Thực hư chuyện 4 em nhỏ ăn cơm nguội với ve sầu

Sự kiện: Tin nóng

Những đợt bố mẹ đi làm rẫy dài ngày, không có người lớn chăm sóc, chị em Giàng Thị Say chủ yếu ăn mì tôm, thỉnh thoảng bắt ve sầu về ăn với cơm.

Những đứa trẻ nơi làng H'Mông

Để tìm hiểu thực hư những hình ảnh trẻ em ăn cơm nguội với ve sầu đăng tải trên mạng xã hội thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng trong vài ngày qua, ngày 6-6, phóng viên Báo Người Lao Động đã tìm về làng H’Mông (thuộc thôn 12, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk). Trong cơn mưa chiều nặng hạt, những cháu bé "đầu trần, chân đất" ở đây càng thêm lấm lem bùn đất!

Mỗi ngày 3 bận mì tôm!

Khác với hình dung ban đầu về một ngôi làng heo hút, biệt lập giữa núi rừng, làng H’Mông nằm sát con đường liên xã, gần chợ, cách trường cấp 1, cấp 2 chỉ vài km. Ấy thế mà khi bước vào ngôi làng, chúng tôi không khỏi bất ngờ về cuộc sống của người dân nơi đây bởi sự khó khăn, nghèo khó.

Em Giàng A Cháy (ngồi sau) và cháu của em - 2 nhân vật trong tấm hình ăn cơm với ve sầu gây xôn xao cộng đồng mạng

Em Giàng A Cháy (ngồi sau) và cháu của em - 2 nhân vật trong tấm hình ăn cơm với ve sầu gây xôn xao cộng đồng mạng

Ngôi nhà của gia đình bà Giàng Thị Súa (SN 1974) - nơi xuất phát hình ảnh 4 cháu nhỏ ăn cơm nguội với ve sầu - là ngôi nhà gỗ, nền đất nằm ở giữa làng. Khi chúng tôi tới, vợ chồng bà Súa đã đi làm rẫy được 3 ngày, không có ở nhà nên các em nhỏ tự chăm sóc lẫn nhau.

Căn bếp của gia đình bà Giàng Thị Súa

Căn bếp của gia đình bà Giàng Thị Súa

Em Giàng Thị Say (14 tuổi, học lớp 6, con bà Súa), cho biết gia đình có 7 anh chị em. Hai chị lớn đã lấy chồng, chị thứ 3 cùng cha mẹ lên rẫy mấy ngày qua nên 4 chị em nhỏ ở nhà. Mỗi đợt, cha mẹ thường đi làm rẫy khoảng 4-5 ngày mới về. Trước khi đi làm, mẹ giao cho em từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng để ở nhà lo cho các em ăn uống. "Những ngày cha mẹ đi làm, em không nấu ăn mà chỉ mua mì tôm về pha cho các em ăn ngày 3 bữa. Số tiền dư, thỉnh thoảng em cho mỗi em 2.000 đến 3.000 đồng để khi đi học các em mua kẹo" - em Say kể.

Em Giàng A Cháy cho biết, thỉnh thoảng em mới ăn ve sầu, chủ yếu ăn mì tôm khi bố mẹ vắng nhà

Em Giàng A Cháy cho biết, thỉnh thoảng em mới ăn ve sầu, chủ yếu ăn mì tôm khi bố mẹ vắng nhà

Sau nhiều giờ tìm kiếm khắp làng, chúng tôi đã tìm được em Giàng A Cháy - "nhân vật chính" trong bức ảnh ăn cơm nguội với ve sầu. Em Cháy nói tiếng phổ thông chưa sỏi nên chúng tôi phải nhờ em Say hỗ trợ phiên dịch khi trò chuyện. Em Cháy đã 9 tuổi nhưng học chung lớp 1 với em trai của mình 7 tuổi do liên tục "đúp lớp". Theo em Cháy, hôm đó em bắt được rất nhiều ve sầu trên các cây muồng trong làng. Về nhà, em vặt cánh rồi bỏ vào chiên cùng ăn với cơm nguội. Thỉnh thoảng em mới ăn ve sầu. Ve sầu rất ngon!.

Ông Giàng A Giang, Thôn phó Thôn 12, cho biết gia đình cháu Giàng A Cháy có 1 ha rẫy trên đồi, 2 sào lúa nước. Tuy nhiên, đất đai xấu, lại đông con nên gia đình thuộc hộ đặc biệt khó khăn.

Em Giàng A Dua (anh trai của Giàng A Cháy) thường đảm nhận công việc pha mì tôm cho chị em ăn

Em Giàng A Dua (anh trai của Giàng A Cháy) thường đảm nhận công việc pha mì tôm cho chị em ăn

Anh La Văn Giang, Bí thư Đoàn xã Vụ Bổn, cho biết trong chuyến khảo sát để chuẩn bị tổ chức chương trình Tết Trung thu cho trẻ em tại làng H’Mông, anh đã bắt gặp cảnh 4 em nhỏ ăn cơm nguội với ve sầu. Cả 4 em tay chân, mặt mũi lem luốc. Thấy vậy, anh Giang đã chụp lại rồi đăng tải lên tài khoản Facebook cá nhân với mục đích có ai đó quan tâm hỗ trợ thì các em sẽ có phần quà tươm tất hơn. Không ngờ, sau khi đăng tải, hình ảnh đó thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Nhiều trang mạng đã cắt xén, thêm bớt nội dung với ý đồ xấu. Do đó, anh đã gỡ bỏ các bức ảnh này khỏi Facebook nhưng hình ảnh đã lan rộng.

Còn nhiều khó khăn

Làng H’Mông có 50 hộ dân người dân tộc Mông từ các tỉnh phía bắc di cư tự do vào chủ yếu trong khoảng năm 2009, 2010. Người dân ở đây sống quần tụ trên diện tích khoảng 2ha đất, nhà cửa san sát.

Em Giàng Thị Say cho biết trước mỗi chuyến đi, mẹ đưa cho từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng để mua đồ ăn cho 4 chị em

Em Giàng Thị Say cho biết trước mỗi chuyến đi, mẹ đưa cho từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng để mua đồ ăn cho 4 chị em

Ông Giàng A Giang, Thôn phó Thôn 12, cho biết 39 hộ dân trong làng đã được công nhận hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo. 10 hộ còn lại do mới vào lập nghiệp vài năm qua nên hiện vẫn chưa được công nhận hộ nghèo. Trong 50 hộ dân ở đây thì có khoảng 20 hộ không có, hoặc rất ít đất sản xuất. Số còn lại có trung bình 1 ha đất nhưng đất đai xấu, chủ yếu trồng sắn, thu nhập thấp nên đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

Những đứa trẻ nơi làng H'Mông

Những đứa trẻ nơi làng H'Mông

Cũng theo ông Giang, năm 2014, nhà nước có quyết định về việc thực hiện dự án sắp xếp, ổn định dân di cư tự do cho người dân trong thôn nói chung và làng H'Mông nói riêng. Theo đó, cơ quan chức năng đã khảo sát, quy hoạch hơn 200 ha đất gần đó để thực hiện cấp mỗi hộ 1 ha đất sản xuất nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. "Chúng tôi động viên người dân tiếp tục chờ, không được tranh chấp đất đai. Người dân ở đây rất mong muốn sớm được Nhà nước hỗ trợ cấp đất sản xuất để ổn định cuộc sống" - ông Giang nói.

Hình ảnh những em bé ăn cơm với ve sầu thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Ảnh Văn Giang

Hình ảnh những em bé ăn cơm với ve sầu thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Ảnh Văn Giang

Trao đổi với phóng viên, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cho biết sau khi hình ảnh 4 em nhỏ ăn cơm với ve sầu đăng tải, lãnh đạo rất quan tâm nên đã tổ chức đoàn xuống làng H’Mông kiểm tra thực tế. Kết quả cho thấy những hình ảnh trên là có thật. Thực tế, cuộc sống của các cháu còn khó khăn nhưng không đến mức thiếu gạo, thức ăn, phải ăn món ve sầu thay thế mà là do tập quán ở đây người dân vẫn hay ăn món này. "Chính quyền địa phương luôn quan tâm hỗ trợ người dân ở những vùng khó khăn. Mới đây, UBND huyện cùng các mạnh thường quân chuyển 6 tấn gạo và nhu yếu phẩm cho xã Vụ Bổn trong chương trình ATM gạo để hỗ trợ người dân. Lãnh đạo UBND huyện cũng yêu cầu chính quyền xã Vụ Bổn cần quan tâm, sâu sát với người dân hơn. Nếu gặp khó khăn, vướng mắc thì báo cáo lên huyện để giải quyết" - bà Trinh cho biết thêm.

Hơn 300 tỉ đồng ổn định cuộc sống người dân

Theo bà Ngô Thị Minh Trinh, dự án sắp xếp, ổn định dân di cư tự do trên địa bàn xã Vụ Bổn đang được cơ quan chức năng thực hiện. Dư án này thực hiện sắp xếp, ổn định cho hơn 400 hộ dân của xã Vụ Bổn, với tổng kinh phí hơn 300 tỉ đồng. Dự án sẽ được thực hiện trong nhiều năm, riêng năm 2020 đã được cấp kinh phí 15 tỉ đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Xót thương cậu bé vùng cao oằn lưng cõng 6 viên gạch lấy 12.000 đồng

Hoàn cảnh éo le, thiếu tiền nên cậu bé 12 tuổi đã nhận cõng gạch thuê để kiếm số tiền ít ỏi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Nguyên ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN