"Năng suất thấp, không phải người VN lười lao động"

Chuyên gia lao động cho rằng năng suất lao động của Việt Nam thấp nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương không có nghĩa là người Việt lười lao động…

Trong một báo cáo mới phát hành gần đây, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tính toán rằng, năng suất lao động của người Việt Nam hiện đang ở mức thấp so với các nước ASEAN - 6 (các nước phát triển hơn trong ASEAN) và mức bét bảng so với các nước Châu Á - Thái Bình Dương. 

Theo đó, năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/5 lao động Malaysia, 2/5 Thái Lan và 1/15 Singapore.

"Năng suất thấp, không phải người VN lười lao động" - 1

Theo tính toán của Tổ chức Lao động Quốc tế, năng suất lao động của người Việt Nam hiện đang ở mức thấp so với các nước ASEAN - 6 (Ảnh minh họa)

Lao động Việt không lười biếng

Ông Lưu Quang Tuấn, Phó viện trưởng Viện khoa học Lao động và Xã hội cho rằng kết quả nghiên cứu của Tổ chức ILO là một chỉ tiêu phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, cách tính năng suất lao động này không phản ánh mức độ chuyên cần hay lười biếng của lao động.

“Dựa vào năng suất lao động thấp để đánh giá rằng lao động Việt Nam lười biếng hơn lao động Singapore hay Malaysia là thiếu cơ sở. Bởi kết quả này không cho phép so sánh sự khác nhau về năng suất lao động giữa các ngành, nghề, nhóm lao động, doanh nghiệp cụ thể”, ông Tuấn nói.

Chuyên gia lao động này phân tích, theo phương pháp nghiên cứu của Tổ chức ILO, năng suất lao động của một quốc gia được tính bằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chia cho tổng số người đang làm việc. Để so sánh năng suất lao động giữa các nước thì năng suất lao động được quy đổi sang đô la Mỹ tính theo sức mua tương đương (PPP).

Do vậy, một khi giá trị GDP thấp trong khi qui mô lao động có việc làm lại lớn thì đương nhiên năng suất sẽ thấp. Về qui mô lao động, nước ta thuộc nhóm nước có qui mô lao động lớn trong khu vực.

Hiện nay, lao động nông nghiệp, lao động tự do của Việt Nam vẫn chiếm hơn 60% tổng lao động có việc làm. Trong khi đó, lao động làm việc trong các ngành chế tạo, dịch vụ cao cấp tạo ra giá trị gia tăng ở Việt Nam còn thấp.

Bên cạnh đó, so với các nước phát triển trong khu vực, chất lượng lao động Việt Nam vẫn thua kém khá nhiều. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật chiếm chưa đến 20% tổng lực lượng lao động. Người lao động thiếu kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ, thiết bị mới. 

Người lao động thiếu động lực làm việc

Ông Mai Đức Chính, Nguyên Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng năng suất lao động thấp là do người lao động nhận mức lương thấp và thiếu động lực làm việc.

“Để tăng năng suất lao động, con người cũng là yếu tố quyết định. Tuy nhiên, chúng ta không thể đổ lỗi hết cho người lao động mà phải xét đến môi trường làm việc, mức lương họ nhận được. Một công nhân làm việc đủ 8 tiếng với mức lương 3 triệu không thể có động lực làm việc bằng công nhân lương 5 triệu”, ông Chính nói.

Theo ông Chính, nhiều doanh nghiệp Việt Nam trả lương mà không tính đến năng suất lao động. Người làm việc chăm chỉ hay lười biếng nhận một mức lương như nhau. Chế độ phụ cấp, thưởng, tăng lương chậm không kích thích động lực làm việc của người lao động.

Thực tế, nhiều chủ doanh nghiệp Singapore, Nhật Bản, Malaysia, họ đều đánh giá lao động Việt Nam học hỏi khá nhanh, năng suất lao động không thua kém các nước khác.

“Lao động Việt Nam làm việc cho công ty nước ngoài hầu hết theo dây chuyền sản xuất hiện đại, quản lý chặt chẽ. Họ được nhận một mức lương cao hơn và phải cố gắng làm việc. Đương nhiên năng suất lao động sẽ cao”.

Ông Chính cũng chỉ ra rằng năng suất lao động Việt Nam thấp do trình độ khoa học công nghệ, quản lý còn yếu kém. Môi trường lao động lạc hậu giảm hiệu quả làm việc của người lao động.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tất Định ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN