Người canh hầm thông gió trên đèo Hải Vân

Đồng hồ NĐT - viết tắt của ngàn đêm trắng, cũng chính là tên “nhà sáng chế” Nguyễn Đình Thông (Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Người canh hầm thông gió trên đèo Hải Vân - 1

  Thời gian rảnh rỗi, ông Thông say sưa với những sáng tạo của mình

10 năm nay, ông túc trực trên đỉnh đèo Hải Vân, đảm trách nhiệm vụ ít ai biết: Canh giữ khu vực thông gió của hầm đường bộ đảm bảo hoạt động của hầm luôn được thông suốt.

“Ăn sương, ngủ gió"

Hơn 9h. Đèo Hải Vân vẫn mù mịt sương, gió lạnh táp mạnh khiến việc điều khiển xe máy lên đỉnh đèo thêm khó khăn. Vượt hơn 10 km đường đèo dốc, chúng tôi dừng ngang trước biển “cấm vào khu vực thông gió”. Chờ ông Thông xin phép, những người khách lạ mới được vào khu vực độc đáo, một phần của hệ thống hầm Hải Vân. Giọng ông hồ hởi, bởi nơi này vốn vắng người qua lại. Đều đặn mỗi ngày, công việc những người canh giữ “lá phổi” của hầm tuần tra, bảo vệ đường đi vào khu vực thông gió. Ông Thông cẩn thận phát quang các bụi rậm, giữ vệ sinh sạch sẽ khuôn viên trước cửa hầm, tránh để rác, vật thể kể cả động vật... bị hút vào hầm, gây nguy hiểm cho cánh quạt tua-bin.

Nghe là thế nhưng không hề đơn giản. Sống hầu như cách biệt trên đỉnh đèo, người “thông gió” phải “ăn sương, uống gió” và chịu không ít khắc nghiệt thời tiết. Trụ sở của ông Thông giờ là căn nhà xây khá kiên cố, thay cho nhà tạm được quây bằng tôn, có cửa ra vào như nhà container trước đây. “Hồi còn ở trong cái nhà tôn này, khổ cực lắm. Mùa hè thì nắng nóng, mồ hôi túa ra như xông hơi. Mưa thì khỏi nói, côn trùng ùa vào đầy nhà, nhiều lúc bị cắn đến phát sốt”, ông Thông kể.

Sợ nhất mùa nắng cháy da, cháy thịt, ông Thông phải lánh tạm, chui xuống cống thoát nước suối, hoặc mắc võng nằm trên mỏm đá, dưới tán cây khe suối. Ban đêm, nhiệt độ đột ngột thay đổi, sương lạnh phủ kín, tràn vào mọi ngóc ngách. Tiếng gió biển thốc mạnh vào sườn núi, rít lên liên hồi. Điều kiện làm việc khá bất lợi nhưng theo ông Thông, nghề nghiệp vận vào người rồi, sống miết thành quen, công việc có cái thú riêng.

Người canh hầm thông gió trên đèo Hải Vân - 2

Ông Nguyễn Đình Thông 10 năm sống giữa mây trời

Dừng chân "đệ nhất hùng quan"

Ông Thông kể những biến cố cuộc đời đưa ông đến với hầm Hải Vân như điểm “dừng chân” cuối cùng. Sinh ra tại Ninh Bình, ông từng làm cho công ty Nhà nước sau giải phóng. Một thời gian sau, ông đi kinh tế mới tại Gia Lai - Kontum, rồi lập gia đình. Từng mở công ty riêng chuyên xây dựng các công trình điện - đường - trường - trạm, đang ăn lên làm ra, ông gặp “đại hạn” vào năm 1996. Ông Thông ốm liên miên, công việc xuống dốc, làm ăn thua lỗ. Thấy ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn kham khổ, ông Thông cùng gia đình khăn gói về Đà Nẵng. Làm đủ nghề kiếm sống đến khi hầm Hải Vân xây dựng, ông xin làm công nhân và gắn bó với hầm từ đó.

Hầm thông gió Hải Vân có chiều dài 1,8 km. Ngoài cửa hầm có hai tua-bin khổng lồ quay liên tục ngày đêm để hút gió từ biển, đẩy vào trong hầm. Ở chiều ngược lại, không khí ô nhiễm từ khói xe trong hầm đường bộ được hút ra và xả thẳng lên trời. Đây là một vòng tuần hoàn giúp không khí luôn lưu thông tốt nhất, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện bên trong hầm đường bộ Hải Vân.

Năm 2005, hầm đường bộ Hải Vân chính thức đi vào hoạt động, là thời điểm ông Thông đảm trách công việc trực gác, bảo vệ hầm thông gió Hải Vân từ vòng ngoài. Người đàn ông 48 tuổi khăn gói lên đèo, cơm đùm cơm nắm cùng vài bộ quần áo, bắt đầu cuộc sống trên đỉnh mây trời. Đội bảo vệ của ông Thông vẻn vẹn ba người, thay phiên nhau gác. Cứ ở trên núi bốn ngày thì được nghỉ hai ngày về nhà, rồi tiếp tục lên thay ca. Người từ nhà lên đổi ca có nhiệm vụ phải mang nhu yếu phẩm, thức ăn lên tiếp tế cho hai người ở trên cùng với tiếp quản công việc của bốn ngày tới.

10 năm bảo vệ hầm thông gió, ông Thông gặp đủ tình huống dở khóc, dở cười: “Dù đã cắm biển “khu vực cấm” trước lối vào nhưng nhiều người dân, du khách vẫn đi lạc. Sợ nhất mấy ông Tây ba lô đi du lịch ở “đệ nhất thiên hạ hùng quan” lạc đường vào đây, phải “nói tiếng Anh đến mỏi tay” mới hướng dẫn được. Không ít người cố tình vượt rào vào... bẫy chim”. Thậm chí, vài đối tượng đáng ngờ lượn lờ khu vực này buộc ông cùng đồng đội cảnh giác cao độ.

Chủ nhân của những sánh chế "độc"

Ông Thông cẩn thận mở nắp chiếc hộp vuông màu xanh, bên trong có tấm bảng bằng nhựa kẻ hình ô, vẽ hình thù lạ. Ông gọi đó là đồng hồ NĐT - “ngàn đêm trắng” và cũng chính là tên ông. “Những đêm trắng ngồi ngắm sao trời, chiêm nghiệm cuộc đời, ứng dụng kiến thức thiên văn, kỹ thuật la bàn để vừa xác định phương hướng và xem cả ngày tốt xấu”, ông Thông tự hào cho biết, sáng chế này vừa được Cục Bản quyền tác giả Việt Nam chứng nhận bảo hộ độc quyền. Tôi đang liên hệ để tìm “đầu ra cho sản phẩm” với giá cả phải chăng nhất.

“Khi con người lạc giữa núi rừng, thời gian thông thường không còn quan trọng. Họ cần một chiếc la bàn hoặc nhìn các chòm sao trên trời để xác định phương hướng. Đồng hồ âm dương của tôi đã giải quyết được những việc này. Đặc biệt, nhìn đồng hồ âm dương có thể xem được giờ tốt-xấu, biết được âm dương ngũ hành tương sinh tương khắc...”, ông Thông nhấn mạnh.

Một sản phẩm nữa của ông Thông là những khối rubic học tiếng Việt được ông miệt mài “sản xuất” ra cả chục cái. Nhớ ngày đầu lên đỉnh đèo làm nhiệm vụ, buồn quá ông cầm theo khối rubic để “giết thời gian”. Được vài lần khối rubic bằng giấy giá 10 nghìn đồng bị hỏng, ông Thông tự mày mò cắt gián, khắc chữ lên rubic, tìm hiểu quy tắc xoay để “đánh đố” người chơi. Rubic học tiếng Việt nhằm giúp các em nhỏ có sản phẩm vừa học vừa chơi, thỏa sức sáng tạo với bảng chữ cái. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tấn Việt ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN