Tết Tân Sửu 2021 giản đơn nhưng ấm cúng

Sau một năm kinh tế khó khăn, thu nhập bấp bênh, nhiều người đang nghĩ đến chuyện ăn Tết Tân Sửu 2021 đơn giản nhưng vẫn ấm cúng.

Một cái Tết đơn giản nhưng ấm cúng trong điều kiện kinh tế khó khăn. Ảnh minh hoạ.

Một cái Tết đơn giản nhưng ấm cúng trong điều kiện kinh tế khó khăn. Ảnh minh hoạ.

Năm 2020 là một năm kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai và dịch COVID-19. Không ít người lao động rơi vào cảnh mất việc, không kiếm được việc làm, thu nhập bấp bênh… tổn thất về mặt kinh tế là không tránh khỏi.

Đặc biệt, dịp gần Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, dịch COVID-19 lại tiếp tục bùng phát và lây lan mạnh mẽ. Vấn đề chi tiêu dịp Tết là chẳng đặng đừng. Vậy, làm gì để có một cái Tết đơn giản mà vẫn ấm cúng?

Ứng xử uyển chuyển, phù hợp hoàn cảnh cụ thể

Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, Nguyên Giảng viên khoa Ngữ văn (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn) cho hay, Tết cổ truyền của dân tộc đã đến, mấy chữ "lo Tết", "chạy Tết" tưởng đã lùi vào dĩ vãng nhường chỗ cho những chữ "sắm Tết", "vui Tết", thì nay lại hiện diện trước nhiều người. Tình thế đặc biệt này đòi hỏi nhân dân ta có những ứng xử uyển chuyển, hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.

“Theo tôi, tất cả nằm ở cái Tâm của mình. Đó là cái tâm hướng nội, sự an nhiên trước tình thế khắc nghiệt. Những người nghiên cứu về thiền học cho rằng, hiện nay con người quá hướng ngoại, quá so sánh lẫn nhau và luôn luôn mong muốn "trình diễn" để thể hiện. 

Nhưng con người còn có một chiều sâu tinh thần khác ngoài những thỏa mãn vật chất. Một nén hương thơm cũng có thể chìm đắm vào kỷ niệm ấm cúng với ông bà tổ tiên. Một mâm ngũ quả cũng là cúng dường cho 7 đời tiền kiếp. Hai cây mía bên bàn thờ cũng đủ để tưởng nhớ cội nguồn quê mạc. Một tin nhắn thăm hỏi, một phút điện thoại cũng có thể thực hiện một cuộc đoàn viên…

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - Nguyên Giảng viên khoa Ngữ văn (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn). Ảnh: Gia đình và xã hội.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - Nguyên Giảng viên khoa Ngữ văn (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn). Ảnh: Gia đình và xã hội.

Nếu cứ đăm đắm nghĩ đến việc "thua chị kém em" mà sầu tủi khổ não, tự cảm thấy bất hạnh thì đó là cách ứng xử hướng ngoại. Nó rất ảnh hưởng về tâm lý mà dẫn tới uất kết, ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như hòa khí cùng mọi người”, ông Vĩ nói.

Mặt khác, ông Vĩ cho rằng, trong một cộng đồng chung những người cùng cảnh ngộ, hoàn toàn có thể góp công góp sức để lo chung một cái Tết vui vẻ: đó là Tết cộng đồng. Cái truyền thống cộng thông cộng cảm của con người cùng cảnh ngộ vốn đã rất tốt đẹp trong lịch sử người Việt.

“Nhiều người sẽ nói giàu có đàng hoàng vẫn vui vẻ hơn. Đúng vậy. Nhưng sự vui vẻ sẽ chóng qua đi bằng sự vui vẻ khác. Còn sự an nhiên để vượt qua những khúc quanh khó khăn trong cuộc đời mới là kỷ niệm đi cùng ta mãi mãi, đắp bồi cho tâm hồn ta những giá trị vững bền. Tôi nói điều này vì chính tôi đã từng trải qua rất nhiều những cái Tết khó khăn trong chiến tranh và trong thời hậu chiến. 

Có thể ngày nay, nhiều lúc chúng ta quên. Nhưng chắc chắn nếu trong hoàn cảnh khó khăn, kết lại vui Tết chung thì chắc chắn đó sẽ là cái Tết giàu kỷ niệm nhất”, ông Vĩ chia sẻ.

Tiết giảm chi tiêu, từ bỏ thói phô trương

Còn với PGS.TS Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học), ông cho rằng, không phải đợi đến tình thế như năm vừa qua mới đặt ra vấn đề Tết đơn giản nhưng ấm cúng.

Theo ông Bình, ngày Tết, những cái cần có vẫn phải có như bánh chưng, dưa hành, mâm ngũ quả, giò… nhưng cần tiết kiệm, hạn chế mua những đồ dùng mang tính phô trương hay săn lùng những của hiếm. Hơn nữa, không nên nhìn nhận Tết là dịp để ăn chơi, hưởng thụ, đập phá…

“Nhiều người thường sử dụng đồng tiền dành cho dịp Tết lớn và có xu hướng phô trương ngay cả khi điều kiện kinh tế chưa tương xứng, nhất là trong chuyện ăn uống. Ngày Tết, đồ ăn thừa mứa nhiều hơn với nhu cầu thực sự.

Nhiều người quan niệm, ngày Tết là phải chi tiêu nhiều, mua những vật dụng độc đáo, săn lùng đồ ăn độc, lạ, hiếm; Sắm sửa theo khía cạnh ê hề, quá sức đầy đủ... do đó, cần thay đổi cách nhìn nhận”, ông Bình chia sẻ.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình nói thêm, trong bối cảnh COVID-19 vẫn đang hoành hành, kinh tế ảnh hưởng đến mỗi người, mỗi nhà, vì vậy việc tiết giảm trong dịp Tết này là điều tất yếu.

Do đó, để có một cái Tết đơn giản mà vẫn ấm cúng, người dân cần phải tiết giảm chi tiêu vào những thứ liên quan đến hình thức, hay biểu dương “sức khỏe” của mỗi gia đình hay doanh nghiệp; Tiền dành cho giao tiếp, biếu xén chủ động tiết giảm đi; Tiết kiệm, ăn tiêu phù hợp với sản xuất, từ bỏ sự phô trương trong tiêu dùng.

Ngoài ra, các gia đình có thói quen đi du lịch trong hoặc ngoài nước dịp tết cũng nên tạm dừng để tiết kiệm được một khoản chi tiêu cũng như phòng tránh được dịch COVID-19.

Nguồn: [Link nguồn]

Cầu Rồng sẽ phun nước, lửa 4 đêm dịp Tết Tân Sửu

Cây cầu Rồng nổi tiếng của TP Đà Nẵng sẽ phun nước, lửa liên tiếp từ các đêm 11 – 14/02/2021 (tức các đêm 30 tháng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Mở cửa thấy Tết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN