Đại gia đình chuyên vớt xác, cứu người

Sinh ra và lớn lên trên dòng sông Hương xứ Huế, anh em lão ngư Nguyễn Văn Nết (SN 1956) nối nghiệp gia đình làm nghề sông nước. Đến khi lên bờ định cư, họ vẫn gắn bó với nghề, và vẫn giữ nguyên tấm lòng thiện nguyện khi cứu được nhiều người nhảy sông, giúp nhiều gia đình tìm được thi thể người thân chết đuối...

Đau đáu những kỷ niệm

Xuất thân là dân vạn đò ở vùng Vĩ Dạ trên sông Hương, ông Nết là đời thứ tư, con thuyền trên sông Hương vừa là nhà, vừa là phương tiện mưu sinh của cả gia đình. Cũng như những cư dân vạn đò khác, gia đình ông Nết cùng các anh em ruột hàng ngày ngược xuôi trên dòng sông Hương thả lưới đánh bắt con tôm, con cá mưu sinh qua ngày.

“Cha tôi là một thợ lặn nổi tiếng vùng sông Hương. Anh em tôi cũng thừa hưởng kinh nghiệm lặn giỏi từ ông, lặn xuống đáy sông sâu hơn hai chục sải tay người lớn là chuyện bình thường. Vì thế, anh em tôi còn đi lặn thuê để tìm những con tàu đắm trên biển, hay nhận các trụ cầu cũ dưới sông để lặn xuống cưa lấy sắt phế liệu… Và lặn sông tìm xác người  như cái nghiệp đã ngấm vào mấy anh em tôi, sau những lần được đi theo phụ giúp cha chèo thuyền, đưa xác nạn nhân lên bờ” - ông Nết chia sẻ.

Đại gia đình chuyên vớt xác, cứu người - 1

Lão ngư Nguyễn Văn Nết kể chuyện cứu người, vớt xác

Những vụ cứu người, tìm kiếm thi thể người luôn để lại trong ông những kỷ niệm buồn. Ông Nết nhớ, năm 1988, khi phát hiện một thi thể trôi dạt vào bờ sông An Cựu ở cầu Kho Rèn, rất nhiều người dân hiếu kỳ và người đi đường dừng xe chen lấn nhau trên cầu để xem lực lượng chức năng khám nghiệm tử thi, dù trời mưa tầm tã. Cầu Kho Rèn thời điểm ấy đã rất “già nua”, nên khi dòng người đông đúc chen lấn đã làm lan can cầu bị gãy, kéo theo một mảng lớn mặt cầu cùng mấy chục người đang đứng trên cầu rơi xuống sông. Trong cơn hoảng loạn, họ bấu víu vào nhau nên rất nhiều người thiệt mạng trước khi được đưa lên bờ. “Vụ sập cầu Kho Rèn năm ấy thật kinh hoàng, tiếng khóc than dậy cả khúc sông... Chúng tôi ngụp lặn dưới nước từ 10h đêm đến 2h sáng vớt hơn 30 thi thể. Lúc ấy, ai cũng đã thấm mệt, nhưng do vẫn còn nạn nhân chưa được tìm thấy, nên ai cũng cố gắng tiếp tục lặn...” - ông Nết kể lại với cặp mắt hoe đỏ.

Đại gia đình ông Nết không thể nhớ hết đã lặn vớt bao nhiêu nạn nhân xấu số trong mấy chục năm qua, từ những trường hợp nạn nhân dại dột nhảy xuống sông tự tử vì tình, đến người bị tai nạn, vô tình bị sẩy chân...

Xót xa không kém là vụ hai chiếc thuyền chở cát tông nhau trên sông Hương cách đây hơn 4 năm. Ông Nết xúc động cho biết lúc lặn vào trong thuyền, ông thấy tay người mẹ vẫn nắm chặt thành nôi ru đứa con vẫn nằm trong nôi như say ngủ. Còn vụ chìm đò xảy ra trên sông Hương tháng 8/2003, nước sông Hương khi ấy rất đục, khu vực xảy ra tai nạn lại có rất nhiều hang hốc và ghềnh đá, kính thủy tinh bị vỡ lởm chởm dưới đáy sông vô cùng nguy hiểm, nên anh em ông phải nắm tay nhau dàn hàng ngang, để chẳng may có người gặp nguy hiểm thì còn biết để kịp cứu...
 
Làm việc thiện không mong ơn nghĩa

Với lão ngư Nguyễn Văn Nết, lặn sông tìm xác là việc làm phước chứ chẳng có thù lao. “Mỗi lần lặn vớt xác, gia đình nào có điều kiện tạ lễ cho vài trăm ngàn, anh em tôi dùng mua đồ cúng bái thần linh sông nước và người đã khuất, còn bao nhiêu thì mua ít rượu để uống cho đỡ lạnh sau khi lặn…” - ông Nết nói. Như sau cơn bão đổ bộ vào Thừa Thiên – Huế năm 1999, mấy anh em ông Nết được người dân thuê lặn vớt tôn, sắt thép đã bị cuốn trôi ở khu vực chân cầu Thuận, thì phát hiện xác người bị chết đang trong giai đoạn phân hủy. Sau khi đưa xác nạn nhân lên bờ mà không thấy thân nhân đến nhận, anh em ông Nết đành bỏ tiền túi ra mua ít vàng mã, hoa quả về cúng bái cho vong hồn người xấu số.

Gần chục năm nay, mấy anh em ông Nết đã được Nhà nước cấp đất lên bờ tái định cư ở thôn Lại Tân. Vợ chồng ông Nết cùng với 7 đứa con cũng đã lên bờ ở thôn La Ỷ, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang. Nhưng dù đã lên bờ và đã có tuổi, nhưng anh em ông Nết vẫn  hàng ngày gắn bó với những con thuyền ngược xuôi trên dòng Hương Giang đánh bắt tôm cá và sẵn sàng nhảy xuống nước cứu giúp khi có người cầu cứu. “Bây giờ tôm cá hiếm, ngày nào giỏi cũng chỉ kiếm được 100.000 đồng từ tiền bán tôm, cá, nhưng nghề đã là nghiệp, không bỏ được. Hơn nữa, chúng tôi giữ nghề để con cháu cũng được truyền dạy kinh nghiệm, sau này có thể giúp đỡ được người khác... ”- lão ngư Nguyễn Văn Nết chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Lợi (Giaothongvantai.com.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN