"Giúp bệnh nhân chết êm ái cũng là y đức"

"Bệnh nhân không thiết tha sống, nhưng trời không cho chết. Họ nhờ bác sĩ giúp họ chết êm ái, thanh thản, nhưng luật chưa cho phép".

Vừa qua, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế tiếp tục đề xuất bổ sung “quyền được chết” vào Luật Dân sự. Sau đề xuất này, đã có rất nhiều tranh cãi với những luồng ý kiến khác nhau. Nhiều người van nài được chết vì quá đau đớn, nhưng luật không cho phép. Song cũng có ý kiến cho rằng, điều này là trái với đạo đức.

"Giúp bệnh nhân chết êm ái cũng là y đức" - 1
TS Nguyễn Huy Quang.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Huy Quang - người đề xuất đưa “quyền được chết êm ái” vào Luật Dân sự.
 
Thưa ông, Bộ Y tế từng đề xuất đưa quyền được chết vào luật, nhưng chưa được xem xét. Vậy, vì sao ông lại tiếp tục đưa ra đề xuất này tại Hội thảo Góp ý các nội dung liên quan đến y tế vừa qua?
 
- Chúng ta có quy định về quyền sống thì cũng nên có quy định về quyền chết. Về mặt pháp luật, ai cũng có quyền được khai sinh, khai tử; nhưng trên hết là quyền được sống. Hiện nay, luật pháp không đặt vấn đề quyền được chết. Tuy nhiên, chết ở đây phải theo quy luật tự nhiên, không còn khả năng sống (các chỉ số sinh tồn không còn).
 
Trong Bộ luật Dân sự không đưa ra “quyền được chết”, nhưng các nhà chuyên môn về y học đã chứng kiến nhiều người bệnh không thể cứu chữa được, sống thực vật, ung thư giai đoạn cuối đau đớn tột cùng về thể xác, sang chấn đến tận cùng về tinh thần. Vì vậy, nên xem xét đưa quyền này vào luật để những người có nhu cầu chết được ra đi thanh thản, nhẹ nhàng.
 
Bệnh nhân không thiết tha sống, nhưng trời không cho chết. Họ nhờ bác sĩ giúp họ chết, ra đi một cách êm ái, thanh thản, nhưng luật chưa cho phép.
 
Có ý kiến cho rằng, xét về mặt đạo đức, điều này trái với tinh thần “còn nước còn tát”, kể cả sống thực vật, sống đau đớn, hơn nữa đây lại là hành vi giết người, thưa ông?
 
- Trong quan niệm của nhiều người Việt, dù bố mẹ có nằm sống thực vật vài năm, vẫn còn hy vọng, "còn nước còn tát".
 
Đấy cũng là cái nặng lòng của người Việt. Dù biết sự giải thoát khỏi cuộc sống cũng chính là giải thoát chính họ và người thân trong gia đình.
 
Bên cạnh đó, bản thân bác sĩ cũng không dám. Trong lời thề Hippocrates, lời khuyên y đức của Hải Thượng Lãn Ông, nguyên tắc của nghề y là chữa bệnh cứu người, bệnh nhân còn sống là còn cứu chữa cho đến hơi thở cuối cùng. Nếu bệnh nhân không còn các chỉ số sinh tồn, lúc đó người ta tự chết, tự trở về thế giới bên kia. Trách nhiệm của người thầy thuốc khi đó mới kết thúc.
 
Hiện nay, nếu bác sĩ cho bệnh nhân chết, về bản chất đó là hành vi giết người. Theo pháp luật sẽ bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, nếu pháp luật cho phép có chủ đích thì bác sĩ vẫn có thể giúp. Vì thế, tôi mạnh dạn đề xuất bổ sung cái chết nhân đạo vào luật.
 

Nếu luật cho phép, bác sĩ thực hiện cái chết nhân đạo với người đau đớn có vi phạm y đức không, thưa ông?

- Nếu các bác sĩ tiếp cận nhiều với các bệnh thì người ta sẽ thấy sự đau đớn tột cùng thể xác, tinh thần, thậm chí là sang chấn tâm lý. Có bệnh nhân đau đớn đến nỗi luôn miệng chửi bới, gào thét mắng mỏ người khác. Họ đau đến nỗi phải tiêm thuốc để họ giảm cơn đau. Họ sống trong sự vật vã, sống không cảm nhận cái đẹp cuộc sống.
 
Theo tôi, lòng trắc ẩn trong trái tim nhân viên y tế cũng muốn: “Nếu được phép thì thà giải thoát cho họ, hơn là sống vật vã đến lúc cuối cùng”.
 
Nếu pháp luật cho phép và họ giúp cho người ta sớm trở về thế giới bên kia một cách bình lặng - đưa cho họ thuốc mê, khi họ không còn đau đớn nữa, nghe một bản nhạc, còn sức xem một bộ phim... để họ nhớ về thời trẻ thơ... Điều đó nhân đạo hơn để bệnh nhân sống trong đau đớn.
 
Nếu pháp luật cho phép thì đây cũng là y đức. Bác sĩ giúp người bệnh trở về thế giới bên kia trong thanh thản, nhẹ nhàng, mà không có sự mâu thuẫn trong lời thề Hippocrates.
 
Vậy các nước tiên tiến áp dụng quyền được chết như thế nào, thưa ông?
 
- “Cái chết êm ái” là vấn đề mà nhiều nước trên thế giới đã và đang tranh cãi rất gay gắt. Tuy nhiên, đã có một số nước công nhận “quyền được chết” của công dân với nhiều tên gọi như “cái chết êm ái”, an tử, trợ tử… hoặc ban hành đạo luật riêng như Luật Chết, Luật Điều trị vô ích.
 
Hiện trên thế giới chỉ có một số nước cho phép quyền được chết là Hàn Quốc, 4 bang của Mỹ, Bỉ, vài bang của Thụy Sĩ. Tuy nhiên, việc thực hiện “cái chết êm ái” này phải đảm bảo những điều kiện chặt chẽ và có kết luận của hội đồng y khoa.
 
Theo ông, một người được thực hiện "quyền được chết" trong trường hợp nào?
 
- Tôi phải khẳng định, quyền được chết là quyền nhân thân của một công dân. Do vậy, chỉ thực hiện được khi thỏa mãn 3 yếu tố bắt buộc sau: Bản thân người đó tự nguyện, trong trạng thái tinh thần hoàn toàn tỉnh táo. Điều kiện thứ hai là người đó mắc bệnh nan y, khả năng sống sót là hoàn toàn không có. Điều kiện cuối cùng là bản thân người đó không còn sức chịu đựng, kiệt quệ về thể xác, tinh thần.
 
Tuy nhiên, thực tiễn cuộc sống cũng đặt ra, có trường hợp gia đình có người thân sống cuộc sống thực vật thời gian dài, các thành viên trong gia đình thấy mệt mỏi về tinh thần và kiệt quệ về tài chính do phải chi trả chi phí chăm sóc và có mong muốn thực hiện "quyền được chết" cho người thân thì sẽ thế nào. Đây là vấn đề rất phức tạp, nhưng cũng nhạy cảm phát sinh, do có liên quan đến phạm trù đạo đức, nhân văn, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải bàn bạc thật kỹ.
 
Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu (thực hiện) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN