Nội tình lãnh đạo TQ thời Tập Cận Bình

Trong tháng này, ông Tập Cận Bình sẽ đảm nhận chức Chủ tịch nước Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng ông sẽ phải dung hòa các nhóm trong Đảng, và khó có khả năng tạo ra thay đổi đột phá.

Thế hệ lãnh đạo thứ nhất và thứ hai của Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc, như Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, đều là nhà lãnh đạo tối cao. Nhưng trong suốt 2 thập kỷ qua, lãnh đạo Trung Quốc nỗ lực thay đổi để nhấn mạnh vào sự lãnh đạo tập thể.

Đại hội ĐCS TQ lần thứ 18 hồi tháng 11 năm ngoái đã sắp xếp phần lớn đội ngũ lãnh đạo mới cho cuộc chuyển giao chục năm mới diễn ra một lần. Năm 2011, 5 trong 7 thành viên của Ủy ban thường vụ sẽ đến tuổi nghỉ hưu sau 5 năm công tác. Chỉ có hai lãnh đạo tối cao của Trung Quốc là chủ tịch tương lai Tập Cận Bình và thủ tướng tương lai Lý Khắc Cường vẫn còn tại nhiệm vào năm 2017.

Hiện tại có hai phái chính đang cạnh tranh quyền lực trong nội bộ Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị TQ. Các thành viên của “Nhóm Thượng Hải” do cựu Tổng bí thư Giang Trạch Dân đứng đầu có quan hệ thân thiết với tầng lớp thương nhân giàu có. Phái thứ hai được gọi là “Đoàn phái” dẫn đầu bởi Chủ tịch sắp mãn nhiệm Hồ Cẩm Đào, xuất thân từ Đoàn thanh niên Cộng sản.

Nội tình lãnh đạo TQ thời Tập Cận Bình - 1

Ông Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình vỗ tay khi ông Lý Khắc Cường đi qua

Hầu hết các thành viên của Bộ Chính trị và bí thư Đảng cấp tỉnh có khả năng được đề cử trong nhiệm kỳ mới từ năm 2017 đều trưởng thành từ Đoàn thanh niên Cộng sản, theo trang ConnectedChina của hãng tin Reuters chuyên theo dõi sự nghiệp chính trị và mối liên hệ giữa các nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc.

Dù sự sắp xếp của Bộ Chính trị hồi tháng 11 năm ngoái nói lên mối liên hệ rõ ràng với ông Giang Trạch Dân, các nhà phân tích cho rằng phe của ông Hồ Cẩm Đào sẽ chiếm ưu thế trong dài hạn.

Nhóm thứ ba cũng đang trưởng thành nhanh chóng, gồm con của những nhà lãnh đạo cách mạng. Nhân vật chủ chốt là ông Tập và các thành viên của Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị gồm Du Chính Thanh, Vương Kỳ Sơn và Trương Đức Giang.

Ông Tập là Tổng bí thư ĐSC đầu tiên ở Trung Quốc lên nắm quyền trong khi hai người tiền nhiệm đều còn sống. Điều đó nghĩa là ông Tập phải tạo ra sự đồng thuận giữa các nhóm liên quan tới hai người tiền nhiệm thay vì trở thành một tác nhân cho sự cải tổ, các nhà phân tích chính trị nhận xét.

6 trong 7 thành viên của Ủy ban thường vụ đều có quan hệ với ông Giang Trạch Dân, người từng nắm chức vụ tối cao trong ĐCS cách đây hơn 1 thập kỷ. Thủ tướng tương lai Lý Khắc Cường, người có quan hệ với ông Hồ Cẩm Đào trong những năm 1980, là thành viên duy nhất của Ủy ban thường vụ được coi là thân tín của ông Hồ Cẩm Đào và thuộc nhóm “Đoàn phái”.

Nhưng ông Giang, năm nay 86 tuổi, là cấp trên của ông Hồ Cẩm Đào trong suốt 16 năm. Rất ít thân tín của ông Giang còn công tác khi các thành viên của Ủy ban thường vụ nghỉ hưu vào năm 2017.

Những nhóm kiểu này ít khi còn tồn tại sau khi người đứng đầu không còn, Jiangnan Zhu, phó giáo sư nghiên cứu chính trị Trung Quốc tại Hong Kong, nhận xét.

“Thông thường khi người bảo trợ không còn, những người đi theo khó gắn bó với nhau được lâu, dẫn tới nhóm tan rã. Đó là trường hợp của Chủ tịch Mao Trạch Đông, người có quyền lực nhất trong lịch sử ĐCS Trung Quốc”, Zhu nói.

Cơ sở quyền lực của ông Tập Cận Bình là quân đội, nơi trưởng thành của nhiều con cháu thế hệ cách mạng.

Theo dữ liệu của Reuters, cho đến nay ông Tập Cận Bình không có quan hệ thân thiết với các thành viên trong ĐCS và chính phủ. Trong số 14 thành viên của Bộ Chính trị thích hợp cho nhiệm kỳ sau vào năm 2017 thì chỉ có 2 người được coi là có quan hệ gần gũi với ông Tập Cận Bình, đó là ông Lật Chiến Thư và Hứa Kỳ Lượng. Ông Lật, chánh văn phòng Trung ương Đảng, được cho là có mối quan hệ khá thân thiết với ông Tập Cận Bình khi cả hai người từng là việc ở tỉnh Hà Bắc năm 1980. Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Hứa Kỳ Lượng được cho là khó có khả năng được bầu vào Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị.

Theo các nhà phân tích, ông Tập Cận Bình sẽ không có đủ thời gian để xây dựng phái riêng, mà chỉ có thể dành thời gian để tạo dựng sự đồng thuận trong đội ngũ lãnh đạo chóp bu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thạch Vũ (theo Reuters) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN