Liệu ông Nguyễn Quang Tuấn có bị cấm hành nghề bác sĩ?
Theo Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, công việc bác sĩ không liên quan trực tiếp với tội mà bị cáo phạm phải thì có thể cân nhắc không nên áp dụng hình phạt bổ sung cấm hành nghề.
Hôm qua (18-4), phiên tòa xét xử vụ án vi phạm đấu thầu tại BV Tim Hà Nội đã kết thúc phần tranh luận.
Nói lời sau cùng bị cáo Nguyễn Quang Tuấn (Cựu giám đốc BV Tim Hà Nội) đã trình bày những thành tích trong lĩnh vực tim mạch cũng như những đóng góp với BV Tim Hà Nội và mong HĐXX có sự đánh giá nhân văn để sớm được trở về với gia đình.
Trước đó, trong phần bào chữa, luật sư của ông Tuấn cũng trình bày thân chủ mình là giáo sư, tiến sỹ đầu ngành tim mạch Việt Nam, là người đầu tiên đưa kỹ thuật can thiệp tim mạch vào Việt Nam để chữa bệnh. Tài năng, uy tín của ông Tuấn đã được bạn bè, đồng nghiệp, cộng đồng ghi nhận và đặt cho biệt danh rất đỗi gần gũi, tình cảm, gói gọn trong hai từ “Tuấn Tim”.
Từ đây, nhiều bạn đọc đặt ra câu hỏi: Liệu ông Tuấn có bị cấm hành nghề bác sĩ?
Cựu giám đốc BV Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn tại tòa. Ảnh: BT
Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) trước hết, ông Nguyễn Quang Tuấn bị đại diện VKS đề nghị mức án từ 4-5 năm tù và không đề nghị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm theo khoản 4 Điều 222 BLHS 2015.
Theo luật sư Trạch, về nguyên tắc, HĐXX sẽ áp dụng khoản 3 Điều 222 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (điều khoản mà VKS đã truy tố) để quyết định mức hình phạt kèm theo các tình tiết giảm nhẹ căn cứ vào tính chất, mức độ, vai trò của bị cáo. Tuy nhiên, HĐXX cũng "có thể" áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định nếu xét thấy người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó có thể gây nguy hại cho xã hội (căn cứ vào Điều 41 BLHS 2015).
Như vậy, việc có áp dụng hình phạt bổ sung này hay không là do đánh giá của HĐXX.
Cũng theo luật sư Trạch, hiện nay cũng chưa có bất kỳ văn bản nào hướng dẫn về việc "có thể” áp dụng hình phạt bổ sung về việc nếu xét thấy người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm việc đó "có thể" gây nguy hại cho xã hội. Đây là điều khoản "mở" và có thể "tùy nghi", dựa vào sự đánh giá của HĐXX trong quá trình xét xử.
Tuy nhiên, theo LS Trạch, việc ông Tuấn vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng đã rõ, nhưng đó là vi phạm về công tác quản lý, việc đấu thầu. Điều luật cũng chỉ nói là “có thể” áp dụng như đã phân tích nêu trên. Trong khi ông Tuấn là một giáo sư, tiến sỹ đầu ngành tim mạch Việt Nam, có nhiều thành tích trong công tác.
"Ông Tuấn được công nhận là giỏi chuyên môn, công việc bác sĩ (chuyên môn) không liên quan trực tiếp với tội mà ông phạm phải thì có thể cân nhắc không nên áp dụng hình phạt bổ sung cấm hành nghề bác sĩ với ông"- LS Trạch nêu quan điểm.
Điều 41. Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội. Thời hạn cấm là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo. Bộ Luật Hình sự 2015 |
Trước khi tòa nghị án, ông Nguyễn Quang Tuấn gửi lời xin các đồng nghiệp tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Tim Hà Nội, vì sai phạm của ông đã làm tổn thương họ; đồng...
Nguồn: [Link nguồn]