Dừng ký cam kết khi tiêm vắc xin

“Những điểm tiêm chủng bắt người dân ký cam kết trước khi tiêm vắc xin viêm gan B sẽ phải dừng, vì không đúng quy định Bộ Y tế”.

GS.TS.Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết như trên tại buổi tọa đàm trực tuyến “Tiêm chủng mở rộng: Những vấn đề cần giải đáp” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức hôm nay (2/8).

Tại buổi tọa đàm, một người dân gửi câu hỏi đến các vị chuyên gia y tế cho biết, ngày 30/7, báo chí nêu nhiều bệnh viện, cơ sở y tế bắt người nhà trẻ nhỏ đi tiêm vắc xin phải ký vào giấy tự chịu trách nhiệm nếu có sự cố. Phải chăng những bệnh viện đó có ý chạy trách nhiệm hoặc muốn đổ bớt trách nhiệm về phía người bệnh khi mà họ không dám bảo đảm chất lượng vắc xin mà họ dùng, cũng như kĩ thuật và xử lí khi gặp rủi ro?

Dừng ký cam kết khi tiêm vắc xin - 1

Theo GS.TS. Trịnh Quân Huấn, những điểm tiêm chủng bắt người dân ký cam kết trước khi tiêm vắc xin viêm gan B là trái với quy định

Tại buổi tọa đàm, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho rằng việc bệnh viện bắt người nhà ký cam kết trước khi tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ là không đúng quy định của Bộ Y tế.

GS. Hiển giải thích, trong Thông tư 23 của Bộ Y tế  nói rõ công tác tiêm chủng an toàn và chất lượng phụ thuộc vào quy trình tiêm chủng mà ở đây vai trò của cán bộ y tế. Cụ thể, từ tổ chức buổi tiêm, bảo quản, vận chuyển vắc xin, thao tác sau khi tiêm, lưu trữ hồ sơ…là trách nhiệm của điểm tiêm chủng và cán bộ y tế ở đó.

Tuy nhiên, trong phiếu tiêm chủng cũng nói rõ bà mẹ cần hợp tác với cán bộ y tế như: Khi cho trẻ đi tiêm, mang phiếu tiêm chủng, đọc kỹ áp phích về quy trình tiêm chủng... Đặc biệt, đối chiếu thực hành tiêm chủng có phù hợp với quy định không, nếu không phù hợp thì có quyền không cho con tiêm và nhắc cán bộ y tế thực hiện đúng quy trình.

Ông Hiển cho rằng, để giảm thiểu tai biến khi tiêm chủng, các bà mẹ cũng phải thông báo cho cán bộ y tế về tiền sử, tình hình sức khỏe của trẻ trước khi khi tiêm, phản ứng sau tiêm của mũi vắc xin trước… để bác sỹ cho chỉ định phù hợp. “Các bà mẹ có quyền hỏi cán bộ y tế xem con tôi được tiêm vắc xin gì hôm nay, phải theo dõi trẻ thế nào, theo dõi trẻ đúng 30 phút tại điểm tiêm và sau đó là theo dõi trẻ 1-2 ngày sau tiêm tại nhà”, ông Hiển nói.

Dừng ký cam kết khi tiêm vắc xin - 2

Các chuyên gia khuyến nghị các bà mẹ tiếp tục đưa các cháu đến tiêm chủng ở các điểm tiêm

GS. Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cũng bổ sung thêm. “Tôi xin nói thêm là tại điểm tiêm chủng, cán bộ y tế phải ký cam kết thực hiện đúng quy trình tiêm chủng của Bộ Y tế, cái này cần phải thực hiện nghiêm túc. Còn những điểm tiêm chủng bắt người dân ký cam kết thì sẽ phải dừng vì thực hiện không đúng Thông tư 23 của Bộ Y tế”.

GS. Trịnh Quân Huấn cho biết, không riêng gì ở Việt Nam, mà ở tất cả các nước sau khi có những trường hợp tai biến sau tiêm, tỷ lệ tiêm chủng giảm nhanh. Đây cũng là điều quan trọng mà Chính phủ cũng như Bộ Y tế các nước, đặc biệt là Việt Nam quan tâm.

Các chuyên gia khuyến nghị các bà mẹ tiếp tục đưa các cháu đến tiêm chủng ở các điểm tiêm. Tất nhiên, Bộ Y tế sẽ xem lại quy trình tiêm chủng, bổ sung lại quy trình, sửa đổi, xem lại các liên quan đến vấn đề vắc xin, liên quan đến các hoạt động khác, kể cả việc xem lại tổ chức của hội đồng đánh giá vắc xin một cách độc lập cũng đang được xem xét để làm sao nâng cao chất lượng trong vấn đề tiêm chủng cho các cháu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Trịnh ([Tên nguồn])
Trẻ tử vong sau tiêm vắc xin Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN