Điếu văn xúc động tiễn biệt ông Nguyễn Bá Thanh

Sáng 16.2, từng dòng người dự lễ truy điệu nghẹn ngào khi nghe ông Tô Huy Rứa - Trưởng ban Tổ chức Trung ương - đọc điếu văn về ông Nguyễn Bá Thanh.

Ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Lễ tang ông Nguyễn Bá Thanh đã đọc điếu văn tại buổi Lễ.

Dân Việt xin đăng toàn văn điếu văn ông Nguyễn Bá Thanh:


Điếu văn xúc động tiễn biệt ông Nguyễn Bá Thanh - 1
Ông Tô Huy Rứa đọc điếu văn.

 

Thưa các đồng chí và các vị,

Thưa gia quyến đồng chí Nguyễn Bá Thanh,

“Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Đại biểu Quốc hội các khóa 9, 11, 12, 13, Thành ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội của thành phố Đà Nẵng. Sau thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được các giáo sư, các thầy thuốc đầu ngành của nhiều bệnh viện lớn trong nước và nước ngoài tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, đông đảo cán bộ đảng viên và nhân dân quan tâm lo lắng, nhưng do bệnh quá hiểm nghèo, đồng chí đã vĩnh biệt chúng ta hồi 13 giờ 0 phút ngày 13.2.2015, tức ngày 25 tháng Chạp năm Giáp Ngọ, hưởng thọ 62 tuổi.


Hôm nay, trong niềm tiếc thương vô hạn, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Nội chính Trung ương, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng cùng đông đảo đồng bào, đồng chí, đồng đội, bạn bè, tộc họ và gia đình long trọng tổ chức lễ truy điệu để tiễn biệt đồng chí Nguyễn Bá Thanh yêu quý của chúng ta về cõi vĩnh hằng.

Thưa các đồng chí và các vị, thưa gia quyến đồng chí Nguyễn Bá Thanh. Đồng chí Nguyễn Bá Thanh sinh ngày 8 tháng 4 năm 1953 tại thôn Dương Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, nay là xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng "vành đai diệt Mỹ" Hòa Vang, đồng chí đã sớm kế thừa, giác ngộ cách mạng, tham gia đội thiếu niên cứu quốc thôn Dương Sơn từ tháng 6 năm 1964. Tháng 6 năm 1968, lúc mới 15 tuổi đồng chí Nguyễn Bá Thanh được tổ chức đưa ra miền Bắc học tập tại Trường Học sinh miền Nam ở huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Toàn bộ đóng góp xuất sắc của ông Nguyễn Bá Thanh vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc sau này đã chứng minh cho tầm nhìn vô cùng sáng suốt của Đảng và Bác Hồ. Khi chủ trương lựa chọn những thanh thiếu niên ưu tú - những hạt giống đỏ từ tiền tuyến lớn miền Nam ra miền Bắc để đào tạo, chuẩn bị lực lượng cán bộ, kế tiếp lớp cha anh trong cuộc kháng chiến đầy gian khổ, giành độc lập dân tộc và xây dựng tổ quốc sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ tháng 9 năm 1972 đến tháng 12 năm 1977, ông Nguyễn Bá Thanh học tại Trường Nông nghiệp I Hà Nội, với tố chất thông minh, năng nổ, nhiệt huyết trong các phong trào cách mạng của tuổi trẻ thủ đô, đồng chí đã được bầu vào Ban thường vụ Liên đoàn Thanh niên Khoa Kinh tế nông nghiệp. Tốt nghiệp đại học trở lại quê hương Đà Nẵng, đồng chí được phân công làm Trưởng đoàn quy hoạch Trung ương; công tác tại Ban nông nghiệp huyện Hòa Vang; sau đó được điều động về cơ sở làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Hòa Nhơn.

Phong cách gần dân, lắng nghe dân, sâu sắc với dân và tác phong miệng nói tay làm, nói đi đôi với làm… là những nhân tố cao đẹp của người lãnh đạo đã hình thành trong đồng chí từ năm đó. Tháng 2 năm 1980, đồng chí được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam…

Tháng 9 năm 1984 đến tháng 9.1986, đồng chí Nguyễn Bá Thanh được cử đi học lý luận chính trị tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp xuất sắc, đồng chí được điều động, tăng cường giữ chức Phó Giám đốc rồi làm Giám đốc Nông trường Chè Quyết Thắng.

Trong bối cảnh hết sức khó khăn khi chuyển sang cơ chế thị trường, nhưng với tài năng và bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, biết làm và dám chịu trách nhiệm, đồng chí đã mạnh dạn mở rộng hoạt động của đơn vị sang lĩnh vực khác để cải thiện đời sống công nhân, nhờ vậy Nông trường Chè đã vượt qua được giai đoạn khó khăn. Trách nhiệm với công việc, tình yêu thương đối với cán bộ, nhân dân cùng với ý tưởng táo bạo, quyết đoán mạnh mẽ của đồng chí đã được nhân dân và cấp ủy ghi nhận.

Thời gian sau đó, đồng chí được phân công làm Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh và được cử đi học lớp Quản lý kinh tế cao cấp tại Liên Xô - vào thời gian chế độ XHCN ở Liên Xô sụp đổ. Tận mắt chứng kiến sự đổ vỡ của một chính đảng lớn, đã từng là thành trì vững chắc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đồng chí đã thấm thía một cách sâu sắc, để từ đó chiêm nghiệm, rút ra bài học sâu sắc cho cá nhân và đóng góp cho Đảng, cho đất nước; đó là: Không một chính đảng nào có thể tồn tại nếu chính đảng đó trì trệ, không tự đổi mới, nếu chính đảng đó xa rời nguyên tắc và nhất là đánh mất niềm tin của quần chúng nhân dân.

Năm 1992, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Nông nghiệp và trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa 9 của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1995, đồng chí được phân công làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng trực thuộc tỉnh. Đây là thời gian đồng chí bộc lộ rõ những phẩm chất đáng quý của người đứng đầu cơ quan chính quyền, có môi trường thể thiện tài năng, tạo được nhiều dấn ấn trong xây dựng cơ chế và đội ngũ cán bộ, đóng góp nhiều công sức cho việc phát triển kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị…

Năm 1996, tại Đại hội lần thứ 16 của Đảng bộ tỉnh, đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Năm 1997 khi Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách, Đà Nẵng trở thành trực thuộc Trung ương, đồng chí được giao trọng trách làm Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố.

Trong bộn bề, ngổn ngang công việc, trên cương vị là người đứng đầu chính quyền, với sự nhạy bén và tầm nhìn chiến lược, đồng chí đã đề ra chủ trương huy động nhân dân vào việc xây dựng cầu Sông Hàn - cây cầu không chỉ có ý nghĩa nối liền giao thông giữa hai bờ Đông-Tây mà chính là nối liền các khu vực kinh tế, tạo tiền đề cho một giai đoạn phát triển thần tốc của Đà Nẵng.

Đồng chí là người khởi xướng chương trình thành phố “5 không, 3 có” (không hộ đói, không người lang thang xin ăn, không người mù chữ, không người nghiện ma túy trong cộng đồng, không giết người để cướp của), khi mục tiêu “3 có” (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn minh đô thị) đã đạt được thì “5 không” vẫn được duy trì. Đây cũng là giai đoạn phát triển gắn liền với những thành tựu đáng tự hào của Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng, gắn liền với tên tuổi Nguyễn Bá Thanh.

Điếu văn xúc động tiễn biệt ông Nguyễn Bá Thanh - 2
Cả ngàn người nghẹn ngào xúc động khi nghe đọc điếu văn.
Trên cương vị Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng rồi Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, đồng chí Nguyễn Bá Thanh luôn thể hiện là người cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngại khó, không ngại va chạm, không ngại thiếu “cơ chế chính sách” đã đi đầu trong việc phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và sự ủng hộ, tạo điều kiện của Trung ương để xây dựng, quy hoạch, quản lý, chỉnh trang đô thị, đề xướng những chính sách an sinh xã hội hợp với lòng dân và giàu chất nhân văn. Qua đó đã từng bước gây dựng một diện mạo đô thị mới tươi đẹp và hiện đại cho thành phố bên sông Hàn.

Ngoài công việc lãnh đạo điều hành, vốn đã rất ngổn ngang, bận rộn, nhưng đồng chí vẫn cố gắng để đọc, để học và hoàn thành xuất sắc luận văn tiến sĩ kinh tế với mong muốn có kiến thức tốt hơn để cống hiến được nhiều hơn.

Trong nhiều năm nay, trên từng con phố, trên mỗi công trình ở thành phố Đà Nẵng anh hùng đều in đậm hình bóng của người lãnh đạo tận tụy, hết lòng vì Đảng, vì dân để lại trong ký ức của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Đà Nẵng những lời nói mộc mạc, dung dị mà chí lý, thắm đượm tình đời, tình người, tình đồng chí của người đứng đầu Đảng bộ thành phố. Đội ngũ cán bộ của thành phố vẫn nhớ nhắn nhủ của đồng chí trước khi ra Hà Nội giữ chức Trưởng ban Nội chính Trung ương: “Hãy khát vọng chứ đừng tham vọng. Vì tham vọng là hướng đến cái mình chưa có, vì cái riêng, còn khát vọng là vì cái chung”. Đó là tâm huyết cả đời của đồng chí mong mỏi mọi người dân chung tay đưa Đà Nẵng trở thành một thành phố phát triển.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đánh giá cao về phẩm chất, năng lực của đồng chí và tháng 2 năm 2013, đồng chí được điều động ra Trung ương công tác, được phân công giữ chức Trưởng ban Nội chính Trung ương kiêm giữ chức Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng - là nhiệm vụ hết sức quan trọng, một trong những giải pháp chỉnh đốn, xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa IX). Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn và đầy thách thức, cam go. Nhưng với bản lĩnh vững vàng và với kinh nghiệm công tác, tinh thần trách nhiệm rất cao và với cốt cách cương trực, khí khái của người con xứ Quảng, đồng chí Nguyễn Bá Thanh đã nhanh chóng tiếp cận công việc, tham mưu xây dựng tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ đưa Ban Nội chính Trung ương mới tái lập đi vào hoạt động trực tiếp chỉ đạo một số vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, phức tạp, được cán bộ đảng viên và nhân dân cả nước ghi nhận góp phần khôi phục lòng tin nhân dân về quyết tâm đổi mới chỉnh đốn Đảng, vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta.

Trong những ngày cuối đời khi nằm trên giường bệnh, khí phách của người cộng sản chân chính đã được đồng chí thể hiện ở sự can trường chiến đấu chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, ở sự lo lắng về công việc của Đảng, TP.Đà Nẵng và cuộc sống nhân dân. Cả cuộc đời của đồng chí gắn bó với Đảng, với nhân dân, hết lòng hết mực vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì hạnh phúc nhân dân. Đồng chí luôn được nhân dân Đà Nẵng và đông đảo nhân dân, cán bộ cả nước tin yêu.

Khi được biết đồng chí mắc bệnh hiểm nghèo và nhất là khi đồng chí về nước, người dân Đà Nẵng và nhân dân, cán bộ, đảng viên trong cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài lại càng quan tâm đến sức khỏe của đồng chí. Nhiều người dân Đà Nẵng đã đứng nhiều giờ liền trước cổng bệnh viện cầu mong cho đồng chí lành bệnh, nhiều chức sắc tôn giáo đã tổ chức cầu nguyện cho đồng chí. Được tin đồng chí qua đời, đau đớn như mất đi một người ruột thịt của chính mình và hôm nay đông đảo nhân dân về đây dự lễ truy điệu tiễn biệt đồng chí.

Không chỉ là một cán bộ dành trọn một đời vì Đảng, vì dân, đồng chí còn là một người con hết mực hiếu thảo, một người chồng thủy chung, một người cha, người ông mẫu mực… mãi mãi là tấm gương cho con cháu noi theo.

Với những công lao, cống hiến to lớn ấy, đồng chí Nguyễn Bá Thanh đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao, đồng chí được tặng Huân chương Độc Lập hạng Nhất, Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng và nhiều danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước, nhưng cao quý nhất và đáng tự hào nhất chính là tấm Huân chương của lòng dân đã dành trọn cho đồng chí.

Thưa các đồng chí, các bạn, thưa gia quyến đồng chí Nguyễn Bá Thanh.

Cho đến khi nhắm mắt xuôi tay vĩnh biệt cuộc đời này, đồng chí Nguyễn Bá Thanh của chúng ta vẫn không nguôi suy nghĩ về công việc của Đảng và nhân dân giao phó, vẫn đau đáu những việc làm mà đồng chí đang làm dang dở cho Đảng, cho dân. Điều trân trọng và dù ở đâu trên bất cứ cương vị công tác nào, kể cả những hoàn cảnh khó khăn nhất, đồng chí cũng luôn thể hiện ý chí sắt đá của người đảng viên cộng sản kiên trung không ngại khó, ngại khổ hết lòng vì Đảng, vì dân.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh mất đi, Đảng ta mất một người đảng viên cộng sản kiên trung, Đảng bộ, nhân dân Đà Nẵng mất đi người con, một lãnh đạo tận tụy vì dân, gia đình mất đi một người con, một người chồng, người cha mẫu mực, sự ra đi của đồng chí là tổn thất không gì bù đắp của gia đình, dòng tộc.

Xin toàn thể gia quyến của đồng chí Nguyễn Bá Thanh hãy nhận lời chia buồn sâu sắc nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Nội chính Trung ương, các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Đà Nẵng nơi cư trú công tác mà đồng chí Nguyễn Bá Thanh gắn bó trên những chặng đường.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh kính mến!

Dẫu biết quy luật của muôn đời là có sống có thác và dẫu biết rằng trong những ngày tháng qua, với khí phách bản lĩnh của mình, đồng chí đã kiên cường chống chọi với bệnh tật, khát khao được bình phục để tiếp tục sống thực hiện nguyện vong cháy bỏng là cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Nhưng vì căn bệnh quá hiểm nghèo, đồng chí đã ra đi, ra đi mãi mãi, để lại niềm tiếc thương vô hạn dành cho chúng ta. Những người có mặt tại lễ viếng đồng chí vẫn không sao kiềm được niềm xúc động, nước mắt.

Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt đồng chí. Nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao phó suốt mấy mươi năm qua, đến đây đồng chí đã hoàn thành, mong đồng chí hãy thanh thản ra đi, yên lòng an nghỉ nơi chốn vĩnh hằng.

Phút mặc niệm bắt đầu.

Xin cảm ơn”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Kim Oanh-Dũ Tuấn ([Tên nguồn])
Ông Nguyễn Bá Thanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN