Lão nông U70 tự mày mò chế tạo robot và nhiều loại máy hữu dụng

Sự kiện: 24h vạn dặm

Chẳng được đào tạo qua trường lớp nào nhưng lão nông ấy đã chế ra rất nhiều loại máy móc được mọi người tin dùng và còn đang chế tạo cả robot.

Ông Nguyễn Văn Lượng, chủ nhân ngôi nhà xoay 360 độ “độc, lạ” nhất Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Lượng, chủ nhân ngôi nhà xoay 360 độ “độc, lạ” nhất Việt Nam

“Kỹ sư” không bằng cấp

Thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Lượng (SN 1957, ngụ tại phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) bỗng nhiên nổi tiếng rần rần trên mạng xã hội, báo đài, truyền hình. Chẳng là, mọi người biết đến ông với tư cách là chủ nhân ngôi nhà xoay 360 độ “có một không hai” ở Việt Nam. Ngôi nhà có điều khiển, thích mặt tiền xoay về hướng nào cũng được.

Thế nhưng ít người biết rằng, ngoài nhà xoay 360 độ, ông Lượng còn là một tay chế máy có tiếng trong vùng. Hàng chục loại máy móc đã được ông chế ra dù ông chẳng phải kỹ sư hay thợ cơ khí được đào tạo bài bản.

Ông Lượng chia sẻ, ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông. Từ bé chỉ theo cha mẹ ra đồng cấy lúa, trồng ngô...

Học hết lớp 7, ông đi làm thợ cơ khí. Quá trình đi làm, ông yêu thích các loại máy móc, từ đó, ông tìm tòi và nghiên cứu để chế ra các loại máy khác nhau.

“Tôi không trải qua trường lớp đào tạo nào về máy móc, cũng không có thầy dạy, tất cả đều do tôi tự học. Ngày xưa chưa có internet thì tôi tìm hiểu qua sách, báo. Giờ thì tôi lên mạng tìm đọc tài liệu, cứ thế mày mò làm ra những thứ mà mình muốn”, ông Lượng nói.

Theo ông Lượng, khả năng của ông là chế ra nhiều loại máy khác nhau từ những chiếc máy có sẵn để làm cho nó năng suất hơn, ưu việt hơn hoặc là có thể tận dụng nhiều loại máy đã cũ hỏng, lấy phụ tùng chế ra các loại máy khác nhằm tiết kiệm chi phí.

Ví dụ, từ một chiếc máy trộn bê tông cũ, ông có thể chế ra một chiếc máy trộn bê tông khác năng suất hơn, trộn đều hơn. Hay từ một chiếc máy xẻ gỗ, xẻ đá cũ phải dùng sức người nhiều, nguy hiểm khi sử dụng, ông chế để nó có thể tự động được nhiều thứ, an toàn hơn cho người sử dụng…

Những cuộc điện thoại liên tục gọi đến ông Lượng để hỏi thăm, hẹn tới xem nhà…

Những cuộc điện thoại liên tục gọi đến ông Lượng để hỏi thăm, hẹn tới xem nhà…

Những năm 90, khi công nông đầu ngang còn phổ biến, ông tự mày mò mua phụ tùng lắp ráp được một chiếc đầu máy mới. Ông cũng có thể tháo các thiết bị ở những đầu máy cũ để lắp thành một máy hoàn chỉnh…

“Mục đích của tôi là làm cho những máy móc nó trở nên tốt hơn, ưu việt hơn nhưng đặc biệt phải tiết kiệm được tiền cho người sử dụng”, ông Lượng cho hay.

Những chiếc máy do ông Lượng chế ra được nhiều người tin dùng. Nhiều người còn ngỏ ý mời ông về bao ăn, bao nuôi để chế máy cho doanh nghiệp nhưng tính ông thích tự do nên không đồng ý.

“Chúa Chổm” nghiên cứu chế tạo robot dọn cống

Ở cái tuổi U70, hôm nào ông Lượng cũng thức đến 1-2 giờ sáng để ngồi máy tính, tìm tài liệu. Ông bảo: “Tôi ít khi đi ngủ trước 2 giờ sáng lắm”. Điều đó cho thấy sự chịu khó tìm tòi, học hỏi không ngừng nghỉ của ông Lượng.

Người đàn ông Bắc Giang tiết lộ, ông đang nghiên cứu, chế tạo ra một con robot dọn bùn rác dưới lòng cống. Con robot đã thành hình và đang trong quá trình thử nghiệm, chạy bằng dầu thủy lực.

Robot dọn bùn rác dưới lòng cống đang được ông Lượng nghiên cứu và chạy thử nghiệm. Ảnh NVCC

Robot dọn bùn rác dưới lòng cống đang được ông Lượng nghiên cứu và chạy thử nghiệm. Ảnh NVCC

“Theo thiết kế của tôi, người dùng chỉ việc thả con con robot này xuống cống ở hố ga này và chờ nó ở hố ga kế tiếp. Nó sẽ đẩy bùn rác về một chỗ mà người công nhân không phải chui xuống cống. Nó cũng có thể tự thay đổi đường đi khi gặp các chướng ngại vật.

Hiện một số đơn vị vệ sinh môi trường đã liên hệ với tôi. Có đơn vị trong TP Hồ Chí Minh còn mời tôi vào và sẽ tài trợ toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở và nghiên cứu hoàn thiện con robot này nhưng tôi chưa đồng ý”, ông Lượng chia sẻ.

Ông Lượng cho biết thêm, ông đã thử nghiệm ít nhất 2 con robot dọn cống nhưng vẫn chưa thành công như mong đợi. Ông không bỏ cuộc, tuy nhiên vấn đề tài chính khiến ông không thể rút ngắn thời gian nghiên cứu.

Đi làm được đồng nào, ông lại đầu tư vào những nghiên cứu của mình. Sau khi làm ngôi nhà xoay và thử nghiệm robot dọn cống, số tiền mà ông Lượng bỏ ra đã lên đến vài tỷ đồng, nợ nần ngân hàng cũng không ít. Ông bảo mình đang nợ như “Chúa Chổm”.

Đã vài lần ông Lượng treo biển “Bán nhà”, ngôi nhà mà vợ chồng ông đang ở TP Bắc Giang để lấy tiền trả nợ. Mỗi lần như thế, con cái, anh em lại động viên, hỗ trợ kinh phí để ông không phải từ bỏ đam mê giữa chừng.

Bà Lê Bích Mai (SN 1961), vợ ông Lượng chia sẻ, cả 2 vợ chồng ông đều xuất phát từ con nhà nông nên điều kiện không khá giả. Số tiền ông Lượng bỏ ra để làm nhà xoay, nghiên cứu robot là rất lớn và số tiền vay nợ hiện tại cũng không hề nhỏ.

“Tôi đi bán hàng thuê, ông ấy cũng đi làm thuê, kinh tế gia đình chỉ bình thường nên lúc ông ấy đi vay mượn, bỏ ra vài tỷ để làm nhà xoay, mọi người trong nhà gàn nhưng tính ông ấy đã quyết làm cái gì là sẽ làm, không ai cản được. Đến giờ đã có thành công bước đầu, tôi cũng mừng cho ông ấy”, bà Mai bộc bạch.

---------------

Ngôi nhà của ông Lượng có thể xoay được 360 độ và ông có thể điều khiển nó ở bất cứ nơi đâu bằng một chiếc điện thoại thông minh. Nhiều người dân trong nước cũng như những đài truyền hình nước ngoài đã tìm đến tận nơi để “mục sở thị” ngôi nhà kỳ lạ này.

Mời độc giả đón đọc kỳ 2: Ngôi nhà kỳ lạ của lão nông U70, xoay 360 độ thách thức giới phong thủy vào lúc 10h ngày 4/9 trên mục Tin tức trong ngày.

Nguồn: [Link nguồn]

”Kho báu” treo lủng lẳng trong nhà của ông lão Sài Gòn

Hơn 10 năm tìm kiếm, ông Tầm đã có trong tay "kho báu" độc nhất vô nhị. Chúng được treo lủng lẳng trên cao và xếp ngay ngắn trong tủ kính phòng khách tại căn nhà ở quận...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Giang - Trần Như ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN