Tập Cận Bình: Đường đến đỉnh cao chính trị

Con đường nào đưa ông Tập Cận Bình lên chức vụ Chủ tịch nước và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc? Quan điểm trị quốc cũng như tính cách của ông ra sao? Loạt bài về chân dung Tập Cận Bình sẽ giúp bạn đọc biết rõ hơn về nhân vật này.

“Vốn liếng” từ những năm tháng lao động

Tập Cận Bình sinh tháng 6 năm 1953 tại Bắc Kinh, quê gốc Thiểm Tây (Trung Quốc). Khi chào đời, cha của ông, Tập Trọng Huân đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng bộ Tuyên truyền trung ương, phó Chủ nhiệm ủy ban văn giáo chính vụ viện. Năm 40 tuổi, ông Tập Trọng Huân 40 mới có được người con quý tử, đặt tên “Cận Bình”.

Tập Cận Bình lớn lên trong sự nghiêm khắc của cha mẹ, và tuổi niên thiếu của ông gắn bó mật thiết với vận mệnh của cha mẹ. Trong giai đoạn “đại cách mạng văn hóa”, cha ông bị lật đổ, lúc ấy Tập Cận Bình chưa đầy 16 tuổi đã bị ép tham gia đội sản xuất nông thôn ở Thiểm Tây.

Trải nghiệm trong quãng thời gian này trở thành một đoạn hồi ức ông không thể quên, và coi là một tài sản quý giá. Ông kể: “Suốt một năm 365 ngày, tôi gần như không ngủ, trừ những hôm bị bệnh. Trời mưa gió bão tôi cùng mọi người đi cắt cỏ trong nhà hầm, buổi tối cùng mọi người trông đàn gia súc, rồi lại cùng họ đi chăn dê, việc gì cũng làm, khi đó tôi khiêng 200 cân lúa mạch đi 10 dặm đường núi mà không cần đổi vai”.

Tập Cận Bình: Đường đến đỉnh cao chính trị - 1

Ông Tập Cận Bình: “Cuộc sống vất vả bao năm tại vùng núi cao thôn xã đã rèn luyện cho tôi rất nhiều”

Lúc đó, khoảng 29.000 thanh niên trí thức Bắc Kinh đến đội sản xuất nông thôn Diên An. Tập Cận Bình làm bí thư chi bộ đại đội đầu tiên. Ông nói, sự khổ luyện này khiến bản thân ông nhìn thấy sức mạnh của nhân dân, thấy được gốc rễ căn bản của quần chúng nhân dân, giúp ông thực sự hiểu về bách tính, hiểu về xã hội, đây là điều cơ bản nhất. “Rất nhiều suy nghĩ thực sự cầu thị đều được manh nha từ đó để rồi bây giờ ảnh hưởng đến bản thân tôi từng giờ từng khắc”.

“Sự trưởng thành và tiến bộ của tôi có thể nói là được bắt đầu từ quãng thời gian 7,8 năm tại Thiểm Tây. Hai thứ lớn nhất mà tôi có được từ giai đoạn này: Một là nó giúp tôi hiểu được thế nào là thực tế, thế nào là thực sự cầu thị, thế nào là quần chúng. Đây là cái lợi mà cả đời mà tôi có được. Hai là nó bồi dưỡng cho tôi lòng tự tin. Quán ngữ vẫn thường nói, đao phải mài trên đá, người phải tôi luyện trong gian khó. Cuộc sống vất vả bao năm nay tại vùng núi cao thôn xã đã rèn luyện cho tôi rất nhiều, sau này gặp phải bất kì khó khăn gì, tôi đều nghĩ đến khoảng thời gian đó, trong hoàn cảnh điều kiện khốn khổ ấy còn có thể vượt qua được, thì giờ sao lại không thể? Có khó mấy cũng không thể khó bằng lúc đó đâu. Con người phải có chí khí, gặp phải chuyện gì cũng đều phải có dũng khí vượt qua, không được mê tín, như vậy sẽ có thể vững vàng trước biến loạn, ngẩng đầu trước khó khăn”.

Có lẽ nhờ những trải nghiệm này, nên trong công việc, Tập Cận Bình được báo chí Trung Quốc cho là đi về phía quần chúng, thúc đẩy ý chí quật cường, phát triển sách lược một cách thẳng thắn và kiên định.

Làm việc nặng, đọc sách nhiều

Nơi Tập Cận Bình làm thanh niên trí thức là thôn Lương Gia Hà, huyện Diên Xuyên tỉnh Thiểm Tây. Do sinh ra ở Bắc Kinh và cha ông là cán bộ cao cấp của Đảng, nên quãng thời gian trước năm 16 tuổi, Tập Cận Bình có rất quan hệ ít với nông thôn. Tuy nhiên trong một cuộc vận động đặc biệt của cuộc “đại cách mạng văn hóa”, ông cùng nhiều thanh nhiên trí thức xuống vùng nông thôn, điều đó siết chặt sợi dây liên lạc giữa ông đối với quê hương Thiểm Tây của mình.

Tập Cận Bình: Đường đến đỉnh cao chính trị - 2

Ông Tập Cận Bình đắc cử chức vụ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa mới, thay thế ông Hồ Cẩm Đào

Mùa thu năm 1969, Tập Cận Bình 16 tuổi, mang theo hai hòm sách đến thôn Lương Gia Hà. Lão Lương, cựu bí thư chi bộ của thôn Lương Gia Hà nhớ lại, Tập Cận Bình không ngày nào rời tay khỏi sách. Ông bảo, Tập Cận Bình sau khi đến vùng nông thôn này đã học cuốc xới, bón phân rất nhanh, một gánh hai sọt nặng hơn 100 cân (cân Trung Quốc, 100 cân bằng 50kg), bước đi nhanh không ai đuổi kịp.

“Ông ấy mặc một chiếc áo bông cũ màu xanh dương, eo giắt một kíp nổ đã dùng, không có dáng vẻ gì của một thư sinh”, Lão Lương nhận xét.

Lão Lương nhớ lại, năm 1973 Tập Cận Bình viết một lá đơn xin kết nạp Đảng tại thôn Lương Gia Hà. Tháng 1 năm 1974, khi mới 21 tuổi, ông được kết nạp Đảng dưới sự tiến cử của chi bộ Đảng thôn Lương Gia Hà huyện Xuyên Thiểm Tây. Vào Đảng chưa được bao lâu, Tập Cận Bình được bổ nhiệm làm bí thư chi bộ Đảng đại đội sản xuất thôn Lương Gia Hà huyện Diên Xuyên.

Đắp đê là việc quan trọng nhất ở vùng nông thôn Thiểm Bắc khi đó, đặc biệt là vùng núi hẻo lánh. Đắp đê tức là dựng một con đập lớn ở mỗi một khu sơn cốc để ngăn dòng hồng thủy, tránh cho đất màu bị bào mòn, đồng thời bảo vệ trang trại và lương thực. Lão Lương nói: “Tập Cận Bình đắp ba con đập, đào 42 hồ khí mê tan, khơi một chiếc giếng lớn. Trong chưa đầy 2 năm, làm không ít việc như vậy, quả không phải đơn giản”. Tập Cận Bình ở Lương Gia Hà gần 7 năm, năm 22 tuổi rời khỏi vùng nông thôn này, và là một trong 12 thanh niên trí thức Bắc Kinh đến thôn Lương Gia Hà năm đó ra đi muộn nhất.

“Thích đọc sách”, “ham học” là đánh giá của người dân thôn Lương Gia Hà dành cho Tập Cận Bình. Trong kí ức của họ, Tập Cận Bình thường xem những “cuốn sách dày như gối để gối đầu”, trong đó có Mác - Lê, dường như cũng có cả Toán, Lý, Hóa. “Lúc ấy chưa có điện, ông ấy đọc sách dưới ánh đèn dầu, có lúc ăn cơm cũng cầm quyển sách”, Thạch Xuân Dương, một người ở thôn Lương Gia Hà kể.

______________

Đón đọc bài tiếp theo: Tập Cận Bình: Hai lần đệ đơn xin vào Đảng vào 10h00 ngày 16/11/2012

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Phúc (theo Tân Hoa xã, Nhân dân nhật báo và một số báo Trung Quốc) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN