Tập Cận Bình: Nhiều lần xin vào Đảng

Tập Cận Bình phải chật vật mới được vào Đảng, nhưng sau đó ông nhanh chóng trở thành Bí thư chi bộ và lập được thành tích quan trọng.

Bí thư chi bộ năng nổ

Theo lý lịch được công bố trên Tân Hoa Xã, Tập Cận Bình kết nạp Đảng tháng 1 năm 1974. Lương Ngọc Minh, một đảng viên nông dân thôn Lương Gia Hà, người giới thiệu Tập Cận Bình vào Đảng, nhớ lại lý do ông giới thiệu là: “hoàn toàn vì biểu hiện tốt của Tập Cận Bình, thật thà tài giỏi, có suy nghĩ, có thể đoàn kết quần chúng, đoàn kết cán bộ”.

Lương Ngọc Minh kể, Tập Cận Bình hai lần đệ trình đơn xin kết nạp Đảng. Lần thứ nhất, do cha của ông là Tập Trọng Huân lúc đó đang bị bức hại, vấn đề của cha ông gây ảnh hưởng nên đơn không được phê chuẩn. Lần thứ hai, tổ chức đã dựa trên tinh thần do trung ương phát động về việc vấn đề của cha mẹ không ảnh hưởng đến con cái, nên ông được phê chuẩn vào Đảng.

Tuy nhiên, theo tạp chí Hồng Kông Mở, Tập Cận Bình có lần từng tiết lộ, trong thời kì xuống nông thôn, ông xin gia nhập vào Đoàn mất 8 lần, vào Đảng xin mất 10 lần. Khi được kết nạp Đảng năm 1974, ông 21 tuổi.

Không lâu sau khi vào Đảng, Tập Cận Bình lập tức được bầu chọn làm Bí thư chi bộ Đảng đại đội sản xuất ở thôn. Mùa đông, ngoài việc xây dựng cơ bản nông nghiệp, hợp tác xã còn một việc phải làm đó là kéo than để cung cấp nguyên liệu nấu cơm, sưởi ấm cho một năm trời. Số than này được một chiếc ô tô kéo từ huyện Tử Trường ở lân cận về đến hợp tác xã Văn An Dịch, rồi lại dùng xe cải tiến kéo đến thôn Lương Gia Hà.

Tập Cận Bình: Nhiều lần xin vào Đảng - 1

Tập Cận Bình thời trẻ (đứng ngoài cùng bên trái) cùng cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình. Ảnh: China Today (chụp từ thập niên 1970)

Theo lời trưởng thôn Thạch Xuân Dương, có một ngày, Tập Cận Bình đọc báo thấy một vài nông dân vùng Miên Dương ở Tứ Xuyên dùng khí mê-tan nấu cơm, chiếu sáng, vừa tiện lợi vừa rẻ. Nghĩ đến những tháng ngày kéo than trong thôn, ông đến hợp tác xã xin nghỉ phép, tự mình đến Miên Dương Tứ Xuyên thực địa khảo sát kĩ thuật xây dựng hồ mê-tan. Lúc đó, Diên An còn chưa thông đường xe lửa, ông phải ngồi ô tô hai ngày đến Tây An, rồi ngồi xe lửa đến Tứ Xuyên.

Sau khi về thôn, Tập Cận Bình nói cho các xã viên những cái lợi của việc dùng mê-tan. Tập Cận Bình biết đây là một điều mới mẻ, nên ông quyết định xây dựng hồ mê-tan đầu tiên, dùng thực tế để thuyết phục xã viên. Mấy tháng sau, khi các xã viên dùng khí của hồ mê-tan đầu tiên ấy nấu cơm, thắp sáng, những người dân trong xã đã hết lời khen Bí thư chi bộ Tập là một thanh niên trẻ tuổi vừa “có kiến thức, vừa có phương pháp”.

Theo lời Lương Ngọc Minh, đến năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, toàn thôn đã xây dựng được tổng cộng mấy chục hồ mê-tan, cơ bản giải quyết được vấn đề cơm nước, chiếu sáng của xã viên.

Sau này, khi đang là Bí thư Tỉnh ủy Triết Giang, trong lần đi thị sát tại huyện Thuần An vào tháng 3/2005, Tập Cận Bình đã đặc biệt đến tham quan hồ mê-tan tại thôn Hạ Khương của địa phương. Ông dí dỏm nói: “Tôi đã từng là “nhà chuyên nghiệp” về việc xây dựng hồ mê tan. 30 năm trước, khi còn là một bí thư chi bộ, tôi đã xây dựng một thôn mê-tan đầu tiên của tỉnh Thiểm Tây. Lúc đó vẫn chưa có điều kiện tốt như thế này, bây giờ mọi thứ tốt hơn nhiều rồi, chúng ta nhất định phải làm cho tốt việc này để quần chúng nhân dân thực sự được hưởng lợi”.

Trong thời gian diễn ra Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc năm 2008, Tập Cận Bình đảm nhiệm chức vụ thường ủy Bộ chính trị, Bí thư Ban bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông đến văn phòng Thiểm Tây tại hội đường Đại hội nhân dân cùng nghiên cứu về báo cáo công tác chính phủ và công tác thường ủy đại hội với các đại biểu tỉnh Thiểm Tây.

Sau khi các đại biểu phát biểu xong, Tập Cận Bình nói: “Tôi vào Đảng ở Diên An. Diên An đã nuôi dưỡng tôi, đào tạo tôi. Thiểm Tây là gốc, Diên An là hồn”.

Tập Cận Bình: Nhiều lần xin vào Đảng - 2

Tập Cận Bình: Diên An đã nuôi dưỡng tôi, đào tạo tôi

Tình cảm với nông dân

Mùa thu năm 1975, Tập Cận Bình được giới thiệu đi học tại đại học Thanh Hoa. Nghe nói Tập Cận Bình sắp về Bắc Kinh học, các hộ trong thôn đội đều muốn mời ông ăn cơm.

Ngày 7/10 năm đó, người dân toàn thôn không lên núi làm việc, họ xếp hàng rất dài, tiễn Bí thư chi bộ Tập đến hơn mười dặm. Có mấy chục người còn cùng ông đi bộ lên đến huyện, tối đến cùng ngủ tạm trong căn phòng vuông vắn tại nhà nghỉ quốc doanh. Ngày hôm sau, họ lại kéo đến tiệm ảnh chụp một bức ảnh chung làm kỉ niệm. Đây là bức ảnh đầu tiên của bọn họ, tiêu mất 5 đồng 5 hào, mỗi người góp một ít.

Bức ảnh tập thể của Tập Cận Bình và những người trong làng đến giờ vẫn còn lưu lại trong nhà của nhiều người dân trong thôn Lương Gia Hà. Lữ Hầu Sinh là một trong số đó.

Tại thôn Lương Gia Hà, Tập Cận Bình được sắp xếp ở trong nhà hầm của nhà Lữ Hầu Sinh. Cha mẹ Lữ Hầu Sinh sớm qua đời, từ nhỏ Lữ Hầu Sinh đã biết cách nấu cơm. Tập Cận Bình liền chủ động học nấu cơm từ người bạn mới. Lữ Hầu Sinh và Tập Cận Bình tuổi tác gần nhau, hai người thường xuyên ở cùng nhau.

Sau khi rời khỏi Lương Gia Hà, Tập Cận Bình vẫn quan tâm đến những người dân ở đây. Khi đảm nhiệm vị trí lãnh đạo tỉnh Phúc Kiến, Tập Cận Bình nhận được một bức thư của Lữ Hầu Sinh, nói chân ông bị đau, chữa tại địa phương không khỏi. Tập Cận Bình liền đưa Lữ Hầu Sinh lên Phúc Kiến, tự bỏ tiền cho Lữ Hầu Sinh chữa bệnh.

Mặc dù cuối cùng vẫn không chữa được, nhưng sự giúp đỡ này cũng khiến cho Lữ Hầu Sinh cả đời không thể nào quên: “Cận Bình gặp tôi, câu đầu tiên là hỏi bà con còn ăn cơm nắm nữa không? Tôi nói về cơ bản không còn ăn nữa rồi. Ông ấy cười bảo rằng vậy là ăn mì trắng rồi hả? Tôi nói đúng, ông ấy vui lắm”, Lữ Hầu Sinh kể.

Tháng 1/2000, Tập Cận Bình được bầu làm Tỉnh trưởng Phúc Kiến. Sau đó ông đảm nhận chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Triết Giang, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Triết Giang. Tháng 3 năm 2007, từ Triết Giang ông được điều lên làm Ủy viên thành ủy, Thường ủy, Bí thư Thành ủy Thượng Hải. Ngày 22 tháng 10 năm 2007, Tập Cận Bình từ cương Bí thư thành ủy Thượng Hải được thăng chức lên làm Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị và Bí thư Ban bí thư Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc.

_________________

Đón đọc bài tiếp theo: Tập Cận Bình: Kín tiếng, ôn hòa, bí ẩn vào 10h00 ngày 17/11/2012

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Xuân Phúc (Theo báo chí Trung Quốc) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN