Hải Vân Quan đông khách ngày đầu mở cửa

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc
Nữ miền Bắc

Nhiều du khách tới Hải Vân Quan trong ngày đầu mở cửa hôm nay, sau ba năm công trình được trùng tu, phục hồi theo nguyên trạng dưới thời nhà Nguyễn.

Hải Vân Quan đông khách ngày đầu mở cửa - 1

Hải Vân Quan đông khách ngày đầu mở cửa - 2

Hải Vân Quan nằm trên đỉnh đèo Hải Vân, giữa địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Công trình gần 200 năm tuổi, được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn, được hai địa phương phối hợp trùng tu, phục hồi từ ngày 19/12/2021.

Trong ảnh là Hải Vân Quan khi hoàn thành trùng tu (ảnh trước), nhìn về hướng bắc, địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế. Di tích từng bị bỏ rơi suốt 20 năm (ảnh sau), vì nằm trong vùng chồng lấn địa giới và hai địa phương không thống nhất được việc làm hồ sơ xin công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Tháng 4/2017, lãnh đạo ngành văn hóa Đà Nẵng và Huế đã bắt tay nhau trùng tu, khi Hải Vân Quan được công nhận là di tích cấp quốc gia.

Hải Vân Quan đông khách ngày đầu mở cửa - 3

Sáng 1/8, di tích được mở cửa để người dân, du khách tham quan miễn phí. Rất đông du khách trong và ngoài nước đã lên đỉnh Hải Vân từ sớm, chờ đợi vào tham quan.

Hải Vân Quan được xây dựng ở độ cao 490 m so với mực nước biển, vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826). Đây là công trình cửa ngõ trên con đường thiên lý Bắc Nam để kiểm soát tàu bè ra vào vịnh Đà Nẵng và là cụm phòng thủ quân sự quan trọng với hệ thống thành lũy, pháo đài thần công, được mệnh danh là "yết hầu" của kinh đô Huế. Giữa cổng chính dòng chữ Hải Vân Quan khắc bằng Hán tự trên đá. Tường bao quanh cũng được xây bằng đá.

Hải Vân Quan đông khách ngày đầu mở cửa - 4

9h sáng, lãnh đạo ngành văn hoá thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế mở cửa chính di tích Hải Vân Quan để đón khách. Công trình được nghiên cứu phục hồi sát với kiến trúc triều Nguyễn, với cổng chính sử dụng gạch vồ.

Ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao TP Đà Nẵng (đi đầu bên phải), nói hai địa phương xác định Hải Vân Quan là di sản quốc gia nên đã phối hợp trùng tu để đưa vào tham quan phục vụ du khách và phát huy giá trị lịch sử.

Hải Vân Quan đông khách ngày đầu mở cửa - 5

Cổng phía sau di tích Hải Vân Quan dẫn ra ụ gác cao nhất được mệnh danh "Thiên hạ đệ nhận hùng quan" cũng được nhiều người check in, trước khi di chuyển ra các vọng gác. Những vách tường đá sau thời gian phơi mưa nắng đã lên rêu, tạo vẻ cổ kính.

Hải Vân Quan đông khách ngày đầu mở cửa - 6

Nhà trú sở, nơi làm việc, nghỉ ngơi của binh lính thời xưa, nằm ngay sau cổng chính của di tích Hải Vân Quan. Đây là nơi khách ghé đến đầu tiên.

Nhà được phục hồi theo dấu tích khảo cổ và ảnh tư liệu, với tường gạch vâu ban, trụ gỗ có đế đá, mái ngói.

Hải Vân Quan đông khách ngày đầu mở cửa - 7

Phía sau nhà trú sở là nhà vũ khố, nơi cất giữ và bảo quản vũ khí. Nhà cũng được trùng tu với tường gạch, trụ gỗ, mái ngói.

Chị Đào Thị Trang Nhung, 25 tuổi, quê Quảng Nam, cho biết kiến trúc cổ thì nhiều nơi có, nhưng Hải Vân Quan là nơi có thể nhìn về cả Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. "Nơi đây là điểm check in cho cả người trung niên và giới trẻ", chị Nhung nói.

Hải Vân Quan đông khách ngày đầu mở cửa - 8

Khách tham quan di chuyển trên bậc thang lên "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Nhân viên bảo vệ phải lập rào chắn để giới hạn số lượng người, tránh ảnh hưởng đến di tích.

Bậc thang đi lại được làm rào chắn bằng dây thép, đồng thời đặt biển cảnh báo "khu vực nguy hiểm" để du khách lưu ý khi di chuyển.

Hải Vân Quan đông khách ngày đầu mở cửa - 9

Bên trong nhà trú sở là các chú giải bằng tiếng Việt và tiếng Anh về di tích Hải Vân Quan để khách tìm hiểu, trước khi tham quan toàn bộ công trình. Thời gian tới, các bảng chỉ dẫn này sẽ được gắn bảng QR code, với nhiều thứ tiếng để du khách thuận tiện tra cứu.

Hải Vân Quan đông khách ngày đầu mở cửa - 10

Một đoàn khách đến từ Tây Ban Nha tham quan Hải Vân Quan sáng 1/8. Nhóm khách dành thời gian đi hết khuôn viên di tích, phóng tầm mắt nhìn về hướng biển Đà Nẵng và vịnh Lăng Cô (Huế).

Anh Manuel (cầm điện thoại) cho biết rất bất ngờ khi một di tích hàng trăm năm tuổi được trùng tu gần như nguyên vẹn và quy mô để du khách có thể tham quan, tìm hiểu lịch sử.

"Nơi đây tạo không gian cổ kính, nhìn về biển Đà Nẵng hay dãy núi Hải Vân đều rất hùng vĩ. Chúng tôi rất thích điểm đến này", anh Manuel nói.

Hải Vân Quan đông khách ngày đầu mở cửa - 11

Những địa điểm vọng gác ngắm cảnh hay phía trên cửa thành là nơi nhiều người lựa chọn để chụp ảnh lưu niệm.

Hải Vân Quan đông khách ngày đầu mở cửa - 12

Một du khách nước ngoài chụp lại bức tường đá ở Hải Vân Quan. Gần đây, nhiều đoàn khách tìm đến di tích nhưng chưa mở cổng nên chỉ có thể chiêm ngưỡng từ bên ngoài.

Hải Vân Quan đông khách ngày đầu mở cửa - 13

Di tích Hải Vân Quan nhìn về phía nam, bao quát được toàn bộ thành phố và vịnh Đà Nẵng.

Từ năm 1945 đến 1975, nhiều hạng mục công trình quân sự được xây dựng thêm ở Hải Vân quan để quân lính trấn giữ con đường huyết mạch bắc nam. Trên đỉnh của hai cổng Hải Vân Quan và "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" được xây thêm những hệ thống pháo đài công sự để quan sát và đặt súng ống, xung quanh có nhiều lô cốt. Sau trùng tu, các pháo đài công sự trên đỉnh hai cổng đã được hạ giải, còn lại 5 lô cốt được tu bổ, chống xuống cấp để giữ lại dấu tích lịch sử.

Nguồn: [Link nguồn]

Bắt đầu tiến hành trùng tu vào năm 2018, lăng mộ 3 vua triều Nguyễn là Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân nay được mở cửa đón khách tham quan.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Đông ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN