Thái Lan: Chính phủ ngày càng mất lợi thế

Chính phủ Thái Lan đang ngày càng phải nhượng bộ nhiều hơn trước người biểu tình, và tình hình ngày một khó khăn hơn với họ.

Ngày 14/1, ngay cả khi Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra không hề bộc lộ dấu hiệu nào của sự mất tinh thần trước việc hàng trăm ngàn người rầm rộ biểu tình “đóng cửa” thủ đô Bangkok, việc bà kêu gọi các “ông lớn” trong chính trường Thái Lan ngồi lại với nhau để bàn về khả năng hoãn cuộc bầu cử ngày 2/2 tới đây chứng tỏ chính phủ đã bắt đầu phải có sự nhượng bộ.

Theo ông Suranand Vejjajiva, Chánh văn phòng phủ Thủ tướng, bà Yingluck đã lên kế hoạch mời những người ủng hộ và phản đối cuộc bầu cử sắp tới tham gia hội nghị thương lượng về khả năng hoãn cuộc bầu cử.

Thái Lan: Chính phủ ngày càng mất lợi thế - 1

Người biểu tình đang gây sức ép vô cùng lớn lên chính phủ của bà Yingluck

Bà Yingluck đã gửi thư mời đến Tòa án Hiến pháp, Tòa án Hành chính, Văn phòng Tổng Kiểm toán và Văn phòng Tổng Chưởng lý Thái Lan đề nghị các cơ quan này tham dự cuộc họp.

Động thái mới này của bà Yingluck cho thấy chính phủ Thái Lan đang thể hiện lập trường ngày càng mềm dẻo hơn trước người biểu tình. Trước đó, bà đã tuyên bố rằng chính phủ không có quyền hoãn bầu cử bất chấp kiến nghị của nhiều giới ở Thái Lan.

Trước thềm chiến dịch “đóng cửa” thủ đô Bangkok của phe biểu tình, đảng Pheu Thai của bà Yingluck đã lên kế hoạch đối phó bằng cách yêu cầu ứng cử viên ở các tỉnh phía bắc và đông bắc huy động ít nhất 5000 người ở mỗi khu vực bầu cử để tuần hành chống “đóng cửa” và ủng hộ bầu cử.

Các lãnh đạo Pheu Thái đã hy vọng rằng chiến dịch đối phó này sẽ phát huy hiệu quả tích cực trong việc ngăn chặn tình trạng thủ đô Bangkok bị đóng cửa. Tuy nhiên kết quả trong thực tế đã không được như họ mong đợi khi chỉ có khoảng 20.000 người thuộc phe “áo đỏ” tham gia tuần hành ở các tỉnh Ubon Ratchathani, Amnat Charoen và Yosothon.

Lãnh đạo Pheu Thai đã yêu cầu các thành viên “áo đỏ” huy động thêm người biểu tình, tuy nhiên mỗi khu vực bầu cử cũng chỉ lôi kéo được thêm 500 tham gia tuần hành chống “đóng cửa”.

Cuộc tuần hành ủng hộ chính phủ ở tỉnh Ubon Ratchathani ngày hôm qua đã không để lại được bất cứ tiếng vang nào. Đám đông tuần hành giải tán nhanh chóng và chỉ có vài ứng cử viên chạy đua vào cuộc bầu cử xuất hiện trên sân khấu.

Thái Lan: Chính phủ ngày càng mất lợi thế - 2

Cảnh sát Thái Lan vẫn chỉ được sử dụng hơi cay và đạn cao su để chống biểu tình

Ở các tỉnh vùng đông bắc, nơi phe “áo đỏ” coi như căn cứ địa của mình, chỉ có lác đác vài hoạt động được tổ chức để ủng hộ cuộc bầu cử sắp tới, và những hoạt động này cũng được tổ chức rất kém.

Cuộc chạy đua cho tổng tuyển cử ngày 2/2 tới đây cũng không có diễn biến gì nổi bật. Các lãnh đạo phe áo đỏ như Nattawut Saikuar và Jatuporn Prompan đã thất bại trong chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử, trong khi bản thân các ứng cử viên cũng tỏ ra không mấy mặn mà lắm với chiến dịch tranh cử của mình.

Lý do dễ hiểu là các ứng cử viên này đang phải lo sốt vó trước lệnh triệu tập của Tòa án Hiến pháp đối với hơn 300 nghị sĩ liên quan đến việc sửa đổi hiến pháp bị tòa án cho là vi hiến.

Các nghị sĩ này cũng sẽ phải tự bảo vệ mình trước Ủy ban Chống Tham nhũng Quốc gia (NACC) với cáo buộc họ đã phạm luật khi thông qua điều khoản sửa đổi hiến pháp hôm 17/1. Một nghị sĩ đã phải thốt lên với Bangkok Post: “Chúng tôi bị đánh hết đòn này đến đòn khác. Chúng tôi không còn tâm trí đâu nữa để đi vận động bầu cử. Dường như chẳng có tương lai gì hết.”

Ngay cả bản thân bà Yingluck cũng đang phải đối mặt với thời điểm khó khăn, khi NACC tuyên bố trong tháng này sẽ ra quyết định về những sai phạm trong chương trình tài trợ giá gạo của chính phủ.

Vị nghị sĩ này kết luận: “Các ứng cử viên không bị ảnh hưởng bởi việc Bangkok đóng cửa, tuy nhiên Thủ tướng có thể không giữ được vai trò lãnh đạo chính trị của mình. Nếu cuộc nổi dậy của người dân không lật đổ được Thủ tướng thì một tổ chức độc lập như quân đội có thể sẽ làm điều đó.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo BangkokPost) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN