Nghề lân: Gian nan tập luyện, khát khao biểu diễn

Vào dịp Tết, những đoàn múa lân lại dạo khắp phố phường mang đến niềm vui, niềm hứng khởi cho mọi người. Thế nhưng, mấy ai biết đằng sau đó là cả một quá trình tập luyện vui có, buồn có của những người theo nghề lân.

Múa lân phải có nghề võ

Múa lân đã trở thành một nét văn hoá không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Ngoài biểu diễn tại các xóm làng, đường phố, múa lân còn trở thành một bộ môn thi đấu giữa các quốc gia trên thế giới.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu Hiền - Đoàn nghệ thuật Lân sư rồng Phước Duyên Đường, người theo nghề múa lân cần có sự yêu nghề, sự gan dạ và đòi hỏi độ chính xác, hành động chắc chắn, quyết đoán. "Nếu như không có tinh thần, không có sự tập trung, không thả hồn vào lân thì con lân sẽ không ra gì cả”, ông Hiền nói.

Nghề lân: Gian nan tập luyện, khát khao biểu diễn - 1

 Ông Nguyễn Văn Hiếu Hiền - Đoàn nghệ thuật Lân sư rồng Phước Duyên Đường.

Ông Hiền cho biết thêm, hiện múa lân được chia làm hai loại chính. Đầu tiên là lân truyền thống với môn leo cây trúc dài 9m để hái lộc. Khi leo lên đỉnh cao rồi, lân tiếp tục múa, biểu diễn, gây sự thích thú, hồi hộp cho người xem, đó mới là nghệ thuật. Ngoài ra, lân truyền thống còn có những môn biểu diễn như lân đấu địa, địa vũ (biểu diễn dưới đất).

Khác với múa lân truyền thống, Mai Hoa Thung là một môn múa lân mới hơn, thường được sử dụng trong các cuộc thi quốc tế. Môn này ra đời vào những năm 1970 tại Singapore, cứ mỗi năm lại có những đổi mới. Mai Hoa Thung cũng được xem là một môn thể thao rèn luyện sức khoẻ, đòi hỏi người múa phải có nghề võ. Nếu một người chưa thể múa lân truyền thống thì không thể lên được dàn Mai Hoa Thung.

Đại diện Việt Nam trong một cuộc thi tại Trung Quốc. (Video: YouTube)

Trong môn múa lân Mai Hoa Thung, đầu và đuôi phải ăn khớp với nhau, dùng lực chọi lực để leo lên được dàn Mai Hoa Thung có 21 cột (thấp nhất 1,2m và cao nhất 2,5m). “Không phải muốn leo thế nào cũng được đâu. Hiện đang có 117 động tác khó đã được ghi nhận trong môn này, nhưng chỉ cần sử dụng khoảng 10 động tác khó là đã mô tả được con lân trong vòng 7 - 10 phút”, ông Hiền nói.

“Mặc dù ai cũng thực hiện được 10 động tác khó để biểu diễn Mai Hoa Thung, nhưng người ta phải thể hiện được con thú có hồn, nó đang tìm kiếm cái gì, nếu hái linh chi thì cái linh chi đang ở đâu. Trong thi đấu, người nào có bài soạn hay, múa đẹp thì tất nhiên số điểm sẽ rất cao”, ông Hiền nói thêm.

Thực tế, khi người múa lân đạt đến đỉnh cao thì có thể dùng lực tay, lực chân kèm theo sự gan dạ của một người võ sinh để thực hiện động tác chồng người, tức người leo lên nhau để tạo hình lân cao nhất có thể.

“Nó thấm vào máu của tôi rồi”

“Tôi là người Việt nhưng từ nhỏ đã sống chung với môi trường người Hoa. Một ngày nọ tôi thấy người ta múa rồng, tôi thích quá nên theo học. Sau đó chuyển sang múa lân. Bây giờ, cứ một ngày đặc biệt là gần tới tết, thấy người ta múa lân mà mình không được múa thì khó chịu, tức tối lắm!”, ông Hiền tâm sự về cơ duyên và tình cảm đối với nghề lân.

Về những vui, buồn với nghề, ông Hiền kể: “Mới đây, trong đoàn có một thành viên tên Thông, đã bị gãy tay khi đang cầm đầu lân tập nhảy động tác khó nhất, ít người thực hiện nhất trong môn Mai Hoa Thung”.

“Đơn giản là họ muốn được trổ tài, muốn được người ta xem họ diễn xuất trong con lân. Khi té xuống rồi, ảnh suy nghĩ không biết thi được nữa hay không và rất buồn. Không chỉ Thông buồn mà toàn đội đều buồn, đều lo lắng cho ảnh”, ông Hiền trầm ngâm, nói.

“Khi Thông hồi phục, đi thi được rồi, đó là sự hưng phấn của toàn đội. Còn sau cuộc thi, thắng thì vui, thua thì buồn - chuyện này bình thường thôi”, ông Hiền chia sẻ.

Anh Lý Phương Hiền (23 tuổi), một người đã có 14 năm theo nghề lân, chia sẻ, anh theo nghề lân từ lúc 9 tuổi. Cơ duyên anh tới với nghề này cũng là vì sự thích thú với hình ảnh con lân, mong muốn được biểu diễn, được thả hồn vào chú lân.

Nghề lân: Gian nan tập luyện, khát khao biểu diễn - 2

Anh Lý Phương Hiền (23 tuổi) đã có 14 năm theo nghề lân.

Anh Hiền tâm sự: “Trong quá trình tập múa lân, tôi bị té hoài, nhiều lúc nản và muốn bỏ luôn, nhưng thấy người ta biểu diễn, làm được thì mình cũng phải làm được. Thế là lại lấy động lực tập luyện”.

Với niềm đam mê nghề lân, sau hơn 10 năm múa lân truyền thống, anh Hiền bắt đầu chuyển sang tập Mai Hoa Thung. Kỹ năng trong 1 năm đầu tiên vẫn còn yếu nên anh đã học hỏi thêm người này người nọ để trở nên cứng cáp hơn. Giờ đây, anh Hiền là một trong những thành viên chủ chốt của đoàn múa lân, vừa đại diện cho Việt Nam sang Singapore thi đấu cùng các quốc gia khác.

“Tôi theo nghề lân tới giờ là vì đam mê, yêu nghề, nó thấm vô máu của tôi rồi”, anh Hiền chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN