"Ông già Biển Hồ" và những lần giành giật mạng người từ “hà bá”

Sự kiện: Thời sự

Mặc dù ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng khi có người cần, “ông già Biển Hồ” với dáng người nhỏ thó, râu tóc bạc phơ vẫn đi vớt xác, cứu người.

Lời hứa làm việc thiện

Chúng tôi đến thăm nhà "ông già Biển Hồ" - Quách Trọng Hoan (79 tuổi, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) vào một buổi chiều mưa rả rích. Không khó để tìm được đến nhà ông, bởi ở đây mọi người đã quá quen thuộc với cái tên “ông già Biển Hồ” với “nghề” cứu người và vớt xác.

"Ông già Biển Hồ" Quách Trọng Hoan nhớ lại những câu chuyện vớt xác, cứu người

"Ông già Biển Hồ" Quách Trọng Hoan nhớ lại những câu chuyện vớt xác, cứu người

Khi chúng tôi đến, ông Hoan đang ngồi trước sân nhấp chén trà đặc. Với thân hình nhỏ thó, bộ râu dài, ông nhấc từng bước nặng nhọc do bị đau chân để lấy ly rót nước mời khách.

“Mấy hôm trước trên đường đi cứu người về, trời mưa lớn khiến đường trơn, chẳng may tôi bị trượt chân té ngã. Giờ chân hơi nhức tí, mong là không bị sao để khi có ai cần tôi còn có thể giúp được”, ông Hoan chia sẻ.

Mặc dù đã ở cái tuổi gần đất xa trời, ông vẫn nhớ như in những ngày đầu nhập ngũ để bảo vệ đất nước. Khi đó là vào năm 1965, ông còn là thanh niên trai tráng nên lên đường tham gia nhập ngũ. Đến năm 1968, đơn vị của ông di chuyển vào TP Pleiku (Gia Lai) thì bất ngờ trúng phục kích của quân địch. Chẳng may ông bị trúng đạn nên được 2 người đồng đội cõng đi chữa trị.

Khi đi ngang qua khu vực Biển Hồ, ông nhìn thấy một bức tượng Phật nên đã dừng lại để cầu nguyện và hứa rằng “Nếu sau chiến tranh còn sống sót sẽ về làm việc tốt để giúp đời, giúp người”. Sau khi khỏe lại, ông theo học đại học rồi lập gia đình.

Số điện thoại cùng dòng chữ “Ai cần, gọi tôi” trước cửa nhà để mọi người có thể liên lạc với ông khi cần

Số điện thoại cùng dòng chữ “Ai cần, gọi tôi” trước cửa nhà để mọi người có thể liên lạc với ông khi cần

Không quên lời hứa năm xưa, ông đưa cả gia đình mình vào Gia Lai để sinh sống và làm việc. Khi thấy các con mình đã lớn, có thể tự lo cho cuộc sống, ông quyết định bỏ phố phường, bỏ cuộc sống nhàn hạ rồi một mình mang theo vài bộ quần áo lên khu vực Biển Hồ sinh sống. Thời gian đầu không có nhà ở, ông mượn nhờ đất của người dân dựng tạm căn lều che mưa che nắng. Đến năm 1991 ông mới tích góp để mua được mảnh đất nhỏ tại khu vực này. Hằng ngày ông trồng rau, cây xanh, nhặt rác thải để giúp môi trường ngày một trong lành hơn.

Bên cạnh đó, khi có người tự tử, ông Hoan đều cố gắng hết sức để bơi ra cứu. Có những người xấu số ông không cứu kịp thì ông vớt xác lên để bàn giao lại cho gia đình lo hậu sự.

“Ai cần, gọi tôi”

Nhấp ngụm nước ấm, ông Hoan ngược dòng kí ức về một buổi sáng năm 2001. Khi đó, ông đang làm việc tại khu vực cầu treo thì phát hiện một chiếc thuyền gỗ chở theo gần chục học sinh chông chênh trên dòng nước. Thấy thuyền mấp mé nước, trời lại sắp mưa to, có thể chìm bất cứ lúc nào nên ông la lớn yêu cầu người lái quay đầu vào bờ.

Tuy nhiên, mọi người trên thuyền gạt ngang lời ông nói, cứ thế cho thuyền đi ra giữa dòng, mặc cho thuyền lắc lư, chao đảo. Nhìn những em học sinh trên thuyền không áo phao, ông Hoan vô cùng lo lắng, cứ thế gọi với theo nhưng chiếc thuyền dần khuất bóng. Khi đó, ông chỉ biết cầu mong mọi chuyện bình an với các em.

Nhưng chỉ sau nửa tiếng, một em học sinh hớt hải chạy đến nhờ ông ra ứng cứu vì chiếc thuyền đã bị nước nhấn chìm. Ông Hoan vội dừng công việc và tức tốc chạy ra địa điểm gặp nạn với hi vọng cứu được các em. Đến nơi, ông vội nhảy xuống dòng nước sâu, lạnh toát để đưa mọi người lên bờ. Tuy nhiên, ông nhờ sự giúp đỡ của mọi người chỉ đưa được 7 người vào bờ an toàn. Còn 6 em học sinh đã bị hà bá cướp đi mạng sống.

Đền Vạn Linh nơi ông nhang khói mỗi ngày cho những người đã khuất

Đền Vạn Linh nơi ông nhang khói mỗi ngày cho những người đã khuất

Những ngày tháng sau, người đàn ông ấy cứ day dứt mãi không yên nên đã xây Đền Vạn Linh nhằm hương khói cho những người bị đuối nước ở khu vực này. Để thuận tiện cho việc cứu người, ông Hoan ghi số điện thoại của mình trên cửa nhà kèm dòng chữ “Ai cần, gọi tôi” để mỗi khi có người gặp nạn mọi người gọi ông sẽ lập tức có mặt để giúp đỡ.

Cũng theo người đàn ông U80 này, vào năm 2012, có một cô gái khoảng 20 tuổi nghĩ quẩn gieo mình xuống dòng nước dữ, tử vong. Sau nhiều ngày thông báo chẳng có người thân nào đến nhận, ông mang thi thể cô gái xấu số ấy đi chôn cất và thờ cúng như người thân của mình. Mỗi năm cứ tới ngày đó, ông lại làm giỗ, thắp nén nhang để cô gái cảm nhận được sự ấm cúng.

Hướng ánh mắt về phía dòng nước mênh mông, ông Hoan buồn rầu kể, vào cuối năm 2018, ông nhận được cuộc gọi của người dân báo tin một nữ sinh nhảy xuống hồ tự tử. Lập tức ông xách xe chạy đến địa điểm để tìm kiếm. Sau một hồi vật lộn với dòng nước, ông cũng đưa được nữ sinh lên bờ, tuy nhiên em đã tử vong.

“Sau khi đưa thi thể cháu lên bờ, gia đình cháu ngất lên ngất xuống trước sự ra đi của con mình. Tôi thấy thương cháu, thương gia đình cháu lắm. Tôi đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không cứu được cháu.”, ông Hoan buồn rầu nói.

Ông Hoan nhận giải thưởng Kova do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình ký sau những việc làm nhân văn, cao thượng

Ông Hoan nhận giải thưởng Kova do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình ký sau những việc làm nhân văn, cao thượng

Đến nay ông Hoan đã cứu sống được 10 người và vớt 85 thi thể bị đuối nước. Mặc dù đã ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng mỗi khi có người cần giúp đỡ, ông lại vội vã chạy đi mà không suy nghĩ bất cứ điều gì.

“Tôi cứu người để giúp người và thực hiện lời hứa trước đây của mình. Những việc tôi làm tôi không mong ai báo đáp lại. Tôi chỉ hi vọng những người còn sống hãy yêu lấy bản thân mình, đừng bao giờ nghĩ quẩn nữa”, ông Hoan nói.

Năm 2011, ông Hoan vinh dự được nhận giải thưởng Kova. Đây là một giải thưởng lớn tôn vinh những tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội có những việc làm nhân văn, cao thượng. Qua đó nhằm nhân rộng hơn nữa các nghĩa cử này, góp phần làm cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp.
Kí ức đau lòng của người đàn ông 30 năm vớt xác chết trên sông Hồng

Mỗi lần vớt được thi thể trôi sông, trong tâm trí của người đàn ông sương gió này lại một lần khắc sâu ký ức đau...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo An Nhiên ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN