Hôn nhân đồng tính: Cấm hay cho?

Việc Bộ Tư pháp sửa đổi Luật Hôn nhân - Gia đình, trong đó có xem xét hợp pháp hóa quan hệ đồng giới đã tạo ra phản hồi rất tích cực trong cộng đồng người đồng tính (ước chiếm 3%-5% dân số nước ta). Cho phép hay tiếp tục cấm, vấn đề này cần được bàn thảo thỏa đáng.

Những người đồng tính đều mong muốn được đăng ký kết hôn, được đám cưới và được mọi người chúc phúc như bao người khác.

Không bị kỳ thị, được ủng hộ

“Chúng tôi cảm thấy cuộc sống chung rất hạnh phúc. Nếu Luật Hôn nhân - Gia đình cho phép người đồng tính được kết hôn, chúng tôi sẽ lập tức đi đăng ký kết hôn và tổ chức đám cưới” - một nữ đồng tính tên Bi tâm sự.

Bi và Bin là đôi bạn thân cùng học chung Khoa Thiết kế Trường ĐH Kiến trúc TPHCM. Từ chỗ thân thiết lâu ngày, họ nhận ra không thể sống thiếu nhau. “Lúc đầu, khi công bố hai đứa yêu nhau, ba mẹ tôi phản đối rất nhiều vì lo tôi khổ, ngại bị mọi người kỳ thị, sợ xã hội có những cái nhìn soi mói, thiếu thiện cảm đối với người đồng tính.

Nhưng chúng tôi sống tốt, học tốt và tìm được việc làm phù hợp nên bây giờ gia đình hai bên đã yên tâm” - Bi tâm sự. Hiện Bi và Bin đang cùng làm tại một công ty thiết kế ở TPHCM và họ đã dọn về sống chung được 2 năm.

Hôn nhân đồng tính: Cấm hay cho? - 1

Đám cưới của một đôi bạn đồng tính nam người Việt ở nước ngoài

Mái ấm của đôi bạn này hiện đang ở quận 4 - TPHCM. Hằng ngày, họ cùng nhau đi làm, chiều về cùng đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa…; ngày cuối tuần, cùng về thăm gia đình hai bên hoặc đi xem phim, du lịch. “Chúng tôi cũng như bao cặp khác cũng có những phút giây hạnh phúc và những tranh cãi vì bất đồng trong công việc.

Sau những bất đồng, chúng tôi thấy hiểu nhau hơn và càng muốn gắn bó với nhau nhiều hơn” - Bin chia sẻ. Ở chỗ làm, đồng nghiệp đều biết họ là một cặp nhưng chẳng ai kỳ thị, soi mói; ngược lại còn ủng hộ. “Chúng tôi mong muốn mình có cuộc hôn nhân được công nhận, có một đám cưới. Lớn hơn nữa là chúng tôi khao khát được xin con nuôi” - Bi nói, mắt ánh lên niềm vui.

Khát khao mái ấm gia đình

Trong quá trình tìm hiểu về người đồng tính, chúng tôi gặp Jacky Trần, giám đốc một công ty thiết kế web ở quận 1 - TPHCM. Jacky quê TP Vũng Tàu, một mình lên TPHCM học tập, làm việc từ năm 15 tuổi. “Khoảng năm 11 tuổi, tôi nhận ra mình thích người cùng phái chứ không để ý đến các bạn khác phái như nhiều bạn bè cùng trang lứa.

Đến năm học lớp 12, tôi mạnh dạn thưa chuyện cùng ba mẹ rằng tôi là người đồng tính. Lúc ấy, ba tôi im lặng, còn mẹ thì nhẹ nhàng: “Ba mẹ biết rồi. Ba mẹ chỉ mong con sống tốt, thành người có ích”. Lúc ấy, tôi chỉ biết khóc vì cảm động và cảm ơn sự chia sẻ của ba mẹ” - Jacky nói.

Không phụ lòng gia đình và chứng minh mình cũng có khát vọng vươn tới như người bình thường, Jacky đã tốt nghiệp Khoa Sinh học Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) và Khoa Quản trị Thương mại - Trường ĐH RMIT.

Jacky từng làm việc tại một ngân hàng lớn ở TPHCM. Ở đó, Jacky cũng nói cho nhiều đồng nghiệp biết anh là người đồng tính. “Trái hẳn những dự định của tôi là mọi người cảm thấy sốc rồi xa lánh nhưng mọi người lại cảm thông và thân thiện” - anh kể. Rời ngân hàng, Jacky mở công ty riêng và hiện anh là admin (quản trị) của một trang mạng điện tử ủng hộ người đồng tính.

Jacky cho biết anh đã có một người yêu mới, đồng tính, đang làm kỹ thuật viên cho một công ty phần mềm. Cả hai yêu nhau được 2 năm, đang có dự định sống chung. Anh kể thêm: “Tôi đã giới thiệu bạn với gia đình, ba mẹ tôi rất vui và ủng hộ. Còn gia đình bạn vẫn chưa biết nhưng mẹ bạn rất quý tôi” - Jacky kể.

Jacky không giấu được niềm vui khi nghe tin Luật Hôn nhân - Gia đình sẽ sửa đổi, trong đó có hướng mở cho hôn nhân đồng tính. “Chúng tôi khao khát có một mái ấm như bao cặp dị tính khác. Nếu luật công nhận hôn nhân đồng tính thì đó là điều hạnh phúc với chúng tôi. Chúng tôi sẽ đăng ký kết hôn và tổ chức một đám cưới nho nhỏ, ấm cúng, có mặt gia đình hai bên và những người bạn thân thiết nhất” - Jacky tâm sự.

Hiện tượng xã hội có thật

Anh Huỳnh Minh Thảo, đại diện truyền thông của Tổ chức Bảo vệ người đồng tính, song tính và chuyển đổi giới tính, cho rằng: “Hiện nay, việc sống chung giữa những người cùng giới tính là một hiện tượng xã hội có thật, từ đó phát sinh các quan hệ về nhân thân, tài sản và con (nhận con nuôi). Tuy nhiên, pháp luật chưa thừa nhận hôn nhân của người đồng tính nên chưa có những cơ chế pháp lý điều chỉnh...

Công nhận hôn nhân đồng tính, theo anh Thảo, không chỉ hỗ trợ người đồng tính có cuộc sống hôn nhân bình thường mà còn giúp họ thoát khỏi sự kỳ thị của xã hội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Đào (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN