Diễn tiến vụ án Thuận An đến thời điểm ông Phạm Thái Hà bị bắt

Đến thời điểm này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam bảy người liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, mới nhất là ông Phạm Thái Hà, trợ lý Chủ tịch Quốc hội.

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An (Tập đoàn Thuận An) và các đơn vị, tổ chức có liên quan, tính đến ngày 23-4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bảy người.

Công an cũng đang mở rộng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, sai phạm tại Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định và thu hồi triệt để tài sản.

Bảy bị can bị khởi tố trong vụ án liên quan Tập đoàn Thuận An. Ảnh: BCA

Bảy bị can bị khởi tố trong vụ án liên quan Tập đoàn Thuận An. Ảnh: BCA

Bảy bị can bị khởi tố

Trong số bảy bị can này có ông Phạm Thái Hà, phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội. Ông Hà bị bắt để điều tra về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Ngoài ra còn có sáu người khác gồm ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thuận An; ông Nguyễn Khắc Mẫn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Thuận An, cùng bị khởi tố về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đưa hối lộ.

Ông Trần Anh Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Thuận An, bị khởi tố, bắt tạm giam về tội đưa hối lộ.

Ông Nguyễn Văn Thạo, Giám đốc và ông Đàm Văn Cường, Phó giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang cùng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và nhận hối lộ.

Ông Hoàng Thế Du, Trưởng phòng Ban QLDA tỉnh Bắc Giang, bị khởi tố, bắt tạm giam về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó, ngày 15-4, C03 cũng đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An (Tập đoàn Thuận An) và các đơn vị, tổ chức có liên quan.

Dự án Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có sự tham gia của Tập đoàn Thuận An. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Dự án Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có sự tham gia của Tập đoàn Thuận An. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Bộ Công an yêu cầu cung cấp hồ sơ

C03 cũng có văn bản đề nghị Đắk Lắk cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến gói thầu của Tập đoàn Thuận An. Cụ thể, đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin và toàn bộ hồ sơ liên quan đến gói thầu số 3 thi công xây dựng (đoạn Km0 đến Km20+500) thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Đông TP Buôn Ma Thuột.

Hồ sơ đề nghị bao gồm quá trình phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư, thiết kế thi công, dự toán xây dựng, hồ sơ mời thầu, quá trình đấu thầu, dự thầu, chấm thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu và quá trình triển khai dự án và gói thầu số 3. Ngoài ra còn có hồ sơ về ký kết, thực hiện hợp đồng thi công xây dựng, tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí đầu tư xây dựng dự án và gói thầu số 3…

Cạnh đó, nhiều tỉnh, thành đã có công văn đề nghị các sở ngành, địa phương phối hợp, cung cấp thông tin liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An như Đắk Lắk, Phú Yên, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bắc Giang, Hà Nội…

Riêng tại TP.HCM, Tập đoàn Thuận An đang tham gia một số gói thầu thuộc dự án trọng điểm của TP.HCM gồm (1) gói thầu xây lắp 2 xây dựng hầm HC2 thuộc Dự án đầu tư xây dựng Nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, quận 7; (2) gói thầu XL5, xây dựng đường vành đai 3 đoạn qua TP Thủ Đức, thuộc dự án thành phần 1; (3) Gói thầu XL-05 và XL-06 thuộc dự án xây dựng kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

Phía Cục Đường bộ cũng có văn bản yêu cầu Ban QLDA 4 làm việc ngay với đại diện có thẩm quyền của Tập đoàn Thuận An (thành viên liên danh nhà thầu) về khả năng tiếp tục thực hiện thi công hoàn thành gói thầu XD02 thuộc dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E đoạn Km15+270 - Km89+700, tỉnh Quảng Nam.

“Trường hợp không thể tiếp tục triển khai thi công đáp ứng tiến độ của dự án, Ban QLDA 4 căn cứ quy định của hợp đồng và pháp luật có liên quan đề xuất phương án xử lý phù hợp” – Cục Đường bộ nêu…

Theo tìm hiểu, tiền thân của Thuận An Group là Công ty Cổ phần Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An, được thành lập ngày 4-8-2004.

Thuận An Group là Tập đoàn chuyên về lĩnh vực đầu tư và xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh mua bán điện và năng lượng tái tạo, kinh doanh và đầu tư bất động sản. Trước đó, trên website của Thuận An Group còn giới thiệu kinh doanh cả trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng.

Từ năm 2019, Tập đoàn Thuận An của ông Nguyễn Duy Hưng có những dấu ấn trong ngành hạ tầng xây dựng. Từ sau khoảng thời gian này, mỗi năm Tập đoàn Thuận An tham gia vào các liên danh trúng những gói thầu có tổng giá trị hàng nghìn tỉ đồng.

Tháng 10-2021, doanh nghiệp này thực hiện điều chỉnh vốn điều lệ từ 300 tỉ đồng lên 500 tỉ đồng, tuy nhiên không công bố cơ cấu cổ đông. Tháng 12-2021, Thuận An tiếp tục tăng vốn lên 800 tỉ đồng.

Tháng 1-2023, doanh nghiệp này đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An - TAG. Đại diện pháp luật khi này là ông Trần Anh Quang, Tổng giám đốc (SN 1985) và ông Nguyễn Duy Hưng (SN 1974) là Chủ tịch Hội đồng Quản trị và nắm 32% cổ phần.

Thuận An tham gia dự án tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Ninh Thuận, Bắc Giang, Quảng Nam, Cần Thơ, Thái Nguyên, Bình Dương, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Hà Giang, Tuyên Quang... Đơn vị này đăng ký tham gia 51 gói thầu, trúng 39 gói, trượt 8 gói, 4 gói chưa có kết quả, với tổng giá trị trúng thầu là hơn 22.600 tỉ đồng…

Diễn tiến vụ án Thuận An đến thời điểm ông Phạm Thái Hà bị bắt - 3

Nguồn: [Link nguồn]

Ông Phạm Thái Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, bị bắt với cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo NGỌC MAI ([Tên nguồn])
Bắt Chủ tịch Tập đoàn Thuận An Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN