Người cha của hơn 100 đứa trẻ và những câu chuyện xót xa khi đưa con về từ "cõi chết"

Sự kiện: Tin nóng

Ở tuổi 57, ông Đinh Minh Nhật đã có tới 106 người con. Mỗi người con đến với ông là một kỉ niệm, một câu chuyện khác nhau nhưng đều thấm đẫm tình thương và nước mắt.

Ông Đinh Minh Nhật kiểm tra, nhắc nhở các “con” sắp xếp lại chỗ ngủ.

Ông Đinh Minh Nhật kiểm tra, nhắc nhở các “con” sắp xếp lại chỗ ngủ.

Khiếm khuyết nhưng vẫn là một con người

“Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” là những gì ông Đinh Minh Nhật (SN 1962, xã Ia H’lốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) luôn khuyên dạy các con của mình.

Với gương mặt phúc hậu, cùng giọng nói trầm ấm, ông Nhật cho hay, 106 người con của ông là 106 câu chuyện khác nhau. Mặc dù đã trải qua 11 năm từ ngày đưa người con đầu tiên về nhà nhưng ông vẫn nhớ như in những hình ảnh các con bị chôn sống, bỏ rơi vệ đường hay là hố rác...

Góc học tập của 106 người con của ông, nơi ông cho các con nghe những bài hát, kể những câu chuyện về tình cảm gia đình.

Góc học tập của 106 người con của ông, nơi ông cho các con nghe những bài hát, kể những câu chuyện về tình cảm gia đình.

Ông Nhật ngồi trầm ngâm rồi ngược dòng kí ức, vào năm 2008 trong một lần xuống ngôi làng ở huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) để chơi, tận mắt ông đã chứng kiến một bé gái còn đỏ hỏn, khóc thét giữa đám đông. Tiến lại gần, ông Nhật tá hỏa khi biết đứa trẻ sắp bị chôn sống theo mẹ. Theo lệ làng nếu mẹ chết, con cũng phải chôn theo nếu không sẽ mang lại những điềm xui xẻo về với buôn làng.

Ngay lập tức, ông Nhật xô đám đông ra rồi ôm chầm lấy bé gái. Lúc này dân làng không đồng tình, chống cự lại nên ông Nhật một mực van xin và tình nguyện nộp phạt vạ để đưa cháu bé về nhà an toàn.

Bố mẹ mất, một thân một mình lên mảnh đất Gia Lai nên ông không có nổi căn nhà che mưa che nắng, phải ở nhờ góc nhà người dân. Do đó, khi mang người con mới “cướp” về ông nghĩ sẽ cho người khác nuôi. Tuy nhiên, khi nghe câu chuyện của cháu bé mọi người sợ liên lụy, sợ mang bệnh tật về nhà nên đều chối từ.

Thế là ông Nhật trở thành người cha “đơn thân”. Việc cho con bú, thay tã, dỗ con nín khóc với một người phụ nữ đã là khó khăn, đối với ông Nhật còn khó khăn hơn gấp trăm bề. Ông phải lặn lội đến gõ cửa từng nhà hàng xóm xin sữa về cho con bú. Mỗi khi con khóc ngặt ngoẽo ông lại cuống cuồng đi tìm người giúp đỡ. May mắn đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh và nghe lời ông.

“Tôi đặt tên con là Đinh Hồng Phúc vì con còn sống và lớn như bây giờ cũng nhờ sự may mắn. Tôi chẳng mong sau này con làm chức to, mà chỉ mong con học thành người, biết yêu thương và quý trọng mọi người”, ông Nhật rưng rưng nói.

Cũng trong năm đó, ông Nhật lại gặp “Thúi”, một đứa trẻ sinh ra không có hậu môn, cơ thể luôn có mùi nên bị người thân bỏ lại ở hố rác ven đường. Khi đó “Thúi” đã tím tái, ruồi bu khắp cơ thể, tuy nhiên ông vẫn mang về và đưa xuống TP HCM để chữa trị. Tại đây, “Thúi” được phẫu thuật, tạo hậu môn giả bên hông, các bác sĩ còn phát hiện “Thúi” mắc bệnh Down không thể tự sinh hoạt hay nhận thức được gì. Biết con khiếm khuyết, ông Nhật dành tình yêu thương nhiều hơn cho con.

Người con gần nhất mà ông nhận nuôi là “Còi”, một đứa trẻ mới được vài ngày tuổi bị bố mẹ để lại ngay trước cổng nhà ông vào một buổi sáng đầu tháng 5/2019. Khi đó cơ thể cháu bé yếu ớt, thở khó nhọc, suy dinh dưỡng ông liền đưa đứa trẻ vào bệnh viện cấp cứu. Hiện tại sức khỏe của “Còi” vẫn như “ngàn cân treo sợi tóc”.

Tình người

Từ khi có các con bên cạnh, ông Nhật luôn cảm thấy mình phải có trách nhiệm với những đứa trẻ bất hạnh. Do đó, khi gặp hoàn cảnh nào bị bố mẹ bỏ rơi hoặc gia đình khó khăn ông đều nhận về nuôi. Đối với ông, 106 người con chưa bao giờ là gánh nặng mà ông xem như một duyên số. Mặc dù có đứa không lành lặn, có đứa bị tim bẩm sinh, cứ vài tháng lại đau yếu, mỗi lúc như vậy ông lại chạy vạy vay mượn tiền bạc khắp nơi.

 Mặc dù có những người con khiếm khuyết, nhưng với ông các con vẫn là một con người.

 Mặc dù có những người con khiếm khuyết, nhưng với ông các con vẫn là một con người.

Con đông, điều kiện gia đình lại khó khăn nên mỗi ngày ông lại xách xe chạy đến các xã lân cận xin làm thuê, cuốc mướn. Cứ như vậy, ngày này qua tháng khác toàn bộ tiền ông làm được đều sử dụng mua thức ăn và lo cho các con đến trường. Sau này, nhiều người biết được hoàn cảnh của ông nên cho thêm ít thức ăn, khoai sắn. Nhiều nhà hảo tâm gần xa cũng hay tin nên tự nguyện góp gạo, quần áo, tiền... để ông lo cho các con được đủ đầy.

Biết được các em thiếu tình cảm gia đình, nên sau giờ học trên lớp ông thường cho các em nghe những bài hát, kể cho các em những câu chuyện về gia đình, tình người... Ông luôn dạy các em phải đặt tình người lên trên mọi thứ kể cả công danh, sự nghiệp hay tiền bạc.

Biết được nổi vất vả của ông Nhật nên các con của ông luôn phụ giúp việc nấu ăn hay dọn dẹp nhà cửa.

Biết được nổi vất vả của ông Nhật nên các con của ông luôn phụ giúp việc nấu ăn hay dọn dẹp nhà cửa.

Cảm nhận được sự khó khăn và tình thương từ ông Nhật, những “người con” của ông sau giờ học trên lớp, về nhà cũng xắn tay phụ ông Nhật lo cơm nước, dọn dẹp chỗ ngủ...

Nở nụ cười mãn nguyện, ông Nhật “khoe”, hiện nay một người con của ông là Rah Lan H’Oanh đã tốt nghiệp ngành Sư phạm Mầm non (Đại học Sư Phạm Huế). Biết được hoàn cảnh của em nên nhà trường đã tạo điều kiện, tìm việc làm cho em ngoài Huế.

“Con cứ đòi về phụ giúp tôi chăm các em, nhưng tôi khuyên con ở lại vì khó khăn lắm mới tìm được công việc phù hợp. Nuôi các con bao nhiêu năm tôi chỉ mong nhìn thấy các con nên người, thành công, như vậy tôi mãn nguyện lắm rồi”, ông Nhật hướng mắt về phía các con của mình nói.

Ông Nhật bên những người con của mình.

Ông Nhật bên những người con của mình.

Tôi chia tay ông Nhật và 106 “người con” của ông để ra về thì bất chợt nghe giọng hát từ phía sau nhà vang lên "Này bầu trời rộng lớn ơi, có nghe chăng tiếng em gọi Mẹ giờ này ở chốn nao, con đang mong nhớ về mẹ. Mẹ ở phương trời xa xôi, hay sao sáng trên bầu trời Mẹ dịu hiền về với con nhé, con nhớ mẹ...". Khi ấy, cơn mưa của những ngày cuối tháng 8 cũng bắt đầu nặng hạt.

Ông Nguyễn Văn Đương, Chủ tịch UBND xã Ia H’lốp cho biết, hiện nay ông Đinh Minh Nhật đã nhận nuôi hơn 100 đứa trẻ. Trong đó, mỗi đứa trẻ có một hoàn cảnh khác nhau, có em bị bố mẹ bỏ, có em hoàn cảnh gia đình khó khăn không thể nuôi nổi nên gửi cho ông.

Theo vị chủ tịch, ông Nhật là một tấm gương người tốt, việc tốt. Nhờ có ông nên nhiều đứa trẻ bất hạnh được đến trường học con chữ. Do đó, để giúp đỡ cho ông một phần nào, chính quyền địa phương đã hỗ trợ các thủ tục, giấy tờ để các em thuận lợi cho việc đến trường.

Chuyện cảm động về người 14 năm nuôi con hộ một người xa lạ

Cuộc sống khó khăn, cực chẳng đã, người phụ nữ ấy phải lên Hà Nội làm thuê đủ các việc để kiếm đồng ra đồng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Nhiên ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN