Nhiều câu hỏi bỏ ngỏ với cồn cát Cửa Đại

Sự kiện: Quảng Ngãi

Các nhà khoa học cho rằng, sự xói lở bờ biển phía bắc cộng với trận lũ lịch sử tháng 11/2017 trên sông Thu Bồn giúp cồn cát ở bờ biển Cửa Đại nhô lên trên mặt biển, gây nhiều tò mò, chú ý. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giả thiết.

Nhiều câu hỏi bỏ ngỏ với cồn cát Cửa Đại - 1

Cồn cát được hình thành trên biển Cửa Đại, Quảng Nam

Trận lũ lịch sử giúp hình thành cồn cát?

Cồn cát mới xuất hiện ở Cửa Đại ước tính có diện tích 15ha. Theo GS.TS Nguyễn Trung Việt, Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội, cồn cát này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Bên dưới phần nổi 15 ha là cả một cồn cát ngầm rộng lớn. Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng, bên dưới tồn tại một cồn cát ngầm rộng khoảng 100ha.

Theo các nhà khoa học, tại khu vực biển Cửa Đại từng xuất hiện một cồn cát khoảng 30 năm trước. PGS.TS Trần Thanh Tùng, Trường Đại học Thủy lợi chia sẻ, khoảng từ 1981 đến 1988, một cồn cát từng nổi lên ở phía bắc Cửa Đại, được người dân gọi là Cồn Áng, nằm cách bờ 2km, dài 4,5km, rộng trung bình 500m. So với cồn cát hiện nay, cồn cát này rộng hơn và nằm gần bờ hơn.

Năm 1989, trận bão Cecil đã khiến Cồn Áng bị dịch chuyển, nối với bờ bắc, tạo ra doi cát nổi kiểu bán đảo và một vịnh nửa kín bên trong Cửa Đại. Suốt từ đó đến nay, hình thái bờ biển liên tục bị thay đổi song luôn tồn tại cồn ngầm nối giữa bờ bắc và bờ nam biển Cửa Đại. Theo PGS Tùng, đây là nền tảng để hình thành nên một cồn cát nổi như hiện nay. Tuy nhiên, vì sao cồn cát mới nhô lên khỏi mặt biển từ cuối năm 2017. Theo các nhà khoa học , trận lũ lịch sử trên sông Thu Bồn tháng 11/2017 chính là nguyên nhân chủ đạo.

PGS Trần Thanh Tùng cho rằng, có 3 nguyên nhân dẫn đến hình thành cồn nổi là do sóng Đông Nam chiếm ưu thế, tạo cồn nổi, gió vun cát bề mặt bãi nổi. Kết hợp với việc sông Thu Bồn xuất hiện lũ lớn, tải lượng bùn cát lớn ra biển trong thời gian ngắn. Sau đó một thời gian dài không có lũ, bão hay các trận gió mùa đông bắc mạnh. Các yếu tố trên hội tụ giúp cồn cát ở Cửa Đại nhô lên khỏi mặt biển, trở thành hiện tượng thiên nhiên đáng quan tâm.

Sử dụng kết quả ảnh vệ tinh trong thời gian dài, Thạc sỹ Dương Công Điển, Viện Cơ học đưa ra nhận định, sự hình thành đảo cát là kết quả sự hội tụ, tương tác giữa lũ lớn trên sông Thu Bồn, tác động của trường sóng khu vực ven bờ và trường thủy động lực học khu vực biển Cửa Đại. Theo ông Điển, cồn cát này sẽ rất biến động và có xu hướng dịch chuyển vào phía bờ. PGS Trần Thanh Tùng cũng cho rằng, do chịu tác động liên tục của các yếu tố động lực sông, biển nên cồn cát ở Cửa Đại sẽ có hình dạng không ổn định, liên tục biến động theo thời gian.

Tuyệt đối không được khai thác cát

Các nhận định khoa học ở trên, theo ông Phùng Đăng Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) những thông tin trên là có cơ sở khoa học nhưng mới chỉ là giả thiết, chưa có nghiên cứu, đánh giá cụ thể. Còn nhiều câu hỏi cần phải làm rõ như cồn cát hình thành từ đâu? Dòng xói lở ở bờ bãi phía bắc mang cát đi đâu? Liệu vật chất ở cồn có phải phần lớn từ bãi phía bắc Cửa Đại hay không?

Phó chủ tịch UBND Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, dù cuộc hội thảo có nhiều ý kiến hay nhưng chưa giải đáp thỏa đáng những câu hỏi ông mang ra từ Quảng Nam. Nhiều câu hỏi cần làm rõ hơn như việc hình thành bãi bồi Cửa Đại là bình thường hay dị thường? Cồn cát tạo ra từ nguồn vật chất nào? Nên để thuận theo tự nhiên hay can thiệp bằng một công trình?

Tuy nhiên, dù còn nhiều ý kiến trái chiều về nguyên nhân hình thành cồn cát song phần lớn chuyên gia đồng ý quan điểm, cần bảo vệ nguyên trạng cồn cát này thay vì ý định khai thác hay làm đảo nhân tạo.

PGS.TS Vũ Thanh Ca, chuyên gia về biển và hải đảo chia sẻ, sự hình thành cồn cát ven biển Cửa Đại là tín hiệu vui. Đây là một nguồn cát rất lớn phục vụ khôi phục bãi biển Cửa Đại. “Những năm trước đây, nhiều nhà khoa học đã đề xuất phương án nuôi bãi Cửa Đại theo cách sử dụng “động cơ cát” do một nhà khoa học nổi tiếng ở Hà Lan đề xuất. Tuy vậy, vấn đề rất quan trọng cần phải trả lời là nguồn cát ở đâu để nuôi bãi. Sự xuất hiện của cồn cát tại cửa sông Thu Bồn đã cho ta một câu trả lời hoàn mỹ cho câu hỏi đó”, PGS Ca nói.

Ông cho rằng, phải cố gắng giữ nguyên cồn cát, tuyệt đối không được khai thác cát. Nếu cồn cát không ảnh hưởng tới việc tàu thuyền ra vào Cửa Đại thì ta không cần làm gì. Cứ để vậy rồi sóng và dòng chảy sẽ mang cát vào bồi cho bãi. Nếu cồn cát ảnh hưởng tới luồng tàu, thuyền thì nên nạo vét, thông luồng và chở cát lên phía bắc đổi bên ngoài, ngay sát bãi tắm công cộng Cửa Đại. Sóng và dòng chảy sẽ mang cát vào bồi cho bãi và bảo vệ bãi, giúp phục hồi bãi biển Cửa Đại bị sạt lở nhiều năm qua.

Trận lũ lịch sử ở Thu Bồn hình thành nên cồn cát Cửa Đại?

Trong 2 năm 2016 và 2017, lũ lớn trên sông Thu Bồn đã mang một lượng bùn cát khổng lồ bồi đắp nên cồn cát hiện nay trên...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoài ([Tên nguồn])
Quảng Ngãi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN