EVN Hà Nội lý giải vì sao hóa đơn tiền điện tháng 5/2023 tăng cao đột biến

Sự kiện: Tin ngắn

Nhiều người dân Thủ đô phản ánh mức dùng điện vẫn thế nhưng tiền điện tháng 5/2023 lại tăng lên nhiều so với tháng trước.

Lượng điện tiêu thụ tại Hà Nội trong những tháng gần đây. Ảnh EVNHANOI

Lượng điện tiêu thụ tại Hà Nội trong những tháng gần đây. Ảnh EVNHANOI

Hóa đơn tiền điện tăng cao đột biến

Thời gian gần đây, nhiều người dân ở Thủ đô phản ánh việc hóa đơn tiền điện tháng 5 tăng lên, thậm chí có hộ gia đình tăng lên gần gấp 2 trong khi mức sử dụng các thiết bị điện cơ bản vẫn như trước.

Chị Đ.T.H ở Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, bình thường, ban ngày cả gia đình chị đi làm, chỉ tối mới về nhà. Các thiết bị điện vẫn dùng như vậy; điều hòa chỉ đến lúc đi ngủ mới bật, thế nhưng tiền điện tháng 5/2023 tăng lên gần gấp đôi so với tháng 4.

“Tháng 4, gia đình tôi hết hơn 900.000 đồng tiền điện, đến tháng 5 thì hết hơn 1,7 triệu đồng. Gia đình tôi sử dụng điện về cơ bản vẫn như tháng trước, tôi nghĩ nếu có tăng cũng chỉ lên một chút, không ngờ lên gần gấp 2 như vậy”, chị H. chia sẻ.

Không chỉ gia đình chị H. mà nhiều gia đình khác cũng gặp tình trạng tương tự khi hóa đơn tiền điện tháng 5 đều cao hơn so với tháng 4.

Lý giải điều này, Tổng công ty điện lực Hà Nội (EVNHANOI) cho biết, trong tháng 5 và nửa đầu tháng 6 vừa qua, thời tiết của Thủ đô liên tục xuất hiện những đợt nắng nóng cực đoan trên diện rộng. Kéo theo đó, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện làm mát, đặc biệt là điều hòa đã khiến lượng điện tiêu thụ tại các hộ dân tăng vọt, dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng cao đột biến.

Theo thống kê của EVNHANOI, lượng điện tiêu thụ trung bình ngày trên toàn thành phố tháng 4 là 61.542 triệu kWh, tháng 5 là 75.326 triệu kWh, đặc biệt mới chỉ nửa đầu tháng 6 (tính đến 16/6/2023) đã lên tới 83.507 triệu kWh.

Như vậy, bình quân lượng điện tiêu thụ tháng 5 đã tăng hơn 22% so với bình quân tháng 4 và dự báo, tháng 6 sẽ còn tiếp tục tăng cao.

“Các chuyên gia lý giải, theo nghiên cứu, tiêu thụ điện của điều hòa nhiệt độ chiếm từ 28 - 64%, có khi đến 80% tổng lượng điện tiêu thụ của gia đình. Cứ nhiệt độ ngoài trời tăng lên 1 độ C thì tiêu thụ điện của điều hòa tăng từ 2 - 3% tùy loại. Nếu nhiệt độ ngoài trời tăng lên 5 độ C thì lượng điện tiêu thụ tăng 10%.

Chính bởi nguyên lý vận hành trời càng nóng thì máy điều hòa càng tốn điện, do đó, có thể cùng mức sử dụng 8 - 10 tiếng/ngày, nhưng điều hòa chạy trong nền thời tiết 35 – 40 độ C sẽ tốn điện hơn hẳn dịp đầu hè, khi nền nhiệt độ khoảng 30 – 35 độ C.

Bên cạnh đó, cứ hạ 1 độ C trong phòng điều hòa lại tốn thêm 1,5 - 2% lượng điện tiêu thụ.

Hiểu rõ điều này, người sử dụng điện sẽ tìm được lời giải cho thắc mắc: vì sao thời gian dùng điều hòa cũng như tháng trước, nhưng tiền điện tăng thêm”, EVNHANOI giải thích.

EVNHANOI lý giải vì sao hóa đơn tiền điện tăng lên. Ảnh minh họa: Tổng Công ty Điện lực miền Nam

EVNHANOI lý giải vì sao hóa đơn tiền điện tăng lên. Ảnh minh họa: Tổng Công ty Điện lực miền Nam

Giải pháp tiết kiệm điện

Nhằm giải quyết về nỗi lo “ngốn điện” của không chỉ điều hòa mà còn tất cả các thiết bị điện khác, EVNHANOI khuyến nghị khách hàng, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cùng chung tay sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Mọi người nên tắt các thiết bị điện không cần thiết và hạn chế sử dụng các thiết bị có công suất lớn vào khung giờ cao điểm của tiêu thụ điện: từ 10h00 đến 14h00 và từ 19h00 đến 23h00 hằng ngày; không sử dụng nhiều đồ dùng điện cùng một lúc để tránh quá tải cục bộ lưới điện đồng thời đề phòng các nguy cơ gây cháy nổ lưới điện, trạm điện và khu dân cư.

Bên cạnh đó, EVNHANOI cũng khuyến cáo, để hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến do nhu cầu sử dụng điện tăng cao, khách hàng nên lựa chọn và sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng theo quy định của Bộ Công thương.

Thường xuyên vệ sinh bảo dưỡng để các thiết bị hoạt động ổn định, tiết kiệm cũng như nâng cao tuổi thọ.

Một điều rất quan trọng với hầu hết các thiết bị điện trong gia đình là hãy rút phích cắm khi không sử dụng, bởi mặc dù không dùng nhưng chúng vẫn góp phần làm cho hóa đơn tiền điện tăng lên.

Theo viện nghiên cứu Berkeley, California, Mỹ: Những thiết bị chưa rút phích, dù không sử dụng, cũng sẽ tiêu thụ khoảng 5% - 10% lượng điện năng tiêu thụ trong gia đình.

Nguồn: [Link nguồn]

Thua kiện, 2 công ty điện lực phải thanh toán gần 12 tỷ đồng tiền điện

Tổng Công ty Điện lực miền Trung và Công ty Điện lực Gia Lai thua kiện 2 doanh nghiệp điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) và bị buộc phải thanh toán gần 12 tỷ đồng tiền điện chưa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Giang ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN