Độc đáo nghề đánh xe ngựa ở An Giang

Có lẽ hiện giờ chỉ có vùng Bảy Núi tỉnh An Giang mới có số đông người sống bằng nghề đánh xe ngựa. Ở xứ này, người dân quen sử dụng phương tiện xe ngựa để đi chợ, xe ngựa chở gỗ, xe ngựa đi viếng chùa…

Nghề của cha ông

Theo những lão nông cố cựu trong vùng thì xe ngựa Bảy Núi đã hiện diện trong đời sống người Khmer hơn trăm năm qua. Ở Bảy Núi, người nuôi ngựa cũng chính là những người đánh xe ngựa và họ đều là người Khmer. Các hộ nuôi ngựa ở đây đều có truyền thống từ nhiều thế hệ dân tộc Khmer Bảy Núi truyền lại.

Ông Chau Sinl ở xã An Tức (Tri Tôn) là một trong số những người có thâm niên trong nghề đánh xe ngựa, cho hay: “Ông bà, cha mẹ tôi hồi xưa đều có nuôi ngựa, và họ truyền lại kinh nghiệm cho tôi. Quan trọng là huấn luyện nó biết kéo xe. Hồi xưa xe ngựa bánh bằng gỗ, bây giờ bánh cao su có bơm hơi thì cũng phải huấn luyện ngựa cho nó thích hợp, không khó nhưng cũng không phải dễ đâu.” – ông Chau Sinl khẳng định. Hiện khu vực này có khoảng 50 người hành nghề lái xe ngựa.

Độc đáo nghề đánh xe ngựa ở An Giang - 1

Đi đâu ở vùng Bảy Núi cũng dễ thấy những chú ngựa thồ hàng.

Xã Vĩnh Trung (Tịnh Biên) là địa phương có số lượng xe ngựa đông nhất vùng Bảy Núi, với khoảng trên 20 xe ngựa của 20 hộ nuôi và đang hành nghề đánh xe ngựa. Anh Chau Kon – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trung cho biết: “Chúng tôi khuyến khích bà con nuôi ngựa như nuôi bò, nghĩa là không nhốt chung trong nhà mà nhốt riêng và có nơi xử lý phân ngựa, giữ vệ sinh chung cho phum sóc, nên dễ quản lý hơn ngày xưa rất nhiều…”.

Nuôi ngựa, ngựa “nuôi” người

Thuở xưa, xe ngựa là phương tiện vận chuyển hành khách duy nhất ở vùng Bảy Núi. Tuy nhiên, theo anh Chau Khét, cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tri Tôn, từ khi có xe gắn máy phổ biến thì xe ngựa ế ẩm. Thời gian gần đây, xe ngựa lại xuất hiện nhiều, trở thành kế sinh nhai ổn định cho nhiều gia đình Khmer ở Bảy Núi.

"Diễu hành xe ngựa trong các lễ hội không chỉ tôn lên sự long trọng của ngày hội mà còn góp phần giới thiệu nét đẹp văn hóa đặc trưng vùng miền. Xe ngựa ở Bảy Núi không chỉ nói về thời đã qua mà là văn hóa hiện hữu trong đời sống của cư dân hai huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên ngày nay”.Ông Trương Bá Trạng - Trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang.

Lý giải về điều này, ông Chau Mi, một người đánh xe ngựa chuyên nghiệp ở ấp An Lợi, xã An Hảo (Tịnh Biên) cho rằng: “Trước đây xe tải vận chuyển nhanh, rẻ nên người ta bỏ thuê xe ngựa, nhưng bây giờ giá xăng dầu cứ tăng hoài, xe tải cũng tăng giá nên mọi người quay lại thuê xe ngựa giá rẻ hơn nhiều”.

Tính ra, một chiếc xe ngựa “cứng tay” như ông Chau Mi một ngày cũng kiếm được không dưới 200 ngàn đồng, trừ chi phí (chủ yếu là công cắt cỏ cho ngựa ăn) thì gia đình ông thuộc hàng có thu nhập cao trong vùng.

Còn ông Chau Pâul ở ấp Vĩnh Tâm, xã Vĩnh Trung cho biết: “Tôi thường chở lúa hoặc chở gỗ cho bà con trong xã. Trung bình một chuyến từ đây về xã (khoảng 15km) họ trả tôi 100-150 ngàn đồng. Ngày nào tôi cũng chở một chuyến, vào mùa lúa có khi chở đến đêm khuya, ngày mấy chuyến”.

Nhận thấy xe ngựa là một trong những bản sắc văn hóa đặc sắc của vùng Bảy Núi nên từ nhiều năm nay, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch An Giang đã gìn giữ và giới thiệu loại hình văn hóa hóa xe ngựa ở Bảy Núi, trong đó không thể thiếu phần diễu hành hàng chục xe ngựa hoành tráng và long trọng trong những “Ngày hội Văn hóa – Thể thao – Du lịch” được tổ chức 2 năm một lần ở An Giang.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trọng Bình (Dân Việt)
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN