“Nếu không cho quyền được chết, họ sẽ nhảy cầu”
“Nhiều người, nếu không cho quyền được chết, họ sẽ tìm cách tự tử, nhảy tàu, nhảy cầu và tự quyết định sinh mạng”, TS.Dương Đức Hùng chia sẻ.
Vừa qua, TS.Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế tiếp tục đề xuất bổ sung “quyền được chết” vào Luật Dân sự.
Sau đề xuất này, xuất hiện những luồng ý kiến khác nhau. Có những ý kiến đồng tình nhưng cũng có nhiều ý kiến không đồng tình vì trái đạo đức.
PGS.TS Trần Văn Thuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện K thăm khám cho bệnh nhân
Sống không hạnh phúc bằng giải thoát
Trao đổi với phóng viên, ông Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị Phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch quốc gia, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai đồng tình với đề xuất “đưa quyền được chết” vào luật.
Ông Hùng lý giải, đề xuất này xuất phát nhu cầu được chết của rất nhiều bệnh nhân trong lúc bệnh nặng, đau đớn. Trên thực tế, có những người chấn thương sọ não, gia đình vẫn xin về chờ chết.
“Quan điểm của tôi, được chết cũng là cái quyền. Nếu không cho họ quyền được chết, họ sẽ tìm cách tự tử, nhảy tàu, nhảy cầu và tự quyết sinh mạng. Nếu luật cho phép, bác sĩ sẽ giúp người bệnh trở về thế giới bên kia trong thanh thản, nhẹ nhàng”, bác sĩ Hùng bày tỏ.
Theo ông Hùng, quan niệm của người Việt Nam là "còn nước còn tát". Điều này đúng nhưng phải xác định thế nào là còn nước. Bệnh nhân đến viện được khám chữa bệnh là quyền đầu tiên, nhưng khi họ từ chối thì không ai ép được. Hơn ai hết, chính bệnh nhân hiểu như thế nào là cuộc sống.
Chẳng hạn, một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối di căn, sự tồn tại của họ chỉ tính bằng ngày, bằng tuần và họ phải chịu đựng đau đớn khủng khiếp. Nỗi đau lan cho gia đình, người thân, gây tốn kém tiền. Họ đề nghị chấm dứt điều trị để ra đi để được giải thoát khỏi đau đớn.
TS.Dương Đức Hùng cũng chia sẻ: “Tôi cũng có người thân bị tai biến, nằm một chỗ 5-6 năm trong đau đớn. Chứng kiến những cảnh vật vã, tôi nghĩ, người thân của mình chưa chắc sống hạnh phúc bằng giải thoát”.
TS. Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng KHTH, Bệnh viện Bạch Mai
Đồng quan điểm, PGS.TS. Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K cũng bày tỏ, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối không thể chữa khỏi cũng mong muốn giải thoát để cuộc sống đỡ khổ. Do đó, ông Thuấn ủng hộ đề xuất đưa “quyền được chết” vào luật.
Theo ông Thuấn, những người sắp chết, thể trạng chỉ kéo dài trong tình trạng đau đớn, kiệt quệ cả về thể xác và kinh tế. Nếu pháp luật cho phép sẽ giúp họ sớm trở về thế giới biên kia một các bình lặng.
Một bác sĩ làm trong lĩnh vực cấp cứu nhiều năm cũng đồng tình đề xuất “đưa cái chết êm ái” vào luật. Thực tế, có rất nhiều bệnh nhân tiên lượng không thể cứu chữa được, chịu đau đớn. Những người chịu nhiều đau đớn đều muốn được chết. Tuy nhiên, về nguyên tắc, ngành y đem lại điều có lợi chứ không phải có hại cho bệnh nhân. Do đó, tất cả đều mong muốn bệnh nhân được thanh thản nhất.
“Với tôi, đề xuất đó cực kỳ nhân đạo. Đây là nhu cầu của xã hội mình nên áp dụng nhưng phải lấy ý kiến rộng rãi từ nhân dân. Áp dụng cũng phải rất cụ thể, không thể chung chung và không né tránh bất cứ khía cạnh nhạy cảm nào”, bác sĩ này nói.
Vị bác sĩ cấp cứu cũng kể, có những bệnh nhân bám tay xin bác sĩ cho được chết, mà các bác sĩ không dám hay không có cách nào giúp. Đó là chưa kể những người nghèo phải xin về quê đợi chết, không có tiền mua thuốc giảm đau nên con đường đến cái chết của họ thực sự đau đớn, ám ảnh.
“Lúc đó, nếu như có cái chết êm ái thì có lẽ sẽ an ủi họ phần nào”- bác sĩ cho biết.
Nên lấy ý kiến rộng rãi
TS. Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, để luật đi vào thực tế, cơ quan đề xuất nên lấy ý kiến rộng rãi từ đông đảo bệnh nhân đặc biệt bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.
Ông Hùng cũng băn khoăn, nếu đề xuất này đi vào thực tế thì ai là sẽ người thực hiện cái chết nhân đạo cho bệnh nhân? Bởi chức năng cao quý nhất của ngành y là cứu người, việc tiêm thuốc độc là giết người, kể cả người đó có án tử hình thì đó cũng là sinh linh, là con người.
Trong khi đó, GS.TS Đỗ Kim Sơn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cũng cho biết, ông đã chứng kiến rất nhiều bệnh nhân không còn khả năng sống sót. Mặc dù chưa có thống kê, song những bệnh nhân sống trong đau đớn ở nước ta có số lượng đáng kể. Nhiều bệnh nhân không muốn kéo dài một cuộc sống đau đớn và muốn giải thoát.
“Với những trường hợp này ở một số nước như Đài Loan đã có những khu nhà nghỉ dưỡng dành cho những người trước khi chết. Tôi nghĩ, nước mình chưa có điều kiện để thực hiện”, GS.TS Đỗ Kim Sơn nói.