Họp báo vụ cây cổ thụ đổ đè chết học sinh: Hiệu trưởng nghẹn ngào nhận trách nhiệm

"Sự cố đáng tiếc xảy ra nhà trường không mong muốn, nhưng sự cố xảy ra rồi thì mình phải chấp nhận thôi", Hiệu trưởng trường THCS Bạch Đằng nghẹn ngào.

Clip: Họp báo vụ cây đổ đè chết 1 học sinh, 17 em bị thương

Chiều 26/5, tại Trung tâm Báo chí TP.HCM, một buổi họp báo đã được tổ chức để cung cấp thông tin về vụ tai nạn cây bật gốc đè chết một em học sinh lớp 6 tại Trường THCS Bạch Đằng (quận 3) xảy ra vào sáng cùng ngày.

Cập nhật tình hình sức khỏe của các em học sinh gặp nạn, ông Trần Quang Bá - Quyền Chủ tịch UBND quận 3 cho biết, vụ việc khiến tổng cộng 18 em học sinh gặp nạn, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại bệnh viện.

Buổi họp báo diễn ra tại Trung tâm Báo chí TP.HCM vào chiều 26/5.

Buổi họp báo diễn ra tại Trung tâm Báo chí TP.HCM vào chiều 26/5.

Cụ thể, 4 em được chuyển về Bệnh viện Sài Gòn - ITO (1 em đã xuất viện; 3 em đã mổ xương vào trưa nay, sức khỏe ổn), 8 em được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 (5 em đã xuất viện; 3 em bị gãy tay chân, ảnh hưởng cột sống), 5 em được chuyển đến Bệnh viện quận 3 (tất cả đều đã xuất viện).

Riêng trường hợp tử vong là em N.T.K. Khi chuyển vào Bệnh viện An Sinh, em K. trong tình trạng bị thương nặng và mất sau đó.

“Hoàn cảnh gia đình của nạn nhân rất khó khăn, thuộc diện hộ cận nghèo của quận. Mẹ của em K. vừa sinh con nhỏ được 3 ngày tuổi. Đây là trường hợp gia đình rất khó khăn nên nên quận chỉ đạo các cơ quan đơn vị vừa động viên vừa chia sẻ để lo tang gia cho cháu được chu toàn”, ông Bá nói và cho biết quận đã tạm ứng trước 40 triệu đồng hỗ trợ gia đình em học sinh xấu số.

Ông Bá cho biết thêm, qua sự việc cây bật gốc sáng nay, lãnh đạo UBND quận 3 đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường trên địa bàn rà soát lại tất cả cây xanh ở sân trường, tránh trường hợp đáng tiếc tương tự xảy ra.

Hiện trường cây phượng cổ thụ đổ đè chết 1 em học sinh và khiến 17 em bị thương.

Hiện trường cây phượng cổ thụ đổ đè chết 1 em học sinh và khiến 17 em bị thương.

Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan tới khoảnh khắc cây đổ và việc chăm sóc cây phượng vừa gãy đổ, thầy Nguyễn Văn Phúc - Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng cho biết: Giáo viên dạy tiết 1 thường vào trường lúc 6h30, không tập trung dưới sân. Đối với các em học sinh tới sớm thì thường ngồi ở sân trường ôn bài, ăn sáng… Sau đó, khi đến giờ thì các em sẽ lên lớp.

"Tại thời điểm cây xanh đổ, nếu đổ sau đó 15 phút thì các em không còn ngồi dưới sân. Chuyên môn về nông nghiệp thì ngành giáo dục chúng tôi không bao hàm hết được, rất là khó", thầy Phúc nói.

"Các anh chị phải hiểu, khi người ta trồng cái cây thì sẽ không có cái bồn. Trồng cây muốn khuôn viên đẹp thì xây bồn trên mặt đất cho đẹp. Phóng viên hỏi “Tại sao cây lớn mà bồn nhỏ” thì tôi chỉ ghi nhận thôi, chứ không biết trả lời sao. Tôi chỉ chia sẻ vậy thôi chứ cũng không biết nói gì thêm”, Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng nói thêm.

Về trách nhiệm của đơn vị quản lý cây phượng trong vụ việc, lần lượt đại diện Sở Xây dựng TP.HCM và Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng đã trả lời báo chí ngay tại buổi họp báo. Tuy nhiên, đại diện Sở Xây dựng không trả lời thẳng vấn đề mà chỉ chia sẻ rằng, những gốc cây trên 30cm không phù hợp với đô thị.

Đại diện Sở Xây dựng tại buổi họp báo

Đại diện Sở Xây dựng tại buổi họp báo

Tiếp lời đại diện Sở Xây dựng TP.HCM, thầy Nguyễn Văn Phúc - Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng cho biết thêm: Ngoài cây phượng vừa gãy, đổ, nhà trường còn một gốc phượng khác to hơn và một cây bàng Hồng Kông cũng khá lớn. Hằng năm, các cây xanh này đều được tỉa nhánh.

"Vào tháng 2, các cây trong sân đã được tỉa nhánh. Đến tháng 3, chúng tôi cho bón phân các cây phượng, cây bàng và các cây xung quanh. Việc chăm sóc cây, chúng tôi phải nhờ các cơ quan chuyên môn, chứ nhà trường không có chuyên môn sâu về nghiệp vụ này”, thầy Phúc nói.

Hiệu trưởng trường THCS Bạch Đằng tại buổi họp báo

Hiệu trưởng trường THCS Bạch Đằng tại buổi họp báo

Theo thầy Phúc, khi muốn đốn bỏ cây, dù trong sân hay ngoài trường đều phải xin phép. Dưới sự chỉ đạo của Sở Xây dựng TP.HCM sau sự việc đau lòng vừa qua, nhà trường và các đơn vị chức năng sẽ đốn cả cây phượng và cây bàng cổ thụ còn lại.

"Sự cố đáng tiếc xảy ra thì nhà trường không mong muốn, nhưng sự cố xảy ra rồi thì mình phải chấp nhận thôi. Bản thân tôi là hiệu trưởng nhà trường thì phải chịu trách nhiệm chính. Tài sản trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý thì mình phải chịu trách nhiệm nên phóng viên đừng nói trách nhiệm cho đơn vị nào nữa", thầy Phúc nghẹn ngào nhận trách nhiệm trong vụ việc đáng tiếc xảy ra tại chính ngôi trường do ông quản lý.

Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng nhận trách nhiệm khi xảy ra sự việc ở trường

Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng nhận trách nhiệm khi xảy ra sự việc ở trường

Clip: Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo nói về sự cố cây đổ khiến học sinh tử vong

Trước đó, lúc 6h22 sáng 26/5, một cây phượng cổ thụ cao hơn 10m, thân to hai người ôm với cành lá um tùm bất ngờ bật gốc, đè trúng nhóm học sinh đứng bên dưới. Vụ việc khiến nhiều học sinh bị thương, phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương. Đến 9h cùng ngày, 1 em học sinh lớp 6 được thông báo là đã tử vong tại bệnh viện.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, lãnh đạo Công an Thành phố đã chỉ đạo Công an quận 3 vào cuộc điều tra nguyên nhân vụ cây gãy đổ nói trên. Phó Chủ tịch Dương Anh Đức đề nghị các y bác sĩ khẩn trương, tích cực điều trị cho các cháu, để các cháu sớm hồi phục về sức khỏe và tinh thần.

Nguồn: [Link nguồn]

Vụ cây đổ ở TP.HCM: 1 học sinh bị chấn thương cột sống cổ

Trong 8 học sinh nhập Bệnh viện Nhi đồng 2 có một em bị chấn thương cột sống cổ, một em bị gãy xương đùi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Thanh - Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Cây đổ đè chết học sinh ở TP.HCM Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN