Cam kết trước tiêm vắc xin: Sai quy định
Việc bệnh viện bắt người nhà ký cam kết trước khi tiêm vắc xin viêm gan cho trẻ là trái với quy định.
Bắt ký cam kết trước tiêm, dừng tiêm 24h đầu đều trái quy định
TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, việc bệnh viện bắt người nhà ký cam kết trước khi tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh như ở BV Phụ sản Mêkông (TP.HCM) là không cần thiết và trái với quy định.
“Tiêm chủng mở rộng nằm trong mục tiêm chủng bắt buộc theo điều 25 của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, vì nó là chương trình rất rộng lớn, nhà nước bảo trợ, tiêm miễn phí nhằm không chỉ bảo vệ những trẻ được tiêm mà trẻ ko mắc bệnh không lây lan bệnh đó ra cộng đồng, đảm bảo sức khỏe chung cho cộng đồng.
Các cha mẹ, những người bảo hộ trẻ có trách nhiệm phải đưa con trong diện tiêm chủng đến các địa điểm để tiêm chủng. Ngành y tế có nhiệm vụ tổ chức buổi tiêm cho tốt, thuận lợi với người dân”, TS Bình nói.
Theo luật này nếu có sai sót nhà nước sẽ chịu trách nhiệm đầu tiên. Rồi cơ quan chuyên môn sẽ lập hội đồng tổ chức ddieuf tra xem sai sót ở đâu, sai sót thuộc cá nhân, tổ chức nào thì tiếp theo cá nhân, tổ chức đó sẽ phải chịu trách nhiệm.
TS Bình khẳng định BV bắt người nhà ký cam kết trước tiêm, dừng tiêm trong 24h là trái quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm
TS Bình cũng khẳng định thêm, các bệnh viện, cơ sở tiêm chủng ngừng tiêm vắc xin viêm gan B 24h đầu sau sinh là sai, bởi bộ chỉ dừng tiêm 2 lô vắc xin gây tai biến ở Quảng Trị chứ các lô khác vẫn tiêm như thường. 2 lô vắc xin bị đình chỉ có khoảng trên 200.000 liều. Hiện bộ có đủ số vắc xin để bù cho địa phương vào số lô vắc xin bị tạm dừng tiêm.
Theo PGS.TS Trịnh Quân Huấn, Nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, các nghiên cứu khoa học đã có đủ bằng chứng khẳng định việc tiêm mũi vắc xin viêm gan B mũi 1 trong vòng 24h sau sinh là thời điểm tốt nhất để trẻ có thể phòng được bệnh tốt hơn so với trẻ tiêm muộn. Tại Mỹ, vắc xin viêm gan B được khuyến cáo tiêm trong vòng 12 giờ đầu sau khi sinh . Cơ chế tiêm sớm này được giải thích như khi chúng ta tiêm vắc xin Dại. Khi bị chó dại cắn nếu tiêm vắc xin Dại muộn thì nguy cơ tử vong rất cao .
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Dân số, Bộ Y Tế mỗi năm tỷ suất chết của trẻ dưới 1 tuổi ở Việt Nam là 15,8/1000 trẻ đẻ sống. Tại Mỹ, tỷ suất chết của trẻ dưới một tuổi được tính theo hội chứng đột tử -SIDS. Năm 2010 tỷ suất này là 6.5/1000 trẻ và năm 2011 là 6,4/1000 trẻ đẻ sống .
Do đó, PGS.TS Huấn cho rằng việc tiêm vắc xin cho trẻ dưới 1 tuổi kể cả tiêm trong vòng 24h sau sinh thì sự trùng hợp ngẫu nhiên của việc tiêm vắc xin với trẻ tử vong hàng ngày ở Việt nam có tần suất trùng hợp là rất cao .
“Một nghiên cứu của Hệ thống quốc gia báo cáo các tai biến sau tiêm vắc xin viêm gan B (VAERS) của Mỹ đã xác nhận : Trong số 86 triệu liều vắc xin viêm gan B tái tổ hợp đã tiêm từ 1991 đến 1998 có 18 trẻ đã tử vong có liên quan đến vắc xin. Đặc biệt năm 1993 có 7 trẻ tử vong sau tiêm; Năm 1996 có 6 trẻ tử vong sau tiêm. Đã có 17 trẻ được mổ tử thi và hầu hết đều được kết luận do hội chứng đột tử - SIDS mà không liên quan đến tiêm văc xin viêm gan B”, PGS.TS Huấn cho biết.
1 điểm tiêm chủng không được tiêm quá 50 trẻ/ngày
Một trong những việc phòng tránh tai biến sau tiêm chủng là trẻ phải được khám sàng lọc trước tiêm. Nếu phát hiện trẻ mắc bệnh hoặc có dấu hiệu bất thường về sức khỏe cán bộ tiêm chủng cần phải có chỉ định hoãn tiêm. Tuy nhiên, trên thực tế việc khám sàng lọc cho trẻ trước tiêm tại các điểm tiêm chủng hiện nay của Việt Nam rất kém.
TS Bình cho biết: “Hiện tại các xã, phường chỉ có một buổi tiêm chủng trong tháng, do đó mỗi điểm tiêm tiếp nhận 100-150 trẻ, thậm chí nhiều hơn. Như thế là quá đông, không có thời gian để khám sàng lọc cho trẻ và dễ khiến cán bộ tiêm chủng mắc sai sót trong quy trình tiêm”.
Mỗi điểm tiêm chủng không được tiêm quá 50 trẻ/ngày
Sau sự cố tiêm chủng tại Quảng Trị, Bộ Y tế đã họp bàn và quyết định ra yêu cầu mỗi cơ sở tiêm chủng không được tiêm quá 50 trẻ trong một ngày. Để đáp ứng yêu cầu mới này, Bộ Y tế cho biết xã, phường có thể bố trí thêm các điểm tiêm chủng hoặc bố trí thêm ngày tiêm, thay vì tiêm một ngày trong tháng có thể tiêm 2-3 ngày, thậm chí là trong 1 tuần. Số lượng trẻ tiêm chủng trong ngày ít sẽ giúp cán bộ tiêm chủng, cán bộ khám sàng lọc có thời gian chuẩn bị thăm khám, tư vấn và thực hiện tiêm chủng được tốt hơn.
Tuy nhiên, TS Bình cho rằng việc tăng cường công tác khám sàng lọc trước khi tiêm cho trẻ là cần thiết nhưng để phát hiện trẻ bị bệnh không hề đơn giản. “Có rất nhiều bệnh bẩm sinh ở trẻ nhỏ không có biểu hiện lâm sàng rõ rệt, việc thăm khám ban đầu rất khó phát hiện. Do đó, cán bộ tiêm chủng ngoài thăm khám vẫn phải hỏi kỹ cha mẹ biểu hiện của trẻ trong mũi tiêm gần nhất để lựa chọn việc quyết định tiêm mũi tiếp theo”, TS Bình nói.
Về diễn biến điều tra vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B ở Quảng Trị, TS Bình cho biết, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam sẽ gửi mẫu vắc xin sang một cơ quan kiểm nghiệm vắc xin tại Anh để kiểm định chất lượng vắc xin.
Trước dư luận cho rằng Bộ Y tế đang đẩy trách nhiệm sự cố 3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B ở Quảng Trị sang Bộ Công An, TS Nguyễn Văn Bình cho biết “đánh giá như thế là không đúng”. Ông lý giải, nguyên văn công văn Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến gửi Bộ Công an là "đề nghị Bộ công an chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với Bộ Y tế sớm điều tra nguyên nhân tử vong của 3 cháu bé". Nghĩa là Bộ Y tế mong muốn Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với nhau, điều tra sự việc đến cùng chứ không phải đẩy trách nhiệm sang Bộ Công an. Việc mổ tử thi ở Việt Nam là thuộc trách nhiệm của công an. Bộ Y tế đánh giá những mẫu bệnh phẩm mà phía công an lấy là những chứng cứ quan trong trong việc làm sáng tỏ nguyên nhân tử vong. |