Tiết lộ lý do “bảo bối” làm sạch nước sông Tô Lịch bị tháo đưa lên bờ

Đơn vị thi công đã tháo những chiếc máy sục khí Nano đặt dưới sông Tô Lịch lên để bảo dưỡng do máy chạy yếu, công suất giảm.

Tiết lộ lý do “bảo bối” làm sạch nước sông Tô Lịch bị tháo đưa lên bờ - 1

Những chiếc máy sục khí Nano công nghệ Nhật Bản đặt dưới sông Tô Lịch được tháo mang lên bờ để bảo dưỡng.

Mấy ngày gần đây, người dân sống ở cạnh bờ sông Tô Lịch đoạn lắp đặt công nghệ Nano của Nhật Bản (đầu đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bất ngờ khi thấy các công nhân của Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) tháo những chiếc máy sục khí mang lên bờ kiểm tra.

Theo một cán bộ kỹ thuật của JVE, những chiếc máy này được tháo, đưa lên bờ kiểm tra do gặp một số vấn đề trong việc xử lý ô nhiễm.

“Mấy hôm Hà Nội có mưa nên dòng nước sông chảy mạnh hơn, nhiều rác thải nhỏ bám vào vỏ của máy, vòi phun bên trong máy nên làm cho máy chạy yếu, công suất giảm”, cán bộ kỹ thuật JVE cho hay.

Những chiếc máy sau khi được đưa lên bờ sẽ được bảo dưỡng, vệ sinh sạch sẽ rác thải, cặn nhỏ bám bẩn ở đầu vòi phun và vỏ máy rồi lắp lại vị trí cũ.

Tiết lộ lý do “bảo bối” làm sạch nước sông Tô Lịch bị tháo đưa lên bờ - 2

 Sau hơn 1 tháng hoạt động, những chiếc máy này chạy yếu, công suất giảm.

Ghi nhận của PV sáng 2/7, cả 4 chiếc máy sục khí Nano của Nhật Bản đặt dưới sông Tô Lịch đã hoạt động trở lại bình thường. Những chiếc máy sục lên bọt khí trắng xóa trên bề mặt nước.

Quan sát bằng mắt thường, nước sông ở đầu nguồn vẫn có màu đen. Sau nhiều ngày nắng nóng, Hà Nội có mưa trở lại khiến mặt sông nổi váng.

Khu vực trình diễn xử lý bùn rộng khoảng 70m2 được quây bằng rào sắt ở đầu cống Hoàng Quốc Việt vẫn hoạt động. Nước chảy ra từ khu vực này có màu trong hơn nước ở khu vực đầu cống thải.

Tiết lộ lý do “bảo bối” làm sạch nước sông Tô Lịch bị tháo đưa lên bờ - 3

 Những vòi phun, đầu Nano được tháo rời và vệ sinh sạch sẽ.

Tại thời điểm lấy mẫu nước sau 1 tháng sử dụng công nghệ Nano của Nhật Bản (17/6), theo kiểm tra nhanh của Trung tâm chất lượng và bảo vệ tài nguyên nước và Viện công nghệ môi trường, chỉ số DO - độ oxy hòa tan trong nước tăng cao, PH từ 7-7,5 nằm trong quy chuẩn cho phép, độ dày bùn giảm 3-5cm...

Về kết quả phân tích mẫu nước sông sau 1 tháng máy Nano hoạt động, cán bộ kỹ thuật JVE cho biết: “Kết quả phân tích mẫu nước sau 1 tháng thí điểm sẽ được công bố sau 2 tháng thí điểm”.

Tiết lộ lý do “bảo bối” làm sạch nước sông Tô Lịch bị tháo đưa lên bờ - 4

Khu vực trình diễn xử lý bùn thành CO2 và nước quây bằng rào sắt rộng chùng 70m2 vẫn hoạt động bình thường.

Trước đó, từ ngày 16/5, Hà Nội đã triển khai phương án thí điểm xử lý ô nhiễm, làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản. Dự án thí điểm do đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) thực hiện bằng nguồn tài trợ của Nhật Bản.

Bốn chiếc máy sục khí Nano và các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor được đặt xuống đầu nguồn sông Tô Lịch tại khu vực đầu đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy). Các chuyên gia Nhật Bản cho hay, khi đặt máy sục khí bio-nano xuống thì 3 ngày sau, mùi hôi của sông Tô Lịch sẽ giảm và sau từ 1-2 tháng các chỉ số quan trắc nước sẽ đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.

Sông Tô Lịch bất ngờ được quây rào sắt, đặt thêm “bảo bối” của Nhật Bản

Một đoạn sông Tô Lịch được quây lại bằng rào sắt và đặt thêm các tấm vật liệu thiên nhiên để trình diễn xử lý...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN