Tiếp tục đề xuất đưa quyền được chết vào Luật
Năm 2005 đề xuất quyền được chết từng được đưa ra nhưng chưa được xem xét, lần này Bộ Y tế hy vọng đề xuất này được chấp thuận nhằm giải phóng cho những bệnh nhân nặng có mong muốn kết thúc cuộc đời.
TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, lâu nay mọi người quan niệm chết phải theo quy luật tự nhiên, nghĩa là không còn khả năng để sống được nữa (các chỉ số sinh tồn không còn), nhưng cũng có trường hợp chết vật vã (ung thư giai đoạn cuối, họ bị khủng hoảng về sức khỏe và tinh thần) người ta rất mong muốn được chết. Vì vậy, cái chết ở đây phải được can thiệp của cơ quan chuyên môn.
“Cái chết êm ái” là vấn đề mà nhiều nước trên thế giới đã và đang tranh cãi rất gay gắt. Tuy nhiên, đã có một số nước công nhận “quyền được chết” của công dân với nhiều tên gọi như “cái chết êm ái”, an tử, trợ tử… hoặc ban hành đạo luật riêng như Luật Chết, Luật Điều trị vô ích.
TS Nguyễn Huy Quang
Hiện nay, các nước phát triển như Hà Lan, Bỉ, Mỹ, Argentina, Hàn Quốc... Một số nước khác lại cho phép hỗ trợ một số hoạt động tự tử như Anh, Thụy Sĩ. Việc thực hiện “cái chết êm ái” này phải đảm bảo những điều kiện chặt chẽ và có kết luận của hội đồng y khoa.
Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, ở một số quốc gia trên thế giới có quy định về quyền được chết như vậy thì chúng ta cũng nên xem xét đưa quyền đó vào luật. Nếu làm được, những người có nhucầu khi chết được ra đi thanh thản, nhẹ nhàng, không phải ra đi trong đớn đau, khủng khoảng sang chấn về tinh thần.
Theo ông Quang, quan điểm của ngành y là cứu người bệnh đến hơi thở cuối cùng, còn nước còn tát nhưng những người đó cũng chỉ sống thêm được vài ba ngày nhưng họ sống trong đau đớn, khủng hoảng …
“Nếu pháp luật cho phép được thực hiện trong những trường hợp như vậy thì thực tế tôi cho đây cũng là y đức. Giúp người bệnh trở về thế giới bên kia trong thanh thản, nhẹ nhàng, mà không có sự mâu thuẫn trong lời thề Hypocrat”, ông Quang nói.
Hiện một số quốc gia quy định những bệnh gì, chỉ số sinh tồn. Trên cơ sở đó có hội đồng y khoa với các nhà chuyên môn y tế sẽ xem xét có nên cho chết nhân đạo hay không.
Một bác sĩ (giấu tên) thuộc Bệnh viện K Trung ương cho biết, nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối phải trải qua những ngày tháng cuối đời vô cùng đau đớn.
Họ chỉ bám chân xin bác sĩ cho được chết, mà các bác sĩ không dám hay không có cách nào giúp họ. Đó là chưa kể những người nghèo phải xin về quê đợi chết, không có tiền mua thuốc giảm đau nên con đường đến cái chết của họ thực sự đau đớn, ám ảnh.
“Lúc đó, nếu như có cái chết êm ái thì có lẽ sẽ an ủi họ phần nào”- bác sĩ cho biết.