GS Nguyễn Trần Hiển: Vắc xin ngừa sởi rẻ, an toàn

Sự kiện: Dịch sởi

Vắc xin sởi rất an toàn và không gây nhiều tác dụng phụ. Việc tiêm đầy đủ 2 mũi ngừa sởi là biện pháp tốt nhất để phòng tránh bệnh sởi cho trẻ nhỏ.

Bệnh sởi đang quay trở lại và đáng lo ngại trong cộng đồng dân cư khi số bệnh nhi mắc bệnh này tăng cao, phần lớn do chưa được tiêm chủng vắc xin ngừa sởi. Báo Infonet đã có cuộc trò chuyện với GS Nguyễn Trần Hiển - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương về vai trò của công tác tiêm chủng ngừa bệnh sởi.

Vắc xin sởi an toàn mà rẻ

Thưa Giáo sư, trong chương trình tiên chủng mở rộng Quốc gia, đối với trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên sẽ được tiêm phòng bệnh sởi, xin ông cho biết vai trò của việc tiêm phòng bệnh sởi?

GS Nguyễn Trần Hiển: Tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh sởi hiệu qủa nhất. Để phòng bệnh có hiệu qủa trẻ cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi. 

Vắc xin sởi là vắc xin lâu đời, đã được sử dụng trên 50 năm trên thế giới, là một vắc xin đã được chứng minh là an toàn, hiệu qủa và rẻ tiền. Nhờ có vắc xin sởi, tỷ lệ tử vong do bệnh sởi ở trẻ em trên thế giới giảm 78% năm 2012 so với năm 2000. 

Ở Việt Nam, nhờ đạt và duy trì tỷ lệ tiêm chủng 2 mũi vắc xin sởi trên phạm vi toàn quốc đạt tỷ lệ cao trên 90%, và thực hiện nhiều chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi cho các đối tượng nguy cơ cao vào các năm 2002, 2003, 2007-2008 và 2010, tỷ lệ mắc sởi của Việt Nam liên tục giảm. 

Từ năm 1984 đến nay, người mắc sởi giảm từ 150,5/100.000 dân xuống còn 0,65/100.000 năm 2012,  có nghĩa là tỷ lệ mắc sởi giảm 231 lần so với năm 1984. 

Tổ chức y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình dương đã xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vắc xin sởi cho trẻ em nhằm đạt mục tiêu loại trừ sởi ở khu vức vào năm 2017 (nghĩa là giảm tỷ lệ mắc sởi xuống dưới 1/ triệu dân).

GS Nguyễn Trần Hiển: Vắc xin ngừa sởi rẻ, an toàn - 1

GS Nguyễn Trần Hiển cho biết việc ngừa bệnh bằng vắc xin là cần thiết

Hiện nay, ở Việt Nam vắc xin phòng ngừa sởi chủ yếu sử dụng loại nào, thành phần ra sao? Vắc xin phòng sởi đơn có tác dụng phụ gì không?

GS Nguyễn Trần Hiển: Hiện chương trình tiêm chủng mở rộng đang sử dụng vắc xin sởi của Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế của Việt Nam sản xuất. 

Đây là vắc xin sởi sống giảm độc lực, được sản xuất trên tế bào phôi gà tiên phát. Vắc xin chống chỉ định cho người có mẫn cảm với thành phần của vắc xin, phụ nữ có thai, người bị nhiễm trùng cấp tính, bệnh lao tiến triển, suy giảm miễn dịch. 

Vắc xin là an toàn và hiệu qủa. Phản ứng phụ là đau, sưng đỏ tại chỗ tiêm, một số trẻ có thể có sốt, nổi ban, sổ mũi, và tự khỏi sau 1-2 ngày. Rất hiếm gặp co giật, viêm não, giảm tiểu cầu (tỷ lệ <1/ triệu).

Không có vắc xin nào hiệu quả 100%

Thưa ông, nhiều bậc phụ huynh lo lắng khi con em họ tiêm phòng sởi nhưng vẫn bị bệnh này. Họ lo lắng chất lượng vắc xin tiêm chủng không tốt. Xin ông giải thích nguyên nhân vẫn có thể mắc bệnh dù đã tiêm phòng ngừa bệnh?

GS Nguyễn Trần Hiển: Không có vắc xin nào có hiệu qủa bảo vệ 100%. Nếu trẻ được tiêm một mũi vắc xin sởi lúc 9 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vắc xin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%. Sau khi mắc sởi xong hoặc sau khi được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng thì có miễn dịch có thể bền vững suốt đời.

Trong thời gian qua dịch xảy với qui mô nhỏ, tản phát, rải rác ở một số tỉnh. Bệnh xảy ra ở những trẻ hoặc chưa được tiêm, hoặc đã được tiêm chỉ một mũi lúc 9 tháng tuổi, hoặc đã được tiêm mà vì một lý do nào đó trẻ không có đáp ứng miễn dịch tốt, hoặc trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi sinh ra từ những bà mẹ mà trước đó chưa được tiêm vắc xin sởi hay chưa từng mắc sởi. Khi mà có tích lũy đủ lớn số trẻ chưa có miễn dịch thì sẽ xảy ra dịch. Bệnh thường có tính chu kỳ từ 3-5 năm.

GS Nguyễn Trần Hiển: Vắc xin ngừa sởi rẻ, an toàn - 2

Trẻ tiêm sởi không đủ 2 mũi vẫn có thể mắc bệnh

Dịch sởi xảy ra không phải là do chất lượng tiêm chủng mà do tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng chưa cao và chưa bao phủ tất cả các đối tượng trẻ em. 

Bệnh xảy ra chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc vì ở khu vực này, đặc biệt vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc xin không cao như các khu vực đồng bằng và thành phố khác do có nhiều khó khăn về địa dư và văn hóa. 

Bên cạnh đó trong thời gian qua do quá lo sợ về phản ứng sau tiêm nên nhiều cha mẹ ngại không đưa con đi tiêm chủng các vắc xin phòng bệnh, bao gồm cả vắc xin sởi. Tỷ lệ tiêm sởi mũi 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi đạt thấp ở nhiều tỉnh. Hoặc bố mẹ trẻ chủ quan cho rằng bệnh sởi đã được loại trừ nên không cần tiêm vắc xin nữa.

Dân số nước ta ngày càng đông hơn song song với đó là hội nhập kinh tế phát triển cũng mang lại nhiều khó khăn hơn cho ngành y tế như dịch bệnh lây lan từ nước ngoài.  Việc tiêm vắc xin là biện pháp giảm gánh nặng cho ngành y tế, theo ông việc cần làm lúc này đối với công tác y tế dự phòng là gì?

GS Nguyễn Trần Hiển: Như trên đã nói, tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh sởi hiệu qủa nhất. Để phòng không xảy ra dịch cần đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng với tỷ lệ cao trên 95%. Đề đạt được mục tiêu này, cần phải thực hiện những định hướng chiến lược chủ yếu trong chương trình tiêm chủng mở rộng dưới đây:

Thứ nhất, tiêm chủng mở rộng (TCMR) phải được coi là một giải pháp hữu hiệu để đạt tới mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ tử vong trẻ em. Do vậy cần phải có sự cam kết chính trị mạnh mẽ hơn nữa của Chính phủ và chính quyền các cấp để thực hiện giải pháp này; tiếp tục đặt công tác TCMR là một mục tiêu ưu tiên  quốc gia, xây dựng chiến lược và lộ trình bảo đảm tính bền vững của Chương trình từ nguồn ngân sách Nhà nước và địa phương cũng như của chính người dân trong khi nguồn viện trợ quốc tế có xu hướng giảm dần.

Thứ hai, tăng cường công tác truyền thông giáo dục làm cho mỗi địa phương, mỗi gia đình, mỗi người dân coi đây là một phần công việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của con em mình.  Cần tuyên truyền rõ cho người dân về tầm quan trong của tiêm vắc xin sởi cho trẻ em theo đúng lich tiêm chủng với tỷ lệ tiêm chủng cao và đầy đủ. 

Bên cạnh tiêm chủng theo lịch phải tổ chức các chiến dịch tiêm vắc xin sởi bổ sung nhằm bao phủ tất cả các đối tượng chưa được tiêm chủng trước đó bao gồm cả trẻ lớn hơn. Khi trẻ mắc bệnh phải thông báo cho cán bộ y tế để dược tư vấn chăm sóc và điều trị kịp thời. 

Ngành y tế cần tăng cường giám sát ca bệnh, thu dung điều trị bệnh nhân và xử lý dịch kịp thời. Việc tiêm vắc xin chống dịch cần dựa trên tình hình thực tế ổ dịch/dịch để xác định phạm vi và đối tượng tiêm vắc xin theo sự hướng dẫn của Viện Vệ sinh dịch tễ và Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia.

Thứ ba, không ngừng hoàn thiện hệ thống tổ chức và củng cố nguồn nhân lực của Chương trình TCMR ở tất cả các tuyến nhằm triển khai có hiệu quả dịch vụ tiêm chủng có chất lượng cao. Xây dựng chiến lược, kế hoạch và lộ trình phù hợp để nâng cao và giữ vững tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cũng như bảo đảm chất lượng tiêm chủng cho đối tượng ở miền núi, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có nhiều dân di biến động, coi đây là một trong những biện pháp hàng đầu giữ vững thành quả TCMR và đảm bảo công bằng trong thụ hưởng dịch vụ tiêm chủng của người dân. 

Thứ tư, bảo đảm duy trì thường xuyên tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 95%. Tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực hệ thống giám sát dịch tễ và năng lực các phòng thí nghiệm chuẩn thức quốc gia.

Thứ 5, tiếp tục tăng cường và đa phương hóa, đa dạng hóa các hình thức hợp tác Quốc tế nhằm tranh thủ sự giúp đỡ, viện trợ của chính phủ và các tổ chức quốc tế cho Chương trình TCMR.

Vâng xin cảm ơn Giáo sư!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Ngọc (Infonet.vn)
Dịch sởi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN