Pháo hoa và pháo hoa nổ được bắn vào những dịp nào?

Sự kiện: Thời sự

Người dân được phép bắn pháo hoa vào các dịp lễ, tết, sinh nhật… nhưng với pháo hoa nổ thì bị cấm tuyệt đối.

Nghị định 137/2020 về quản lý, sử dụng pháo của Chính phủ ban hành sẽ có hiệu lực từ ngày 11/1/2021.

Người dân không được phép tùy tiện sản xuất, mua bán, tàng trữ hay sử dụng pháo hoa nổ. Ảnh minh họa.

Người dân không được phép tùy tiện sản xuất, mua bán, tàng trữ hay sử dụng pháo hoa nổ. Ảnh minh họa.

Theo đó, thêm nhiều trường hợp sẽ được bắn pháo hoa gồm: cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (trên 18 tuổi, không mắc bệnh tâm thần…) được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật…

Nghị định đã giải thích rõ, pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, đặc biệt không gây ra tiếng nổ. Ví dụ như loại pháo cắm trên các bánh sinh nhật…

Khác với pháo hoa là pháo hoa nổ. Đây là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Đơn cử như những màn bắn pháo hoa đêm Giao thừa do quân đội bắn.

Như vậy, theo Nghị định, người dân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được phép sử dụng pháo hoa bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, người dân chỉ được mua pháo hoa từ những tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa thuộc Bộ Quốc phòng. Còn đối với pháo hoa nổ, người dân vẫn bị cấm tuyệt đối, không được sản xuất, tàng trữ, buôn bán, sử dụng.

Tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 137 nêu, các cơ quan, tổ chức sử dụng pháo hoa nổ để biểu diễn, thi đấu phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép và do tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ sản xuất, cung cấp.

Còn Điều 11 quy định, pháo hoa nổ được tổ chức bắn trong các trường hợp sau:

Tết Nguyên đán: Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút. Thời gian bắn vào thời điểm giao thừa Tết Nguyên đán.

Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương: Tỉnh Phú Thọ được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, địa điểm bắn tại khu vực Đền Hùng. Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 9 tháng 3 âm lịch.

Ngày Quốc khánh: Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút. Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 02 tháng 9.

Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ: Tỉnh Điện Biên được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, địa điểm bắn tại Thành phố Điện Biên Phủ. Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 07 tháng 5.

Ngày Chiến thắng (ngày 30 tháng 4 dương lịch: Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút. Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 30 tháng 4.

Kỷ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút. Thời gian bắn vào 21 giờ ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Bên cạnh đó là các sự kiện văn hoá, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế. Trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Nguồn: [Link nguồn]

Người dân được phép đốt pháo hoa: Coi chừng nhầm lẫn với pháo hoa nổ

Nhiều người vẫn đang nhẫm lần giữa khái niệm pháo hoa và pháo hoa nổ nên rất dễ có hành vi vi phạm pháp luật.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN