Thái Lan: Áo Đỏ tích trữ vũ khí bảo vệ Thủ tướng

Phe Áo Đỏ Thái Lan đã tích trữ một kho vũ khí để đề phòng trường hợp Thủ tướng Yingluck bị quân đội đảo chính hoặc bị ép từ chức.

Trong khi những cuộc biểu tình chống chính phủ Thái Lan và đóng cửa thủ đô Bangkok đã bước sang ngày thứ tư, các nhà quan sát cho rằng nguy cơ nổ ra xung đột bạo lực đang ngày càng tăng lên trước thông tin những người ủng hộ chính phủ đang tích trữ vũ khí đề phòng trường hợp Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị lật đổ.

Theo tờ Bangkok Post, các thành viên phe Áo Đỏ trung thành với bà Yingluck và cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã chuẩn bị một kho vũ khí để sẵn sàng sử dụng trong trường hợp bà Yingluck bị quân đội hoặc tòa án ép phải từ chức.

Tờ báo này dẫn lời một nguồn tin bên trong phe Áo Đỏ tuyên bố: “Hiện tinh thần chống đảo chính và chống tòa án đang lên rất mạnh trong những người áo đỏ vốn rất quen thuộc và thuần thục với việc sử dụng vũ khí.”

Thái Lan: Áo Đỏ tích trữ vũ khí bảo vệ Thủ tướng - 1

Người biểu tình Thái Lan đã ít hơn rất nhiều so với hồi đầu tuần

Trong khi đó, hàng chục ngàn người biểu tình đối lập vẫn đang phong tỏa các giao lộ trọng yếu ở thủ đô Bangkok nhằm đóng cửa thủ đô, làm tê liệt chính phủ và gây sức ép buộc bà Yingluck từ chức.

Dưới sự lãnh đạo của cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban, người biểu tình đã dựng nhiều khu lều bạt xung quanh các tòa nhà chính phủ buộc các cơ quan này phải đóng cửa và viên chức chính quyền buộc phải làm việc ở nhà.

Hồi tháng trước, dưới sức ép của người biểu tình, Thủ tướng Yingluck đã buộc phải giải tán quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm vào ngày 2/2 tới đây. Tuy nhiên, ông Suthep lại đòi bà Yingluck phải từ chức vô điều kiện và dọa sẽ bắt giữ bà cùng toàn bộ nội các tạm quyền nếu bà không chịu từ chức ngay lập tức.

Phản bác đòi hỏi này của phe biểu tình, bà Yingluck cho rằng việc cử ra một ủy ban cải cách không qua bầu cử là vi phạm hiến pháp, và rằng “nếu người dân không muốn chính phủ này tồn tại thì họ nên bước ra và bỏ phiếu.”

Đảng Pheu Thai của bà Yingluck đã giành thắng lợi trong 5 cuộc bầu cử gần đây nhờ sự ủng hộ đông đảo của người dân nghèo ở vùng đông bắc Thái Lan, nơi được hưởng lợi từ các chính sách xóa đói giảm nghèo của chính phủ. Trong khi đó, họ lại là “cái gai” trong mắt tầng lớp trung lưu và bảo hoàng ở Bangkok và các tỉnh miền nam, nơi cáo buộc ông Thaksin và em gái đã bỏ tiền ra mua phiếu bầu của cử tri.

Noi, một giáo viên đến từ tỉnh Chonburi đang biểu tình bên ngoài trụ sở Bộ Du lịch tỏ vẻ bức xúc: “Dân vùng nông thôn ở đông bắc không phải trả thuế, và Thaksin đã bỏ tiền mua phiếu bầu của họ rồi ăn cắp tiền của chúng tôi.”

Phe đối lập Thái Lan muốn chỉ định một Hội đồng Nhân dân không qua bầu cử để thay thế chính quyền được dân bầu trong thời hạn tới 2 năm nhằm thực hiện một loạt các biện pháp cải cách để loại trừ vĩnh viễn quyền lực của ông Thaksin.

Thái Lan: Áo Đỏ tích trữ vũ khí bảo vệ Thủ tướng - 2

Nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra

Theo giáo sư Thitinan Pongsudhirak, chuyên gia nghiên cứu khoa học chính trị ở Đại học Chulalongkorn, Bangkok, người Thái có thể miễn cưỡng chấp nhận một mức độ tham nhũng nhất định, tuy nhiên người biểu tình hiện nay tin rằng ông Thaksin đã đi quá đà khi theo đuổi một “chế độ độc quyền về quyền lực và tài sản.”

Trong khi đó, phe Áo Đỏ lại cho rằng ông Thaksin chỉ là một nhân vật như các nhân vật khác trên chính trường, và theo giáo sư Thitinan, việc ông Thaksin bị truy tố trong con mắt của họ là “bất công và là điển hình cho những bất bình của họ, và họ cảm thấy Thaksin đã cho họ cơ hội cất tiếng nói với những chính sách quan tâm đến lợi ích của họ.”

Hôm thứ Năm, số lượng người biểu tình chống chính phủ đã giảm mạnh thấy rõ so với hồi đầu tuần xuống còn vài ngàn người, chủ yếu là những người đến từ “căn cứ địa” của Suthep ở miền nam Thái Lan.

Cục Điều tra Đặc biệt Thái Lan đã phát lệnh triệu tập 55 lãnh đạo biểu tình vì các tội danh liên quan đến hoạt động đóng cửa thủ đô. Bản thân ông Suthep cũng phải đối mặt với cáo buộc nổi loạn vì vai trò của mình trong cuộc biểu tình này, ngoài cáo trạng giết người vì đã ra lệnh đàn áp đẫm máu người biểu tình Áo Đỏ hồi năm 2010.

Mặc dù có các lệnh triệu tập và bắt giữ này song các lãnh đạo biểu tình vẫn công khai đi lại giữa thủ đô Bangkok, và hơn 20.000 cảnh sát và binh sĩ được triển khai để giữ gìn trật tự vẫn không có động thái nào nhằm thực hiện các lệnh bắt này.

Một sĩ quan cảnh sát cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng không đến quá gần đám đông. Họ có thể trở nên tức giận khi nhìn thấy chúng tôi, và xung đột có thể nổ ra.”

Mặc dù quân đội Thái Lan được xem là một lực lượng bảo hoàng và có phần thiện cảm đối với người biểu tình, song thế lực hùng hậu có ảnh hưởng rất lớn trên chính trường Thái Lan này cũng là một thể chế được cho là ủng hộ ông Thaksin. Nhiều năm trước, ông Thaksin từng là một sĩ quan trung cấp trong quân đội Thái Lan.

Mặc dù lực lượng an ninh không công khai lộ diện tại thủ đô song các cuộc tuần hành tại Bangkok đến nay vẫn diễn ra trong hòa bình, bất chấp một số vụ nổ súng xảy ra trong đêm và một quả bom tự chế được ném vào tư dinh của cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva. Tuy nhiên, chuyên gia Thitinan cho rằng đây mới chỉ là những ngày đầu tiên, và ông này dự đoán sắp tới tình hình sẽ bạo lực hơn nhiều.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo Time) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN