Sàm sỡ phụ nữ phạt 200 ngàn, đổi 100 USD phạt trăm triệu: Cử tri muốn tăng mức phạt

Sự kiện: Thời sự

So sánh mức xử phạt đối với người có hành vi sàm sỡ trong thang máy là 200.000 đồng và mức phạt người đổi 100 USD tại cửa hàng vàng (không có cấp phép thu đổi ngoại tệ) của một công dân ở Cần Thơ là 90.000.000 đồng, nhiều cử tri kiến nghị cần có sự "công bằng" hơn.

Sàm sỡ phụ nữ phạt 200 ngàn, đổi 100 USD phạt trăm triệu: Cử tri muốn tăng mức phạt - 1

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn.

Sáng 20/5, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã có báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.

Vẫn còn nhiều vấn đề gây bức xúc dư luận

Theo đó, ông Trần Thanh Mẫn cho biết, trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, cử tri, nhân dân băn khoăn khi thị trường “đầu ra” của một số nông sản còn gặp nhiều khó khăn; đầu tư cho nông nghiệp còn thấp; ứng dụng khoa học kỹ thuật còn chậm; bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến rất phức tạp...

Việc niêm yết giá dịch vụ tại nhiều lễ hội chưa được kiểm soát; việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng như “dâng sao giải hạn”, “thỉnh vong” để trục lợi ở một số nơi gây bức xúc dư luận.

Ngoài ra, cử tri, nhân dân cả nước vẫn hết sức lo lắng trước việc liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm chết nhiều người. Tình trạng nhiều lái xe sử dụng rượu, bia, ma túy dẫn đến mất khả năng kiểm soát hành vi, gây tai nạn nghiêm trọng; việc tổ chức thi và cấp giấy phép lái xe còn lỏng lẻo.

Ông Mẫn cũng cho hay, cử tri, nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao việc Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo tổng rà soát công tác cán bộ từ Trung ương đến địa phương, phát hiện và xử lý nghiêm nhiều trường hợp sai phạm. Công tác cán bộ và quản lý cán bộ, công chức có nhiều tiến bộ.

Tuy nhiên, báo cáo của MTTQ cũng lo ngại về tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, tiêu cực trong tuyển dụng, chuyển ngạch công chức, viên chức. Nhiều cử tri đề nghị, Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ, các cơ quan chức năng và các địa phương thường xuyên rà soát, tăng cường công khai, minh bạch trong tuyển dụng, thi tuyển và thi chuyển ngạch đối với công chức, viên chức.

Cử tri, nhân dân cũng hoan nghênh và ủng hộ Đảng, Nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; xử lý, kỷ luật nghiêm những cán bộ lãnh đạo có vi phạm, kể cả đương chức hay nghỉ hưu, thực hiện nguyên tắc “không có vùng cấm” trong đấu tranh chống tham nhũng.

Tuy nhiên, công tác phát hiện, xác minh, điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án còn chậm; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp; tình trạng “nhũng nhiễu”, “tham nhũng vặt” của một bộ phận công chức, viên chức chưa được khắc phục. Do đó, cử tri, nhân dân đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục có những giải pháp quyết liệt, mạnh tay hơn nữa.

Phạt 200 ngàn đồng kẻ sàm sỡ khiến dư luận bức xúc

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, cử tri cũng kiến nghị phải có giải pháp tối ưu trong phân loại, xử lý rác thải, khuyến khích xã hội hóa việc xử lý rác thải; kiên quyết, kịp thời đấu tranh trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm liên quan đến ma túy, vi phạm trật tự an toàn giao thông, an ninh mạng, tội phạm công nghệ cao, băng nhóm “xã hội đen”…

Trình bày báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội cho biết: Cử tri các tỉnh Tây Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng... cho rằng, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình cần sớm được rà soát để sửa đổi, bổ sung, đặc biệt với các hành vi “cố ý tố cáo sai sự thật”; hành vi quấy rối tình dục, để phù hợp với tình hình thực tế.

“Đồng thời, sửa đổi các mức xử phạt trong các nghị định cần nghiêm khắc hơn, đảm bảo tính răn đe, xử lý mạnh và nghiêm minh, tránh để tình trạng như vừa qua với hành vi sàm sỡ nữ sinh trong thang máy tại một chung cư ở Hà Nội. Với mức xử phạt hành chính đối với người vi phạm chỉ có 200.0000 đồng (theo điểm a khoản 1 Điều 5 của Nghị định 167 ), khiến dư luận bức xúc, tác động xấu về dư luận xã hội, do mức phạt còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe”, bà Hải nói.

Cũng theo bà Hải, cử tri Bến Tre, An Giang… cho rằng, mức xử phạt hành chính trong nhiều trường hợp cũng còn rất chung chung, chưa phân biệt rõ giữa mức độ vi phạm với mức xử phạt tương ứng. Mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong một số lĩnh vực khác nhau còn có sự chênh lệch, thiếu công bằng, không phù hợp với thực tế (quá nặng, hoặc quá nhẹ) nên chưa được người dân đồng tình ủng hộ.

Ví dụ, khi so sánh mức xử phạt giữa hành vi sàm sỡ trong thang máy là 200.000 đồng và mức phạt đối với hành vi đổi 100 USD tại cửa hàng vàng (nơi không được phép thu đổi ngoại tệ) của một công dân ở Cần Thơ là 90.000.000 đồng, bà Hải cho biết, nhiều cử tri kiến nghị cần có sự "công bằng" hơn trong các trường hợp tương tự như vậy...

Kẻ sàm sỡ ”Hùng 200k” xuất hiện trong thang máy, chung cư Hà thành náo loạn

Người dân khu chung cư Gold Season ở Nguyễn Tuân (Hà Nội) vừa có phen tá hỏa, lo lắng khi phát hiện Đỗ Mạnh Hùng – người...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Anh ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN