Phạt người bán vé số: Công ty XSKT Ninh Thuận nói gì?

Sự kiện: Thời sự Ninh Thuận

Tuy quyết định xử phạt của Thanh tra Sở Tài chính Ninh Thuận ghi rõ "bán vé số dạo" nhưng chủ tịch Hội đồng xổ số kiến thiết miền Trung vẫn khẳng định: Tất cả trường hợp đã bị thanh tra sở này xử phạt không phải là những người bán vé số dạo.

“Tôi khẳng định tất cả trường hợp từ trước đến nay bị Thanh tra Sở Tài chính Ninh Thuận xử phạt về việc bán vé số sai địa bàn đều là các đầu nậu chứ không phải là những người bán vé số dạo”. Ngày 8-9, ông Nguyễn Khoa Hào, Chủ tịch Hội đồng xổ số kiến thiết (XSKT) miền Trung, Giám đốc Công ty TNHH MTV XSKT Ninh Thuận, nói với Pháp Luật TP.HCM về việc cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận bắt, xử phạt người bán vé số miền Nam trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

“Bộ Tài chính khẳng định chúng tôi làm đúng”

Thưa ông, kinh doanh xổ số đúng địa bàn lẽ ra phải áp dụng xử phạt những người phân phối và phát hành vé số chứ sao lại xử phạt những người bán vé số dạo?

Ông Nguyễn Khoa Hào: Trước khi triển khai kiểm tra xử phạt, Công ty XSKT Ninh Thuận đã có thời gian hơn ba tháng tổ chức tuyên truyền bằng các hình thức như in hàng ngàn tờ rơi rồi phát sóng trên đài truyền thanh, truyền hình những quy định về kinh doanh xổ số đúng địa bàn.

Liên quan đến việc xử phạt này, sáng 8-9, Bộ Tài chính đã làm việc với tôi và khẳng định tỉnh Ninh Thuận đã xử lý đúng quy định của pháp luật. Theo đó, Điều 2 Nghị định 98/2013 đã quy định cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số quy định tại nghị định này. Có nhiều ý kiến cho rằng cá nhân ở đây phải là những đại lý phát hành vé số. Tuy nhiên, theo tôi hiểu như vậy là suy diễn.

Thưa ông, với tư cách là chủ tịch Hội đồng XSKT miền Trung, có khi nào hội đồng nhìn lại cách kinh doanh của mình. Trong khi vé số miền Nam giá 10.000 đồng/vé xổ sáu số trúng đặc biệt 1,5 tỉ đồng, còn vé số miền Trung cũng có giá 10.000 đồng/vé nhưng xổ năm số và trúng đặc biệt chỉ được 250 triệu đồng. Việc khách hàng chọn mua vé số miền Nam do giải thưởng cao là bình thường và thị trường có cầu thì có cung?

Thị trường XSKT miền Trung khác với miền Bắc và miền Nam. Chúng tôi đã có đến ba năm thử nghiệm xổ sáu số trúng thưởng đặc biệt mỗi tờ 1,5 tỉ đồng nhưng do doanh số tăng trưởng quá chậm, thậm chí có những công ty tăng trưởng âm. Trong khi trước đây khi xổ năm số tăng rất nhanh. Vì vậy từ tháng 4-2016, Hội đồng XSKT miền Trung đã xem xét, thống nhất trở lại xổ năm số. Tôi cũng phải nói cho rõ, dù trúng đặc biệt mỗi tờ chỉ 250 triệu đồng nhưng chúng tôi cơ cấu có đến 20 tờ trúng đặc biệt. Cho nên tổng cộng giải thưởng lên đến 5 tỉ đồng, trong khi trước đây xổ sáu số ở khu vực miền Trung cơ cấu hai vé trúng đặc biệt chỉ 3 tỉ đồng.

“Phạt đầu nậu, chưa phạt người bán lẻ, bán dạo”

Trở lại việc xử phạt người bán vé số dạo, thưa ông, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 98/2013 đưa ra hai hình thức xử phạt hành vi là cảnh cáo và phạt tiền. Những người bán lẻ vé số đa phần là người nghèo, không có khả năng đóng phạt và cơ quan chức năng cũng khó thể áp dụng biện pháp cưỡng chế thu tiền phạt nhưng vì sao tỉnh Ninh Thuận không áp dụng hình phạt cảnh cáo?

Thực chất đoàn liên ngành của tỉnh lâu nay xử phạt là đối với các đầu nậu chứ chưa làm đến những người bán vé số lẻ, bán dạo. Những người này thường trực tiếp vào TP.HCM hoặc đến huyện Tuy Phong (Bình Thuận) lấy vé số với số lượng lớn về phân phối cho những người bán lẻ. Trường hợp hôm 1-9 tại trước chợ Phan Rang cũng là một đầu nậu.

Xin phép cắt lời ông, người bán vé số chỉ cầm trên tay chín tờ vé số mà gọi là đầu nậu ư?

Không, lúc đó người này đã tẩu tán tang vật rồi. Tang vật là vé số miền Nam đựng trong giỏ xách đã có một người chạy xe ôm giật mang đi giấu. Vì vậy, lúc kiểm tra thì trên tay người này chỉ còn lại chín tờ vé số.

Thưa ông, rất khó nhận biết đâu là người bán vé số lẻ, đâu là đầu nậu. Bởi muốn kết luận phải có các chứng cứ cụ thể, như bằng hình ảnh hoặc quay phim lại những người này đã nhận vé số với số lượng lớn mang về phân phối cho người bán lẻ?

Thực tế lực lượng kiểm tra liên ngành muốn xử phạt một trường hợp phải mất rất nhiều thời gian theo dõi. Có trường hợp phải theo dõi từ 10 ngày đến hai tuần mới có thể xử phạt được. Một lần nữa tôi khẳng định tất cả trường hợp từ trước đến nay bị Thanh tra Sở Tài chính Ninh Thuận xử phạt không phải là những người bán vé số dạo.

Xin cám ơn ông.

Phạt đầu nậu vé số cũng là cảm tính!

Một trong những nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính đó là “chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định”. Do kinh doanh xổ số là ngành nghề có tính đặc thù chứ không đơn thuần mua đi bán lại nên để làm rõ khái niệm này và xem có căn cứ xử phạt hay không thì ngoài Nghị định 98/2013 còn phải áp dụng Nghị định 30/2007 và Nghị định 78/2012.

Theo Nghị định 30/2007 và Nghị định 78/2012, kinh doanh xổ số là hoạt động kinh doanh dựa trên các sự kiện có kết quả ngẫu nhiên, được tổ chức theo nguyên tắc doanh nghiệp thu tiền tham gia dự thưởng của khách hàng và thực hiện trả thưởng cho khách hàng khi trúng thưởng. Không phải ai cũng được quyền kinh doanh xổ số mà chỉ có doanh nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xổ số mới được phép tổ chức hoạt động kinh doanh xổ số. Đồng thời, doanh nghiệp kinh doanh xổ số cũng chỉ được thực hiện kinh doanh trên địa bàn toàn quốc hoặc tại từng khu vực theo quy định của Bộ Tài chính. Từ các quy định này, tôi cho rằng đối tượng bị xử phạt theo Điều 38 Nghị định 98/2013 không phải là người bán vé số dạo.

Xét thêm nữa, những người bán vé số dạo thông thường là người không nghề nghiệp chuyên môn, sức khỏe yếu hoặc tàn tật, đa phần họ là người nghèo. Thu nhập từ công việc bán vé số dạo có lẽ cũng chỉ đủ lo cho cuộc sống cơ bản của cá nhân, trong khi mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về địa bàn kinh doanh xổ số theo khoản 1 Điều 38 Nghị định 98/2013 là 15 triệu đồng (mức trung bình của khung). Với mức phạt như vậy thì người bán vé số dạo có chấp hành quyết định xử phạt được không? Nếu không khả thi thì ra quyết định phạt để làm gì?

Còn nếu cho rằng chỉ xử lý đầu nậu thì đây cũng là một khái niệm mơ hồ và mang cảm tính. Thế nào là đầu nậu? Nếu đã nói là đầu nậu thì sao lại phạt họ kinh doanh xổ số không đúng địa bàn? Ở đây đã có sự xử lý thiếu logic, mà quan trọng nhất thì hành vi này không có quy định việc chế tài.

Luật sư LÊ VĂN HOAN (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nam (Pháp luật TPHCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN