'Ngai vàng triều Nguyễn nhưng trưng bày chỉ như chiếc ghế trong ngôi nhà cổ'
Lẽ ra, ngai vàng độc bản - bảo vật quốc gia nên được đặt trong khung kính cường lực.
Hình ảnh một người đàn ông ngồi lên ngai vàng triều Nguyễn giữa điện Thái Hòa, la hét và đập phá di sản lịch sử khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng, nhưng tôi thì không.
Không chỉ vì sự manh động, vô thức của kẻ gây ra hành vi, mà bởi vì chúng ta đã để một bảo vật quốc gia, một biểu tượng lịch sử độc bản, trơ trọi, dễ bị tổn thương đến thế.
Đi tham quan nhiều di tích, tôi thấy có một điều hết sức lo lắng, đó là: các hiện vật lịch sử thường đứng trơ trọi. Một số nơi, dù có hay không có tấm biển "Không sờ vào hiện vật" đều trở nên "vô dụng".
Đại loại như những con hạc, rùa đá đội bia tiến sĩ trong văn miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội, nhẵn thính và bóng loáng vì bị quá nhiều người sờ vào để cầu may.
Lần đầu tiên đến Huế năm 2017, mua vé vào điện Thái Hòa, tận mắt thấy ngai vàng, tôi hơi bất ngờ vì tại sao hiện vật lại được trưng bày và bảo vệ sơ sài như vậy. Nhỡ có du khách nào quá khích, vượt hàng rào rồi ngồi lên đó thì sao? Nhất là trong thời đại sống ảo lên ngôi.
Người đàn ông phá hoại ngai vàng triều Nguyễn ở điện Thái Hòa. Video: Xuân Hoa
Không khó để lý giải vì sao một di vật có tầm vóc và ý nghĩa như ngai vàng lại có thể bị xâm hại một cách dễ dàng. Một phần lỗi thuộc về kẻ gây ra sự việc, người được cho rằng "có biểu hiện ngáo đá", nhưng trách nhiệm lớn hơn phải đặt lên vai công tác bảo tồn và quản lý di tích.
Ngai vàng - từng là biểu tượng quyền lực cao nhất của triều đại phong kiến cuối cùng lại được trưng bày không rào chắn hiệu quả, không có lớp bảo vệ vật lý nào, chỉ như một chiếc ghế trưng bày trong nhà cổ.
Không thể đổ hết lỗi cho bảo vệ, bởi với một không gian rộng, đông người, việc ngăn chặn tức thì một đối tượng có hành vi manh động là điều khó khả thi. Nhưng chính vì thế, các biện pháp bảo quản thụ động lẽ ra phải được tính đến từ đầu.
Một bảo vật quốc gia đáng lý ra phải được đặt trong tủ kính cường lực, có cảm biến báo động khi có xâm nhập, hay chí ít là một khoảng cách bảo vệ hợp lý. Không thể chỉ dựa vào nhân lực mỏng để trông chờ vào sự "ý thức" của du khách.
Sự việc này là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn bộ công tác bảo tồn di sản. Một vật có giá trị lịch sử vô giá, được công nhận là bảo vật quốc gia từ năm 2016, lại không được bảo vệ như chính danh xưng của nó.
Trong khi đó, với các bảo tàng lớn trên thế giới, ngay cả những hiện vật ít tên tuổi hơn cũng được đặt trong tủ kính, có hệ thống an ninh kiểm soát chặt chẽ, từ camera, cảm ứng rung, cho đến lực lượng giám sát được đào tạo bài bản.
Vụ việc này còn đặt ra một yêu cầu cấp thiết, đó là thay đổi tư duy bảo tồn di sản từ "trưng bày" sang "bảo vệ chủ động". Không chỉ cần hệ thống thiết bị an ninh phù hợp, mà còn cần cả khung pháp lý cho phép lực lượng bảo vệ có công cụ hỗ trợ cần thiết để phản ứng kịp thời trước các tình huống khẩn cấp.
Bộ VH-TT-DL yêu cầu kiểm tra, đánh giá hiện trạng, bảo đảm an ninh, an toàn, kịp thời bảo vệ bảo vật quốc gia và Di tích Cố đô Huế.
Nguồn: [Link nguồn]
-25/05/2025 12:25 PM (GMT+7)