Luật sư luận mức án các bị can trong vụ bầu Kiên

Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa mới hoàn tất bản cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên), cựu phó chủ tịch HĐQT, phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ngân hàng ACB với 4 tội danh.

Phiên tòa xét xử  bầu Kiên và 6 bị can khác sẽ sớm được mở trong thời gian tới. Phóng viên báo Nguoiduatin.vn đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Thị Hương, công ty luật Song Thanh xoay quanh một số vấn đề liên quan đến vụ án:

PV: Thưa luật sư, bị can Nguyễn Đức Kiên bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố cùng một lúc 4 tội danh. Vậy nếu vụ án được đưa ra xét xử thì ông Kiên có thể phải đối mặt với mức án nào?

Theo Cáo trạng của VKSND tối cao thì ông Nguyễn Đức Kiên bị truy tố về 4 tội danh và những hành vi vi phạm đều có giá trị tài sản (định lượng) rất lớn, cụ thể:

Kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng (không đúng nội dung đăng ký kinh doanh với số tiền hơn 21 nghìn tỷ đồng. Hành vi này bị truy tố theo khoản 2, Điều 159, BLHS về “Tội kinh doanh trái phép”, có mức hình phạt cao nhất là 02 (hai) năm tù giam;

Trốn thuế với số tiền 25 tỷ đồng, theo quy định tại khoản 3, Điều 161, BLHS thì mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù giam;

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền là 264 tỷ đồng, thuộc trường hợp quy định tại khoản 4, Điều 139, BLHS với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân;

Luật sư luận mức án các bị can trong vụ bầu Kiên - 1

Bầu Kiên bị bắt ngày 20/8/2012 để điều tra về hành vi Kinh doanh trái phép.

Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại số tiền 718 tỷ đồng, theo quy định tại khoản 3, Điều 165 BLHS có mức hình phạt cao nhất là hai mươi năm tù giam.

Áp dụng quy định về tổng hợp hình phạt tại Điều 50 Bộ luật hình sự thì ông Kiên có thể phải chịu án phạt tù chung thân đối với 4 loại tội danh trên đây. Ngoài ra, ông Kiên có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền.

PV: Thưa luật sư, liệu ông Nguyễn Đức Kiên có thể được giảm nhẹ hình phạt hay khả năng về một mức án khác?

Ở đây cũng cần nhấn mạnh, ông Kiên cũng có thể sẽ được nhận án phạt nhẹ hơn nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trong những vụ án kinh tế như thế này thì việc khắc phục hậu quả luôn được cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá cao, đây cũng được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có ý nghĩa quan trọng trong việc kết luận tội phạm và quyết định hình phạt.

PV: Xin luật sư cho biết đối với một số bị can khác như ông Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến thì mức án sẽ ra sao thưa luật sư?

Ông Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến bị truy tố, đồng phạm với Nguyễn Đức Kiên về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 264 tỷ đồng. Hai bị can sẽ bị truy tố theo quy định tại khoản 4, Điều 139. Khoản này có khung hình phạt từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân.

Tuy nhiên, trong vụ án có đồng phạm thì từng bị can sẽ được “cá nhân hóa hình phạt”, Tòa án sẽ căn cứ theo vai trò, mức độ phạm tội của từng bị can cùng với việc xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để quyết định hình phạt phù hợp với mức độ phạm tội.

Như vậy, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ, ông Thanh, bà Yến sẽ được hưởng mức hình phạt nhẹ hơn, có thể là hình phạt dưới khung (từ 2 đến 7 năm tù giam). Về hình phạt bổ sung thì ông Thanh, bà Yến còn có thể bị phạt tiền, ông Thanh có thể cấm đảm nhiệm chức vụ giám đốc, bà Yến bị cấm hành nghề kế toán trong thời gian từ 1 đến 5 năm sau khi chấp hành hình phạt xong.

Tương tự, các bị can Lý Xuân Hải, Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang bị truy tố về Tội cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với vai trò là đồng phạm của ông Kiên theo quy định tại khoản 3, Điều 165, có khung hình phạt (nặng nhất) từ mười năm đến hai mươi năm tù giam.

Tùy theo vai trò đồng phạm, mức độ phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của mỗi cá nhân thì ông Lý Xuân Hải, Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang sẽ phải chịu những án phạt khác nhau, tuy nhiên mức phạt cao nhất sẽ là 20 năm tù giam và có thể bị tịch thu 1 phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, công việc có liên quan trong thời hạn từ 1 đến 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.

Ngoài ra, các bị can còn có trách nhiệm bồi hoàn số tiền chiếm đoạt, bồi thường các thiệt hại gây ra trong vụ án này.

PV: Vâng, cảm ơn luật sư!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Băng Tâm (Người đưa tin)
Xét xử vụ án "bầu Kiên" Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN