tướng không quá 3 người với Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội và TP HCM bởi "cùng là phó giám đốc mà người được quân hàm Thiếu tướng, còn người kia thì không".

Đưa công an chính quy về xã: Phải xây thêm trụ sở?

ĐB Cao Đình Thưởng nhấn mạnh tình hình an ninh nông thôn hiện nay rất phức tạp, vai trò của công an xã hết sức quan trọng. Do đó, nếu có lực lượng chính quy thì các vụ việc ở cơ sở sẽ được giải quyết dứt điểm, đảm bảo đúng pháp luật, xây dựng môi trường sống yên bình.

"Tuy nhiên, cần đánh giá đầy đủ toàn diện tất cả tác động của quy định. Thực tế, cả nước có hơn 9.330 xã, nếu mỗi xã có 5 cán bộ công an chính quy, Bộ Công an phải bố trí trên 4 vạn cán bộ. Điều này có ảnh hưởng gì đến đề án tinh giản biên chế và quỹ lương quốc gia không?" - ĐB Thưởng đặt câu hỏi.

Mặt khác, khi đã có lực lượng chính quy thì phải xây dựng thêm trụ sở làm việc cùng các điều kiện đảm bảo và chế độ chính sách kèm theo. Điều này tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Chưa kể, việc giải quyết lực lượng công an xã hiện nay như thế nào cũng là vấn đề.

Từ các lý do trên, ĐB tỉnh Phú Thọ đề nghị cần có lộ trình giải quyết phù hợp.

Bộ Công an lý giải quy định trong Luật An ninh mạng không cản trở Facebook, Google

Bộ Công an đã đưa ra dẫn chứng cho thấy quy định về lưu trữ dữ liệu trong Luật An ninh mạng không cản trở Facebook, Google...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thùy Dương ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN