Nỗi lo đứt gánh mưu sinh

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Thất nghiệp, đói khổ cùng nỗi lo dịch bệnh nơi đất khách quê người khiến hàng chục nghìn người Tây Nguyên phải tháo chạy khỏi miền đất hứa. Hơn ai hết, họ luôn mong dịch bệnh nhanh qua để kiếm kế sinh nhai.

Anh Thứk đang cách ly tại nhà, mong hết dịch bệnh để vào Nam mưu sinh

Anh Thứk đang cách ly tại nhà, mong hết dịch bệnh để vào Nam mưu sinh

Bên khung cửa sổ, Thứk (24 tuổi, người Ja Rai, xã Hà Bầu, huyện Đắk Đoa, Gia Lai) nhìn xa xăm. Còn 2 ngày nữa, Thứk sẽ hết thời gian cách ly tại nhà phòng chống dịch COVID-19. Trước đó, nam thanh niên cũng chấp hành xong quy định cách ly tập trung 14 ngày do về từ vùng dịch Bình Dương.

“Để đảm bảo sức khỏe cho vợ con, bố mẹ, em sang ở nhà bạn cùng thực hiện cách ly do về từ Bình Dương. Sau khi hoàn thành quy định cách ly, em sẽ tìm việc làm gần nhà vì trong túi đã hết tiền từ lâu”, Thwsk nói.

Thứk chính là 1 trong 4 thanh niên cuốc bộ từ Bình Dương về quê, sau đó được UBND huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) phát hiện, tạo điều kiện đưa về quê an toàn vào ngày 1/8.

Nói về quyết định cuốc bộ về quê, Thứk cho hay, mới xuống Bình Dương làm công nhân được 2 tháng thì dịch COVID-19 ập tới. Thứk và nhóm bạn thất nghiệp, đói cái bụng nên rủ nhau về quê. Xe khách không chạy, xe máy cũng không có, 4 thanh niên cùng làng Bầu chọn cách đi bộ.

“Đây là lần đầu em rời quê, vì hoàn cảnh quá. Nhà chỉ có 1 sào đất, 2 vợ chồng em đi làm thuê kiếm tiền nuôi con nhưng công việc ở quê không ổn định, ngày có ngày không. Nghe bạn cùng làng rủ vào Nam làm công nhân có nhiều tiền, em xếp tạm vài bộ quần áo đi theo. Lần đầu trong đời, em nhận được tiền lương 8 triệu đồng/tháng, số tiền quá lớn so với ở quê, công việc lại nhẹ hơn. Tuy nhiên, mới làm được tháng thứ 2 thì dịch bệnh hoành hành, công ty cho nghỉ việc, không còn cách nào, em cùng nhóm bạn về quê. Bây giờ sức khỏe đã ổn, em chỉ mong dịch bệnh nhanh được khống chế, em sẽ quay lại Bình Dương tiếp tục làm công nhân”, Thứk chia sẻ ý định vào Nam sau khi hết dịch.

Cũng đang trong thời gian cách ly sau khi về từ tâm dịch TP Hồ Chí Minh vào ngày 15/8, chị H’Huynh Brông (39 tuổi, người M’nông, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, Đắk Lắk) cho hay, chị rất lo cho đường mưu sinh sắp tới của gia đình. Chị H’Huynh đang mang thai con thứ 2 được 4 tháng. Vì mong có ít tiền lo sinh nở, tháng 3/2021, chị H’Huynh xuống TP Hồ Chí Minh làm công nhân nhưng mới làm được vài tháng thì bị thất nghiệp. Tiền tích góp cạn dần, chị H’Huynh được UBND tỉnh Đắk Lắk bố trí đoàn xe đón về theo diện ưu tiên phụ nữ mang thai.

“Nhà có 1 sào lúa nước, chồng cũng đi làm thuê quanh năm, nhưng giờ dịch dã cũng ít việc. Được về nhà, tôi cũng yên tâm song sẽ sớm tìm việc, kiếm tiền để dành sinh nở. Nếu có ít vốn liếng, tôi sẽ mua lợn giống về nuôi, còn không phải khi dịch giã ổn định, sinh con xong tôi cũng quay vào Nam làm công nhân”, chị H’Huynh tâm sự.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk cho biết, số lượng công dân Đắk Lắk làm việc ở các tỉnh thành phía Nam về rất nhiều. Sở đã yêu cầu các huyện rà soát, lập danh sách ghi rõ nguyện vọng tiếp tục trở lại nơi làm việc cũ hay có nhu cầu tìm việc khác… Từ đó, Sở sẽ lập phương án cụ thể, tham mưu UBND tỉnh để có hướng hỗ trợ, tạo điều kiện kịp thời cho người dân.

Theo một lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk, người dân Tây Nguyên nói chung phải ly hương để “Nam tiến” phần lớn thuộc những gia đình thiếu đất đai sản xuất. Thời gian này tiêu, cà phê xuống giá, nhiều nông dân rơi vào cảnh nợ nần, bế tắc. Hơn nữa, đối với các loại cây công nghiệp trên địa bàn, nông dân mỗi năm chỉ thu hoạch một lần nên không có thu nhập hằng tháng để chi tiêu. Hiện tại, tỉnh Đắk Lắk có rất ít nhà máy, cơ sở chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch. Kể cả ở khu vực thành thị và nông thôn, số người trong độ tuổi lao động nhiều. Các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh không giải quyết hết nguồn lao động tại tỉnh. Vì vậy, nhiều người phải ly hương, tìm việc ở những tỉnh, thành lớn.

Do đó, để nông dân, nhất là khu vực nông thôn có thể ổn định cuộc sống mà không cần phải tha hương cần có thời gian dài và có chiến lược cụ thể. Trong đó, chính quyền cần thu hút mạnh mẽ hơn nữa các doanh nghiệp- nhất là các doanh nghiệp về nông nghiệp - đầu tư về địa phương nhằm tạo việc làm cho số lao động rất dồi dào ở khu vực nông thôn. Đồng thời hỗ trợ nông dân (về cả giống và kỹ thuật) để chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Lao động tự do chật vật mưu sinh giữa nắng nóng, bỏ nghề gần hết vì dịch COVID-19

Nắng nóng, dịch bệnh khiến nhiều lao động tự do trên phố Hà Nội khó khăn hơn trong cuộc sống mưu sinh, một số người...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huỳnh Thủy ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN