Tết kém vui của cô giáo ôm khúc gỗ bò qua suối từng gây bão mạng
Hoàn cảnh gia đình khó khăn không có nhiều điều kiện chăm lo Tết cho con, cô Tý lại gặp chuyện không may khi bị kẻ trộm lấy mất điện thoại ngay ngày giáp Tết.
Ngày 29-1, cô Nguyễn Thị Tý (31 tuổi; trú xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) – người từng gây "bão mạng" với hình ảnh ôm khúc gỗ bò qua suối đến trường dạy học lúc mưa lũ - cho biết đang chuẩn bị hành trang để rạng sáng mai trở lại điểm điểm trường Nóc Ông Bình (thôn 3, xã Trà Dơn) dạy học sau quãng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán.
Cô Nguyễn Thị Tý cùng các học sinh ở Nóc Ông Bình
Cô Tý chia sẻ ngày Tết của gia đình mình năm nay cũng không có gì đặc biệt khi điều kiện kinh tế không cho phép. Với đồng lương ít ỏi của mình, cô chỉ đủ mua cho 2 đứa con mỗi đứa một bộ áo quần mới và mua một ít bánh kẹo cho con ăn ngày Tết.
"Nhà trường thưởng Tết được 500.000 đồng, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện có gửi hạt nêm, dầu ăn để động viên tinh thần cho giáo viên. Riêng tôi nhận lương được 3,5 triệu đồng nên cũng không có nhiều tiền để chăm lo Tết cho gia đình vì còn phải dành tiền để lo các chi phí khác sau Tết nữa" – cô Tý tâm sự.
Cô Tý kể, vợ chồng cô sinh được 2 người con. Cuộc sống gia đình đang tương đối ổn định thì chồng cô bất ngờ phát hiện bị mắc bệnh hiểm nghèo và mất năm 2017. Từ đó đến nay, một mình cô Tý nuôi 2 con, một cháu đang học lớp 8, một cháu học lớp 5. Bản thân cô Tý là giáo viên hợp đồng nên mức lương khá khiêm tốn.
Cô Tý từng gây bão mạng với hình ảnh bò qua dòng suối chảy xiết
Hoàn cảnh khó khăn là thế, cô Tý lại gặp chuyện đáng buồn. Hôm 29 Tết, cô Tý không may bị kẻ trộm lấy mất chiếc điện thoại có lẽ là tài sản giá trị nhất của gia đình. "Chiếc điện thoại đó tôi mua cũng lâu rồi, trước khi chồng mất. Bây giờ không có điện thoại dùng phải mượn điện thoại bà ngoại" – nữ giáo viên chia sẻ và cho biết phải chờ đi làm lại và nhận lương thì mới có tiền để mua điện thoại mới.
Về dự định trong năm mới, cô Tý cho biết bản thân vừa lấy bằng tốt nghiệp đại học hệ liên thông, sắp tới đây sẽ đăng ký thi tuyển công chức ngành giáo dục để cuộc sống ổn định hơn. Cô Tý gửi lời chúc mừng năm mới đến quý bạn đọc đồng thời gửi lời cảm ơn đến Báo Người Lao Động đã gửi món quà ý nghĩa cho cô nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam hôm 20-11-2022.
Cô Tý thường xuyên kêu gọi các nhà hảo tâm tặng quà cho các học sinh
Trước đó, như Báo Người Lao Động thông tin, tháng 10-2022, cộng đồng dùng mạng xã hội Facebook thật sự xúc động với hình ảnh cô Tý ôm gốc gây gỗ bò qua dòng suối nước chảy xiết để đến trường dạy học.
Cô Tý kể, hôm đó là ngày 10-10-2022, như thường lệ, vào ngày thứ hai đầu tuần, cô thức dậy lúc 4 giờ sáng rồi chạy xe máy từ nhà ở xã Trà Mai lên xã Trà Dơn. Từ trung tâm xã Trà Dơn muốn vào Nóc Ông Bình chỉ có cách duy nhất là cuốc bộ.
Sau khi gửi xe máy, cô Tý cùng một thầy giáo dạy tiểu học ở Nóc Ông Bình đi bộ băng rừng để đến lớp học. Bình thường, hai người di chuyển khoảng 2 giờ là đến nơi. Hôm đó, trời trút mưa tầm tã, mặt đường lầy lội, trơn trượt rất khó đi. Để đến được điểm trường, 2 người phải vượt qua 3 con suối. Ngày thường, nước chỉ ngập mắt cá chân, lội bộ qua được. Khi mưa lớn, nước trên nguồn cuồn cuộn đổ về, chảy xiết rất nguy hiểm.
Clip: Cô Nguyễn Thị Tý bò qua dòng nước chảy xiết đến trường dạy học gây bão mạng
Khi đặt chân đến con suối thứ nhất, hai thầy cô thoáng chút lưỡng lự, bởi dù từ bên này ngó qua bên kia bờ chỉ cách khoảng chừng 10 m, song dòng nước hung tợn đang dồn dập đổ về khiến cô Tý thoáng chút lo âu.
"Lúc ấy, trong đầu cứ đan xen hai luồng suy nghĩ. Nửa muốn quay về chờ mưa ngớt, nửa muốn bước tiếp vì thương học trò. Rốt cuộc, nguồn động lực từ các học sinh đã giúp chúng tôi dũng cảm vượt qua nỗi sợ hãi. Thầy Nhân và tôi đã lần lượt bám thân gỗ chò bắc ngang đoạn suối ngập sâu rồi nhích từng chút để vượt qua. Trong lúc tôi toát mồ hôi hột di chuyển, thầy Nhân đã dùng điện thoại chụp ảnh, quay phim làm kỷ niệm. Bây giờ xem lại vẫn thấy rùng mình" - cô Tý nhớ lại.
Con đường đến điểm trường của cô Tý
Hôm đó, ở đoạn suối thứ hai, cô Tý và thầy Nhân dễ dàng lội bộ qua. Đến con suối cuối cùng, cả hai phải chờ mấy giờ. Đợi khi mưa tạnh, nước không còn cuộn trào, chảy xiết thì mới dám lội qua để về lớp học. "Khi vào điểm trường, thấy học sinh vẫn đang ngồi đợi cô giáo đến, tôi rất xúc động" - cô Tý kể.
Nguồn: [Link nguồn]
“Khi thấy cây gỗ tròn nằm bắc ngang đoạn suối ngập sâu, tôi và thầy Nhân lần lượt bám chặt vào thân cây rồi nhích từng centimet để vượt qua”, cô Tý kể.