Thi cử: Từ kiêng chuối đến tránh gặp… gái

Trước ngày thi ĐH, nhiều sĩ tử “truyền tai” nhau kinh nghiệm: Không được cắt tóc, không ăn chuối, thậm chí xuất hành từ 4 giờ sáng để tránh “ra ngõ gặp gái”.

Sáng mai (4/7), hơn 600.000 thí sinh bước vào buổi thi đầu tiên kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2012. Không chỉ chuẩn bị về kiến thức và sức khỏe, thí sinh còn “truyền tai” nhau kinh nghiệm: Trước khi đi thi tuyệt đối không được cắt tóc. Nhiều món ăn được liệt vào danh sách cấm kỵ: Ăn chuối (sẽ trượt vỏ chuối), ăn trứng (0 điểm), ăn ốc (đoán mò)… Những năm gần đây, các cửa hàng xôi đỗ và chè đậu đỏ cũng đắt khách trong ngày thi cử. Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều phụ huynh cẩn thận hơn còn chọn giờ, chọn hướng cho con xuất hành.

Việc kiêng kỵ như vậy có thực sự cần thiết? Nhà nghiên cứu văn hóa đưa ra cách nhìn nhận về vấn đề này.

Thi cử: Từ kiêng chuối đến tránh gặp… gái - 1

Cơn mưa chiều ngày 3/7 cũng không ngăn được bước chân của hàng ngàn sĩ tử tới Văn Miếu Quốc Tử Giám cầu may mắn cho kì thi đại học sẽ diễn ra vào ngày mai (Ảnh: Minh Yến)

Đừng rơi vào “ma thuật bắt chước”

GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn văn hóa tín ngưỡng phân tích: Trước những việc hệ trọng, con người thường tìm đến một đức tin nào đó, ví dụ như chuyện thi cử. Học sinh rủ nhau đi sờ đầu rùa, xin lộc ở chùa… Điều đó giúp con người có niềm tin, đem đến sức mạnh tinh thần. Dân tộc ta cũng có nhiều phong tục tập quán. Có những tín ngưỡng hay như việc thờ cúng ông bà tổ tiên trước khi thi. Điều đó tạo nên ý thức cội nguồn, gắn bó các thế hệ với nhau, là một nét đẹp văn hóa.

Thi cử: Từ kiêng chuối đến tránh gặp… gái - 2

Chạm tay vào bảng vàng ở Quốc Tử Giám, mong đỗ đạt (Ảnh: Minh Yến)

Tuy nhiên, theo GS Thịnh, việc mách nhau kiêng “ra ngõ gặp gái”, đi hướng nào để may mắn, kiêng không ăn trứng… chỉ có thể xem như câu chuyên vui. Không ai kiểm chứng được nguồn gốc và kết quả của những “bí quyết” kiêng kỵ này. “Thực chất nó được nhìn nhận như “ma trận bắt chước”, tức là từ một người truyền sang nhiều người. Nguồn gốc sâu xa về tập quán của dân tộc ta thời xưa không như thế. Ví dụ việc kiêng ra ngõ gặp gái, nó gắn với những quan niệm lao động của ông cha ta thời nguyên thủy. Theo thời gian, quan niệm này lại được nhìn nhận theo hướng khác và bị coi là cấm kỵ”, GS Thịnh nói.

Thi cử: Từ kiêng chuối đến tránh gặp… gái - 3

Khuôn viên nhà chùa luôn là địa điểm lý tưởng để các sĩ tử vừa học hành vừa cầu nguyện (Ảnh: Minh Yến)

“Rất nhiều thí sinh cùng đến chùa cầu may, mục đích tất cả đều giống nhau là muốn đạt kết quả cao nhưng hành vi lại khác nhau. Một người không học gì, không thể trông chờ vào thần thánh để đỗ đạt. Nếu bạn học tốt dù có ăn trứng cũng khó có thể bị điểm 0”.

Từ phân tích trên, GS Thịnh cho rằng, không ai cấm chúng ta đặt niềm tin vào điều gì đó, nhưng quan trọng là đón nhận nó như thế nào. Từ đó chuẩn bị cho mình thần thái tốt nhất, vì nó chỉ có tác động về mặt tinh thần. “Nếu như mai bước chân ra cửa, bạn gặp một con vật không may mắn, hãy cứ yên tâm coi đó là hiện tượng tự nhiên và đón nhận nó như một điều bình thường”.

“Tôi vẫn nấu canh bí cho con ăn”

TS. Nguyễn Ánh Hồng, Phó khoa Văn hóa và Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhìn nhận: “Không thể nói quan niệm kiêng kỵ là đúng hay sai. Nhưng về mặt khoa học, việc kiêng các thức ăn như bí, chuối, trứng, ốc… là không chính xác. Đây đều là các thức ăn bổ dưỡng tốt cho sức khỏe”.

Thi cử: Từ kiêng chuối đến tránh gặp… gái - 4

Sĩ tử ùn ùn đổ về Văn Miếu cầu may trước ngày thi (Ảnh: Minh Yến)

Theo TS. Hồng, xét về văn hóa tín ngưỡng, những “kiêng kỵ” đều là niềm tin tự phát “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Thí sinh nào cũng có mục đích là chuyện thi cử được thuận lợi. “Mai con tôi cũng thi đại học. Tôi đã chuẩn bị lễ để thắp hương cho ông bà tổ tiên. Đây là điểm tựa tâm linh, con cái đến 18 tuổi cũng coi như trưởng thành, nhớ về ông bà, cha mẹ. Nhưng rõ ràng điều này không thể giúp các cháu tỉnh táo hơn trong phòng thi, hay ông bà có thể giúp con tôi giải bai toán khó”, TS. Hồng chia sẻ.

“Tôi biết có vị phụ huynh xem giờ xuất hành, bắt con dậy từ 4 giờ sáng để ra khỏi cửa. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và làm thí sinh không tập trung trong phòng thi. Văn hóa tín ngưỡng là một nét đẹp nhưng nếu quá mức lại trở thành mê tín dị đoan”.

Thi cử: Từ kiêng chuối đến tránh gặp… gái - 5

Theo thành viên CLB Unesco Thư pháp Việt Nam, chữ "Đăng Khoa" (Đỗ đạt thành tài) được nhiều sĩ tử lựa chọn nhất (Ảnh: Minh Yến)

TS. Hồng dẫn ví dụ việc kiêng kỵ thi cử ngày xưa: Trước khi bước vào kỳ thi khoa cử, sĩ tử phải ra đình làng thắp hương. Trong mâm lễ nhất định phải có xôi đậu đỏ. Có nơi còn tung đồng tiền xu sấp ngửa để dự đoán may mắn. Đặc biệt, người đi thi phải chọn ngày giờ rất kỹ, thậm chí chọn cả người đồng hành hợp tuổi.

"Tuy nhiên, dù theo tín ngưỡng nào vẫn phải chú trọng xem có ảnh hưởng gì đến sức khỏe, tâm lý hay không”, TS. Hồng nói. “Như tôi, vẫn nấu canh bí cho con ăn trước ngày thi vì nó có lợi cho sức khỏe!”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Vân ([Tên nguồn])
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN