Mỹ, Nhật đồng thanh "ép" TQ đàm phán Biển Đông

Mỹ và Nhật tuyên bố sẽ gây sức ép để Trung Quốc chịu đàm phán tranh chấp Biển Đông với ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á 2013.

Ngày 9/10, phát biểu trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố tranh chấp biển đảo trên Biển Đông là một vấn đề quan tâm của cả khu vực, và Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác với ASEAN để giải quyết các tranh chấp này với Trung Quốc.

Đồng thời, ngoại trưởng Mỹ John Kerry dẫn đầu đoàn đại biểu Mỹ tham dự hội nghị này cũng cho biết Mỹ sẽ gây sức ép với Trung Quốc để thảo luận các vấn đề tranh chấp biển đảo này tại hội nghị, bất chấp thái độ lưỡng lự của Bắc Kinh trong việc đề cập đến vấn đề này trong các diễn đàn quốc tế.

Mỹ, Nhật đồng thanh "ép" TQ đàm phán Biển Đông - 1

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry

Bên lề hội nghị EAS được tổ chức ở Brunei lần này, ông Kerry sẽ hội đàm với lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á và gặp riêng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Một quan chức trong phái đoàn Mỹ cho hay ông Kerry sẽ hối thúc các thành viên ASEAN tiếp tục hợp tác “tăng cường đoàn kết và thống nhất” để củng cố lập trường của mình trước Trung Quốc trong việc thương thảo bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

Hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Obama đã phải hủy chuyến công du tới châu Á để tham dự hội nghị này vì chính phủ Mỹ đang bị đóng cửa, làm dấy lên lo ngại rằng Mỹ có thể đánh mất ảnh hưởng của mình trong việc chống lại những tuyên bố ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông và duy trì chiến lược “tái cân bằng” của mình ở châu Á.

Tuy nhiên, ngay sau khi đặt chân đến Brunei, người thay mặt cho ông Obama là Ngoại trưởng Kerry đã gửi lời xin lỗi tới các lãnh đạo ASEAN về sự vắng mặt của Tổng thống, đồng thời nhấn mạnh rằng: “Việc tái cân bằng là một lời cam kết, nó vẫn tồn tại ở đây và sẽ được tiếp tục trong tương lai.” Ông cũng khẳng định rằng tình hữu nghị giữa Mỹ và ASEAN vẫn là một ưu tiên hàng đầu của chính quyền Obama.

Từ lâu Trung Quốc vẫn cự tuyệt thảo luận vấn đề tranh chấp lãnh thổ với toàn thể ASEAN mà chỉ muốn giải quyết tranh chấp trên Biển Đông thông qua đàm phán với từng quốc gia riêng rẽ, đồng thời tỏ ý khó chịu với sự “can thiệp” của Mỹ và vấn đề khu vực.

Tranh chấp biển đảo trên Biển Đông là một trong những ngòi nổ lớn nhất ở khu vực trong bối cảnh Trung Quốc đang không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự và Mỹ đang chuyển hướng “trục chiến lược” của mình sang châu Á.

Trong một bài phát biểu trước các lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Nhật Bản Abe cũng đã tuyên bố thẳng thừng rằng Nhật Bản đứng về phía các quốc gia Đông Nam Á trong vấn đề tranh chấp biển đảo trên Biển Đông.

Mỹ, Nhật đồng thanh "ép" TQ đàm phán Biển Đông - 2

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Nhật Bản cũng là nước đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên nhóm đảo Senkaku trên biển Hoa Đông và Thủ tướng Abe cũng cho rằng Trung Quốc đang có những động thái “nhằm tìm cách thay đổi hiện trạng bằng vũ lực” trên Biển Đông.

Ông Abe cho rằng vấn đề tranh chấp chủ quyền phải được giải quyết theo khuôn khổ pháp luật quốc tế và cam kết rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác với ASEAN vì cả hai đều có một “vấn đề chung”.

Ngoại trưởng Kerry cũng đã nhấn mạnh vai trò của Mỹ là “người giữ gìn an ninh và ổn định trong khu vực, ủng hộ cho việc tuân thủ pháp luật quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, đảm bảo tự do hàng hải”.

Trong khi đó, nhiều nhà phân tích và nhà ngoại giao đều cho rằng Trung Quốc đang ra vẻ muốn đối thoại về vấn đề Biển Đông mà không đưa ra bất cứ cam kết nào cụ thể với mục đích câu giờ trong khi nước này tìm cách củng cố các tuyên bố chủ quyền biển đảo ngang ngược của mình.

Hồi tháng trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tuyên bố rằng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông là một thành công và Trung Quốc sẵn sàng xây dựng bộ quy tắc này, tuy nhiên ông này lại không đưa ra bất cứ thông tin cụ thể nào, trong khi vẫn nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ “không chịu lay chuyển” trong các tuyên bố chủ quyền của mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo Reuters) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN