Thủy ngân, bụi mịn, nước nhiễm dầu: Dân Thủ đô sống trong sợ hãi

Sự kiện: Tin nóng

Sau hàng loạt sự cố về môi trường như thủy ngân do vụ hỏa hoạn Rạng Đông, bụi mịn bủa vây nội thành, gần đây nhất là nước máy sông Đà nhiễm dầu, chưa bao giờ người dân Thủ đô lại sống trong hoang mang, thấp thỏm lo cho sức khỏe của mình và người thân đến vậy.

Trong khoảng 2 tháng trở lại đây, tại Hà Nội đã liên tiếp xảy ra các sự cố về môi trường, trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe và đáng lo ngại hơn có thể là cả mạng sống của hàng vạn người dân Thủ đô.

Cháy nhà xưởng Rạng Đông và nỗi ám ảnh thủy ngân

Hiện trường cháy kho xưởng Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông vào chiều tối 28/8 và cũng là ngày mà nỗi lo thủy ngân bắt đầu.

Hiện trường cháy kho xưởng Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông vào chiều tối 28/8 và cũng là ngày mà nỗi lo thủy ngân bắt đầu.

Bắt đầu chuỗi “biến động môi trường” nói trên là vụ cháy kho chứa hàng thuộc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông vào chiều tối 28/8, tại  địa chỉ số 87-89 phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội.

Thông báo kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, lượng thuỷ ngân đã phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy nổ tại nhà kho công ty Rạng Đông là 15,1 kg đến 27,2 kg, trong đó 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy có sử dụng thuỷ ngân lỏng có độc tính cao hơn viên Amalgam. Phạm vi ô nhiễm khoảng 200m tính từ tường rào của Công ty và theo hướng gió có thể ảnh hưởng đến khoảng cách 500 m.

Lúc này, người dân Thủ đô bước vào cuộc khủng hoảng đầu tiên khi người người, nhà nhà gần khu vực nhà xưởng thi nhau đeo khẩu trang khi ra đường, có người còn cẩn thận đeo luôn cả trong nhà 24/24h. Chưa kể, nhiều hộ dân sống trong khu vực cách nhà xưởng 500m lo sợ nguồn nước bị ô nhiễm đã đầu tư hẳn nước đóng bình, đóng chai để sử dụng trong sinh hoạt.

Lo sợ thủy ngân độc hại ngấm vào đất, vào nguồn nước, nhiều hộ dân quyết định di tản cả người già, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai về quê hoặc sang các khu vực không bị ảnh hưởng. Những ngày này, bệnh viện, trạm y tế trở thành điểm đến quen thuộc khi người dân nườm nượp kéo nhau đi khám, xét nghiệm thủy ngân trong máu, trong nước tiểu. UBND TP.Hà Nội đã yêu cầu di dời nhà máy Rạng Đông ra khỏi khu vực dân cư, đến địa điểm được quy hoạch.

Sau động thái đó, người dân Thủ đô vẫn cảm thấy bất an vì còn rất nhiều nhà máy, xí nghiệp sử dụng hoá chất độc hại đang “đóng cọc” trong khu vực nội thành.

Ô nhiễm không khí cao nhất thế giới

Hà Nội mù mịt trong không khí ô nhiễm những ngày 15 – 17/9, bụi mịn bủa vâyngười dân nội thành.

Hà Nội mù mịt trong không khí ô nhiễm những ngày 15 – 17/9, bụi mịn bủa vâyngười dân nội thành.

Khi dư luận vẫn chưa hết “nóng” về vấn đề thủy ngân thì vài ngày sau, khoảng giữa tháng 9/2019, cư dân nội đô lại đón thêm quả "bom tấn" bụi mịn. Theo kết quả quan trắc, trong các ngày 15, 16 và 17/9, chất lượng không khí ở nhiều nơi trên địa bàn TP.Hà Nội đều ở ngưỡng kém, chỉ số chất lượng không khí AQI liên tục dao động trong ngưỡng 100-200 - ngưỡng chất lượng không khí kém và chuẩn bị sang ngưỡng chất lượng không khí xấu. Có thời điểm, Hà Nội còn đạt ngưỡng là thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Hà Nội trong những ngày vừa qua là do 3 nguyên nhân chính: Hiện tượng nghịch nhiệt khiến khói bụi không phát tán được; Tình trạng đốt rơm rạ ở khu vực ngoại thành; Và cuối cùng là quá trình đô thị hóa, công trình xây dựng nhiều, xe cộ phát triển.

Lúc này, các cơ quan báo chí, truyền thông liên tiếp đăng tải những khuyến cáo từ chuyên gia sức khỏe gửi tới người dân Thủ đô. Cụ thể, khuyến cáo người dân ra đường trong những ngày chất lượng không khí xấu, người già, trẻ em, những đối tượng có sẵn các bệnh nền mãn tính, hô hấp nên hạn chế ra ngoài, thường xuyên theo dõi chất lượng không khí như theo dõi thời tiết.

“Thủy ngân” chưa đi mà “bụi mịn” đã đến, sợ hãi chồng sợ hãi. Các loại khẩu trang “chống độc” trở thành mặt hàng bán chạy nhất trong những ngày Hà Nội bị bủa vây trong “bụi mịn”. Những cuộc tranh cãi đúng sai về chỉ số đo lường không khí trở thành mặt trận “nóng” nhất trên tất cả các diễn đàn từ mạng xã hội cho đến báo chí, truyền thông.

Nước có váng dầu và “ mùi lạ”

Ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) vẫn nói “nước đảm bảo” dù HN kết luận hàm lượng Styren vượt ngưỡng.

Ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) vẫn nói “nước đảm bảo” dù HN kết luận hàm lượng Styren vượt ngưỡng.

Ngày 10/10, thêm một tai họa ập đến bất ngờ với người dân Hà Nội đó là ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Nguồn nước do Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) cung cấp đến 1/3 dân số sinh sống tại Hà Nội xuất hiện “mùi lạ”. Thế là những ngày sống bằng nước đóng bình, đóng chai và “kiêng” tắm rửa được thực hiện triệt để, từ người lớn đến trẻ nhỏ, từ phụ nữ hay đàn ông cũng phải nhịn... nước.

Ngay sau khi có kết quả giám định hàm lượng Styren vượt ngưỡng, chiều 15/10, UBND TP.Hà Nội  đã chỉ đạo yêu cầu Công cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà- Viwasupco cần tổ chức khắc phục ngay các chất dầu thải tại khu vực đầu nguồn tại khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình cũng như vùng dầu hiện còn trên hồ Đầm Bài và các biện pháp khắc phục khác để đảm bảo nguồn nước cho người dân.

Đến chiều 16/10, Viwasupco gửi thông báo đến người dân về việc tạm ngừng cấp nước sinh hoạt. Chỉ sau 5 tiếng từ khi thông báo này phát ra, đã có hơn 2.000 cuộc điện thoại gọi tới Công ty CP Nước sạch Hà Nội xin hỗ trợ cấp nước cho người dân.

Người dân tại khu vực “mất nước” mang xô, chậu ra xếp hàng để… lấy nước theo phần như thời bao cấp. 

Người dân tại khu vực “mất nước” mang xô, chậu ra xếp hàng để… lấy nước theo phần như thời bao cấp. 

Vài năm trước đây, đã nhiều lần đường ống nước sông Đà bị vỡ, hàng chục nghìn hộ dân cũng đã phải chịu cảnh mất nước nhưng không sợ hãi, bức xúc như lần này vì nguyên nhân cắt nước do đầu nguồn... nhiễm dầu. Hàng nghìn người dân đã phải ăn uống nước nhiễm dầu trong mấy ngày qua trước khi cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân và khuyến cáo người dân ngừng dùng nước máy. Việc Viwasupco phát hiện đầu nguồn bị nhiễm dầu mà không thông báo, khuyến cáo đã đẩy sự uất ức, phẫn nộ của người dân Hà Nội lên đến đỉnh điểm.

Cảnh xếp hàng như thời bao cấp được tái hiện khi nhà nhà, người người đổ xô đi lấy nước. Nhiều gia đình đã tính đến chuyện “di cư” về khu vực có nguồn nước và chất lượng không khí tốt hơn.

Những người khác thì ngao ngán đặt câu hỏi: “Khi nào hết cảnh sống trong sợ hãi như bây giờ?”.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu tẩy độc, khẩn trương di dời nhà máy Rạng Đông

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Công an thành phố khẩn trương bàn giao hiện trường vụ cháy cho...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đức Sơn ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN