Thoát tay cướp biển: Buồn vui ngày về

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên1 2 3 4 56

Đã tròn một tuần từ khi đoàn tụ cùng gia đình, 12 thủy thủ trên con tàu Shiuh Fu No1 (Đài Loan) chia tay nhau trở về quê trong hạnh phúc vô bờ của người thân. Đàn ông miền biển vốn trầm tính, nay trở về sau sóng gió lại càng ít nói hơn, nhưng trong câu chuyện của họ, vẫn có nỗi bùi ngùi sau niềm vui đoàn tụ.

Tấm lòng người cha

Ngày hay tin Hương cùng nhóm thuyền viên trên tàu đánh cá Đài Loan bị hải tặc Somalia bắt cóc, ông Hồ Xuân Ngữ (bố Hương) chết lặng.

Hương vốn là dân miền biển. Người trong vùng sống bằng nghề đánh cá. Nhà Hương nhìn ra biển quanh năm con sóng vỗ rì rào. Ngày ngày, ông Ngữ lại ra bãi biển đứng nhìn ra phía xa xăm vô định. Ông chẳng rõ Ấn Độ Dương nơi cướp biển bắt và giam giữ con ông là ở phương nào.

Thoát tay cướp biển: Buồn vui ngày về - 1

Bãi biển nơi bố của Hương ngày ngày ra đứng trông ngóng đứa con trai bị cướp biển Somalia bắt đi.

Nhiều đêm, ông Ngữ trằn trọc không ngủ được. Ông xách chai rượu cùng bao thuốc lá ra kè đá bờ biển ngồi nhấm nháp men cay cùng nỗi nhớ thương con đang dạt dào theo ngàn con sóng. Ngày biết tin Hương trở về, ông Ngữ lại uống rượu nhiều hơn, uống cho tan đi hết bao niềm chất chứa gần 2 năm trời ông kìm nén trong lòng.

Hồi Hương đi, bố Hương đã đóng được một con tàu đánh cá. Bố muốn Hương ở nhà ra khơi cùng ông, nhưng Hương nhất quyết ra đi. Cả nhà đành chịu. Tưởng con đi xuất khẩu lao động kiếm được ít tiền về cưới vợ. Ngờ đâu lại ra cơ sự như thế.

Sáng nay, mẹ nấu cho Hương bát bún bò. Hương mân mê mãi, gắp được mấy gắp rồi bỏ đũa xuống. Hương chưa lấy lại được thăng bằng. Hạnh phúc nơi quê nhà làm Hương không thấy đói.

Thoát tay cướp biển: Buồn vui ngày về - 2

Thủy thủ Hồ Xuân Hương đang ăn tô bún mẹ nấu.

Ngồi trong nhà tiếp khách đến thăm, ông Trần Văn Trương (bố của thuyền viên Trần Minh Trí) chốc chốc không thấy con ở trong nhà lại quay ngang quay ngửa hỏi người xung quanh "Trí đâu?". Người cha như sợ, không muốn con trai mình đi mất thêm một lần nữa.

Vợ ông Trương (mẹ Trí) đang đi xuất khẩu lao động bên Malaysia. Nhà neo người. Từ ngày Trí đi hầu như có mỗi ông Trương quanh quẩn ở nhà. Đứa con gái út đi học suốt. Hôm đón Trí ở sân bay, chỉ có mình người cha đứng đợi.

Ông Trương cũng từng đi xuất khẩu lao động Đài Loan, làm nghề câu cá ngừ như công việc của con ông. Cá ngừ được thị trường nhiều nước ưa chuộng, có con nặng cả tạ, giá đắt lắm. Tàu cá cứ rong ruổi qua vùng biển khắp các nước, lênh đênh hàng tháng trời. Sống lâu trên biển, lao động mệt nhọc không tưởng tượng nổi. Nghĩ đến con còn phải chịu bao gian lao đày ải trong tay cướp biển, ông càng thương con xót xa. Nhưng vẻ cứng rắn của một người đàn ông miền biển ăn sóng nói gió làm át đi những tình cảm chất chứa trong lòng ông.

"Vài hôm tới phải cho chúng nó đi khám bệnh. Sống như vậy không bị bệnh mới là lạ!" - Mắt ông Trương mờ nhòe.

Thoát tay cướp biển: Buồn vui ngày về - 3

Bữa cơm đạm bạc nhưng đầy hạnh phúc của thủy thủ Trần Minh Trí (áo xanh)

Tuy nhiên, trong số các thủy thủ trở về từ tay cướp biển, không phải ai cũng được hưởng niềm vui như Hương và Trí.

Trần Huy Bình (quê Diễn Châu, Nghệ An, hiện sống ở Đăk Lăk) ra khơi được khoảng 2 tháng thì ở nhà bố anh qua đời. Những ngày tháng bị giam cầm trên đảo hải tặc Somalia, Bình vẫn không hay biết điều đó.  Mãi khi về đến Việt Nam, mượn điện thoại gọi cho người thân, Bình mới đau đớn hay tin bố mình đã mất.

Các thủy thủ trở về đều được bố mẹ, anh em đứng chờ. Bình đặt chân xuống sân bay Nội Bài không có bóng một người thân. Hầu như không ai để ý đến anh. Vì không mấy ai ở phi trường biết mặt anh ngoài mấy chàng thủy thủ.

Có người đi đón con ở sân bay nói rằng, sở dĩ chiều nay Bình về không có ai đón bởi hình như người thân của Bình chưa biết chuyện anh bị cướp biển Somalia bắt cóc. Anh về gia đình cũng không hay. Gia đình anh chuyển vào Đắk Lắk từ lâu nên không ai có thông tin liên lạc.

Thoát tay cướp biển: Buồn vui ngày về - 4

Các cán bộ xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu – Nghệ An) đến chúc mừng thủy thủ trở về.

Câu chuyện sau sóng gió

Không khí nơi làng quê miền biển mấy hôm nay xáo trộn. Một xã nhỏ chạy ven bờ biển miền Trung này, có 4 thanh niên cùng lứa bị cướp biển bắt cóc trên con tàu đánh cá Đài Loan dạo nọ. Cả 4 thủy thủ đều là con trai một trong các gia đình. Nay họ trở về, người trong xã kéo đến không ngớt.

Mấy hôm về đây, nhóm thủy thủ lầm lì ít nói. Đàn ông miền biển vốn trầm tính, nay trở về sau sóng gió lại càng ít nói hơn. Thi thoảng ai hỏi câu gì họ mới mở miệng. Nhiều người nhìn bộ dạng của mấy chàng thủy thủ thấy buồn cười. Hương bảo: Thế này ăn thua gì!

Thoát tay cướp biển: Buồn vui ngày về - 5

Trần Minh Trí (áo trắng, trong cùng) kể cho bạn bè nghe sau chuyến đi dài của mình

Hôm rời đảo, tóc người nào ngắn nhất cũng đến quá vai, râu ria như Trương Phi cả. Cập cảng Tazania, ai cũng cố tân trang lại cho sáng sủa. Hôm đi trên máy bay, nhiều hành khách nhận ra họ, hỏi: "Đây có phải là thủy thủ bị cướp biển Somalia bắt cóc không?" Họ không nói, chỉ cười.

Hương về, bạn bè quanh xóm kéo đến hỏi thăm. Anh gặp lại người bạn cũng đi xuất khẩu lao động với mình dạo nọ, cùng đăng ký đi Đài Loan một đợt. Ngày dự tuyển, hai thằng buộc phải chọn mỗi đứa lên một tàu. Đứa lên tàu đánh cá, đứa ra khơi câu mực. Hương gặp nạn, còn bạn anh ít lâu sau trở về. Ngày gặp lại nhau, hai đứa ôm lấy nhau cùng ngửa mặt lên cười.

Bạn bè kinh ngạc khi thấy Hương bây giờ gầy gò đen đúa kỳ lạ. Dạo trước Hương nặng hơn sáu chục cân. Sau gần ba năm xa nhà, chàng thủy thủ trở về từ địa ngục trần gian chỉ còn 48 kg.

Nhiều người tò mò hỏi Hương đủ thứ chuyện. Hương càng ít nói, người ta càng hỏi. Câu chuyện chắp nối từng đoạn, người nghe như bị cuốn đi đến tận Châu Phi xa xôi, chuyện thủ thủy trong rừng bị muỗi cắn, nặn ra cả con dòi. Câu chuyện làm nhiều người nhăn mặt lại như xem phim kinh dị. Họ không tin lại có sự lạ đời giống với chuyện loài hoa ăn thịt người trên trái đất này. Dù những người dân miền biển này từng ra khơi đánh cá nhiều nơi, và đối đầu với tai ương, sóng gió không ít.

Phim và truyện về cướp biển thì hầu như ai cũng đã từng xem, tình tiết còn hấp dẫn hơn những gì nhóm thủy thủ đã trải qua. Nhưng câu chuyện của người vừa ở đó về mới làm cho người nghe thỏa mãn.

Có người còn thắc mắc không biết tiền đâu để chuộc các thủy thủ về? Hương cho hay, nghe loáng thoáng đâu đó, công ty bên Đài Loan phải chi cho cướp biển tương đương khoảng 20 tỷ đồng tiền Việt mới đưa được họ về đây.

Vài hôm nữa, Hương và nhóm thủy thủ lại ra Hà Nội đàm phán nốt số lương mà công ty (doanh nghiệp đưa họ đi Đài Loan) ở Việt Nam còn thiếu.

Ông Ngữ (bố Hương) nói: "Bây giờ nó phải nghỉ ngơi dài ngày cho lại sức đã. Chứ tương lai cũng chưa biết tính thế nào".

Ngày 24/12/2009, con tàu đánh cá Shiuh Fu No1 ra khơi. Sau đúng 1 năm 1 ngày lênh đênh trên biển chưa một lần cập bến (ngày lễ Giáng sinh 25/12/2010), 26 thuyền viên trên con tàu này đã bị hải tặc Somalia bắt giữ.

Sau 18 tháng 17 ngày bị giam cầm trong ngục tù cướp biển, ngày 17/7 mới đây, các thuyền viên đã được trả tự do.

Chiều 24/7, 12 thuyền viên Việt Nam đã về đến sân bay Nội Bài đoàn tụ với gia đình.

Ông Trần Văn Trương (bố thuyền viên Trần Minh Trí) cho biết, công ty Servico cam kết trả lương đầy đủ cho các thuyền viên 240 USD/tháng kể cả trong thời gian bị cướp biển Somalia bắt giữ. Trước đó, công ty này thanh toán đầy đủ. Tuy nhiên 4 tháng nay, gia đình ông chưa nhận được khoản tiền nói trên. Vài ngày tới, một số thuyền viên vướng phải vấn đề tương tự sẽ ra Hà Nội tiếp tục đàm phán quyền lợi.

Somalia là một quốc gia nằm ở vùng sừng châu Phi. Chính vị trí địa lý nằm ở vùng khí hậu Xích Đạo khiến đất nước này chịu nhiều thiên tai, hạn hán. Nghèo đói cộng với tình trạng chính trị bất ổn đã dẫn đến vấn nạn hải tặc nơi đây.

Somalia giáp với vịnh Aden phía bắc - là nơi cướp biển Somalia hoành hành. Vịnh này là phần của tuyến đường thủy quan trọng cho tàu bè qua Kênh Suez giữa Địa Trung Hải và Biển Ả Rập trong Ấn Độ dương với khoảng 21.000 tàu qua vịnh mỗi năm. Bởi vậy vịnh Aden có biệt danh là "Pirate Alley" (đường cướp biển) do xẩy ra rất nhiều vụ cướp biển trong khu vực này.

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên1 2 3 4 56

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
570 ngày trong ngục tù cướp biển Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN